Lưu học sinh Lào nói tiếng Việt lưu loát hơn sau thời gian sống cùng bố mẹ Việt

2025-01-17 20:15:20
Năm học 2021-2022 hơn 14.000 lưu học sinh Lào theo học tại Việt Nam
Lưu học sinh Lào "3 cùng" với bố mẹ Việt

Ý tưởng đưa lưu học sinh Lào đi thực tế tại nhà dân xuất phát từ đâu thưa ông?

Các lưu học sinh Lào lần đầu sang Việt Nam học tập đều trải qua chương trình học dự bị tiếng Việt trước khi chuyển vào học chuyên ngành tại các trường của Việt Nam. Quá trình đào tạo, nhà trường luôn chú trọng rèn luyện đầy đủ 4 kỹ năng sử dụng tiếng Việt nghe, nói, đọc, viết cho các em. Tuy nhiên một số em vẫn gặp nhiều khó khăn trong sử dụng tiếng Việt. Hạn chế về ngôn ngữ khiến các em gặp khó khăn trong việc học cũng như hòa nhập với cuộc sống ở Việt Nam.

Do đó, từ năm học 2014-2015, trường Hữu nghị T78 đã triển khai thử nghiệm mô hình “Đưa lưu học sinh Lào đi thực tế tại nhà dân”. Trong thời gian diễn ra chương trình, các em thực hiện “ba cùng” với các bố mẹ, anh chị em người Việt – cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Khi sống với người dân địa phương, tiếng Việt gần như là ngôn ngữ duy nhất để giao tiếp. Các em muốn nói để người khác hiểu phải học thêm từ vựng, cách phát âm đúng, điều chỉnh tốc độ nói, nội dung nói phù hợp tình huống giao tiếp.

Chủ đề giao tiếp của lưu học sinh khi ở nhà dân phong phú, đa dạng, gần gũi với đời sống. Những điều này làm cho vốn từ của các em được tăng lên rõ rệt và khả năng nói mềm mại, mượt mà, có âm điệu và biểu cảm hơn nhiều.

Chương trình còn giúp lưu học sinh Lào tìm hiểu hoặc trực tiếp trải nghiệm những phong tục tập quán, văn hóa của người Việt Nam, nhanh chóng hòa nhập với môi trường sống và học tập tại Việt Nam đồng thời có cơ hội quảng bá văn hóa, ẩm thực Lào.

Tiến sĩ Lê Phú Thắng – Hiệu trưởng Trường Hữu nghị T78 phát biểu tại chương trình “Đưa lưu học sinh Lào đi thực tế tại nhà dân” năm học 2022 - 2023.

Việc lựa chọn lưu học sinh Lào và các gia đình đón nhận các em về sinh sống dựa trên những tiêu chí nào, thưa ông?

Vấn đề đảm bảo an toàn mọi mặt cho lưu học sinh và các vấn đề an ninh, trật tự trị an của địa phương luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi vậy việc lựa chọn các lưu học sinh và những gia đình tham gia đón nhận các em cũng được chúng tôi đưa ra các tiêu chí rõ ràng.

Các lưu học sinh phải đang theo học chương trình dự bị tiếng Việt; có ý thức tốt trong học tập rèn luyện; bản thân tự nguyện tham gia chương trình; đã có thời gian học tiếng Việt ít nhất 3 tháng hoặc đuợc đánh giá đã hoàn thành bậc 1 theo khung năng lực tiếng Việt (năng lực giao tiếp tiếng Việt ở mức cơ bản).

Việc lựa chọn các hộ gia đình đón lưu học sinh về sinh sống cùng trước hết dựa trên tinh thần tự nguyện của bà con; ưu tiên sắp xếp các hộ gia đình có người nhà là Đảng viên, cán bộ, công chức, cựu quân nhân đến các hộ gia đình có điều kiện thuận lợi như: nhà cửa, sân vườn rộng rãi, thoáng mát, việc đi lại thuận tiện, an toàn, gia đình thường xuyên có người ở nhà để tiện cho việc chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ các em trong sinh hoạt và học tập.

Các em lưu học sinh Lào hào hứng với chuyển trải nghiệm thực tế ở nhà bố mẹ Việt (Ảnh: Trường Hữu nghị T78).

Qua 6 năm triển khai chương trình đã có những bước phát triển như thế nào? Ông có kiến nghị gì để tiếp tục nâng cao chất lượng chương trình trong thời gian tới?

Năm đầu tiên, chương trình mới chỉ triển khai ở một thôn (Cụm 1 Ổ Thôn - địa bàn gần trường nhất) với 20 lưu học sinh và 10 hộ gia đình tham gia, thời gian thực tế cũng chỉ có 10 ngày với hai hoạt động chính là viếng nghĩa trang liệt sĩ và tham gia lao động vệ sinh thôn xóm. Những năm học tiếp theo, sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm từ việc tổ chức thí điểm nhà trường tăng dần quy mô và nội dung hoạt động.

Năm học 2022-2023 nhà trường thống nhất với địa phương triển khai chương trình ở cả 5 thôn của xã Thọ Lộc với 162 lưu học sinh được đưa tới 79 hộ gia đình, trung bình mỗi hộ đón 2 lưu học sinh.

Như vậy, từ 1 thôn trong đề án thí điểm (2014 – 2015) đến năm học 2018 – 2019 đã mở rộng ra 4 thôn và hiện nay là 5 thôn.

Thời gian trải nghiệm của lưu học sinh tại nhà dân cũng đã được phát triển lên 20 ngày với nhiều hoạt động phong phú như: hướng dẫn bố mẹ Việt múa Lăm vông, nhảy Ba-xa-lôp, giao tiếp những câu đơn giản bằng tiếng Lào, lao động vệ sinh thôn xóm, tham quan, tìm hiểu mô hình trang trại ở địa phương.

Theo yêu cầu của chuyến đi thực tế, lưu học sinh phải ghi nhật kí hàng ngày. Mỗi cuốn nhật kí bao gồm 6 – 7 nội dung chuyên đề cần tìm hiểu, ghi chép trong gần 1 tháng thông qua hệ thống câu hỏi gợi ý như: tìm hiểu về gia đình mình đến sinh hoạt; tìm hiểu về mâm cơm gia đình người Việt; tham quan học tập mô hình trang trại, lễ hội đình làng…

Lưu học sinh Lào tham quan, tìm hiểu mô hình trang trại ở địa phương (Ảnh: Trường Hữu nghị T78).

Trong thời gian sinh sống cùng, các hộ dân đều dành cho các em những tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc như con cái trong nhà. Nhiều gia đình chủ động tổ chức các buổi liên hoan, nấu ăn, biểu diễn văn nghệ hoặc cùng các lưu học sinh Lào tham gia hội làng… giúp các em được trải nghiệm và giao lưu học tập.

Thời gian tới, trường sẽ mở các lớp dạy tiếng Lào cho cán bộ, người dân để bà con thuận lợi hơn trong giao tiếp với các lưu học sinh Lào.

Tôi mong muốn có sự tham gia, giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất của các cấp lãnh đạo, sự tài trợ của các doanh nghiệp và Đại sứ quán, Hội hữu nghị hai nước Việt Lào, Lào – Việt để chương trình được triển khai sâu rộng hơn nữa, góp phần vun đắp cho tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào thêm sâu sắc, bền chặt.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu học sinh Lào chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo trường Hữu nghị T78 và bố mẹ Việt

(Ảnh: Trường Hữu nghị T78).

"Đầu năm 1958, Bác Hồ lên thăm tỉnh Thái Nguyên, Bác dành thời gian về thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường. Bác căn dặn trường “phải mở rộng cửa trường cho học sinh ra tiếp xúc với nhân dân địa phương, lấy nhân dân bảo vệ bí mật cho trường chứ đừng đóng cổng nhốt học sinh trong trường mà gọi là bí mật”.

Quá trình hình thành, phát triển của nhà trường luôn nhân được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền và nhân dân địa phương.

Thời chiến nhân dân tin yêu, giúp đỡ và dành tất cả những gì tốt nhất cho lưu học sinh, như: dành đất làm nhà, đình, đền, chùa làm lớp học; quan tâm nơi ăn, chốn ở, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho lưu học sinh; nhiều gia đình nhận lưu học sinh Lào làm con nuôi…

Thời bình, lưu học sinh đang theo học tại trường tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, yêu thương, đùm bọc của người dân địa phương", ông Lê Phú Thắng – Hiệu trưởng Trường Hữu nghị T78 cho biết.

Triển lãm tài liệu lưu trữ và công bố sách "Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào”
Ngày 23/11, tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam phối hợp với Lưu trữ Quốc gia Lào tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm tài liệu lưu trữ và công bố sách về “Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào”.
Gặp mặt, giao lưu với lưu học sinh Lào đang học tập tại Thái Nguyên
Ngày 15/12/2022, Đoàn đại biểu Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam đã tổ chức Chương trình Giao lưu với lưu học sinh Lào đang học tập tại Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên).

Nguồn bài viết : Thống kê giải đặc biệt theo năm

Top