Tấm lòng của một người Bỉ đối với đất nước Việt Nam

2025-01-17 20:15:24
Tâm nguyện giúp trẻ em khó khăn của những người Mỹ yêu đất nước Việt Nam
Tâm nguyện về một ngôi chùa Việt trên nước Nhật
Ông Ralph Coeckelberghs thích thú với chiếc mũ bộ đội có gắn ngôi sao vàng mà ông mới mua ở Việt Nam trong chuyến thăm hồi đầu tháng 3 vừa qua. Ảnh: Duy Tùng/PV TTXVN tại Bỉ

Vừa trở về Bỉ sau chuyến thăm Việt Nam trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Bỉ, ông đã dành cho phóng viên TTXVN tại Brussels một cuộc trò chuyện về những kỷ niệm thời sinh viên, khi ông tham gia không mệt mỏi các cuộc đấu tranh phản đối chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.

Trong căn phòng làm việc tại nhà riêng ở ngoại ô thủ đô Brussels, những món đồ nhỏ mà ông Ralph Coeckelberghs mang về sau những chuyến công tác, du lịch tại nước ngoài, được bày trang trọng trên giá sách. Trong số này phải kể đến một chiếc mũ bộ đội với ngôi sao vàng 5 cánh là món quà lưu niệm trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu tháng 3 vừa qua, hay con trâu bằng đất nung, bức tượng con sư tử được làm từ một viên than đá mà ông mua ở Quảng Ninh khi đi thăm thành phố này cách đây hơn 40 năm. Trên tường, ông treo những bức tranh cổ động phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Tất cả gợi lại cho ông cảm xúc của 55 năm trước, khi ông còn là chàng sinh viên 24 tuổi ở Đại học Tự do Brussels (ULB).

Hồi đó, ông Ralph Coeckelberghs chơi thân với nhóm sinh viên Việt Nam yêu nước. Là một người tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, qua các bài học chính trị, chàng thanh niên Bỉ nhận thấy chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến phi lý. Ralph Coeckelberghs đã tham gia cuộc biểu tình đầu tiên ở Bỉ phản đối chiến tranh Việt Nam vào năm 1964, khi quân đội Mỹ ném bom thành phố Hải Phòng. Đặc biệt, cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 là chủ đề nóng của báo chí và dư luận quốc tế thời đó, càng thôi thúc Ralph Coeckelberghs và nhóm bạn bè phải làm điều gì đó để phản đối cuộc chiến tranh này.

Lật giở cuốn album lưu giữ những bài báo từ tháng 9/1968 giờ đã ố vàng theo màu thời gian, trong đó là hình ảnh nhóm thanh niên đụng độ với cảnh sát khi tham gia cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, ông Ralph Coeckelberghs vừa xúc động, vừa tự hào. Ông kể ông và nhóm bạn đã biểu tình trước cửa rạp chiếu phim ở thủ đô Brussels để phản đối việc trình chiếu bộ phim "Green Berets" (tạm dịch "Lính mũ nồi xanh") kể về một đội quân tinh nhuệ của Mỹ tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Mang theo biểu ngữ phản đối quân đội Mỹ và lá cờ của Mặt trận Dân tộc miền Nam Việt Nam, nhóm thanh niên do Ralph Coeckelberghs dẫn đầu đã bị cảnh sát đàn áp và bắt giữ. Sự kiện này đã gây tiếng vang lớn hồi đó khi được phóng viên của các tờ báo nổi tiếng của Pháp như Le Monde, Paris Match đưa tin.

Trong giai đoạn 1971 - 1973, ông Ralph Coeckelberghs là Chủ tịch Hội Sinh viên Tiến bộ Đại học ULB. Lòng yêu nước của những người bạn Việt Nam đã "ngấm sang" chàng sinh viên Bỉ. Năm 1972, Ralph Coeckelberghs đã tham gia cuộc tuyệt thực cùng một số sinh viên Việt Nam. Sau khi ra trường, ông hoạt động tích cực trong nhiều hiệp hội vận động cho việc xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc và tiếp tục đồng hành với các sinh viên yêu nước Việt Nam.

Trưởng CQTT Thông tấn xã Việt Nam tại Bỉ trao tặng ấn phẩm của TTXVN cho ông Ralph Coeckelberghs. Ảnh: Duy Tùng/PV TTXVN tại Bỉ

Nhắc lại thời khắc ngày 30/4/1975 khi cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc, đất nước này đã hoàn toàn giải phóng, Ralph Coeckelberghs nói rằng trong ông vẫn vẹn nguyên những cảm xúc như thể sự kiện mới diễn ra ngày hôm qua. Ông biết được thông tin từ một người bạn là phóng viên thường trú của Đài Phát thanh và Truyền hình Bỉ (RTBF) ở miền Nam Việt Nam. Vui mừng khôn xiết, ông Ralph Coeckelberghs vội vàng đến chia vui với các bạn Việt Nam với một bó hoa tươi thắm tặng cho Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam của trường ULB, Đỗ Tấn Sĩ. Họ ôm hôn nhau vui mừng nhảy múa và hét vang: "Chiến tranh kết thúc rồi! Việt Nam giải phóng rồi!".

Sau này, ông Ralph Coeckelberghs làm việc cho các tổ chức nhân đạo quốc tế như Hội Chữ thập Đỏ và tiếp tục có các mối quan hệ với Việt Nam. Lần đầu tiên ông được đến thăm quốc gia Đông Nam Á này là vào năm 1981, thời kỳ đất nước đang rất khó khăn. 42 năm sau, ông lại có dịp quay trở lại Việt Nam. Ông không thể tưởng tượng được một đất nước nhỏ bé, từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề lại phát triển nhanh đến vậy. Những con đường cao tốc chạy dài từ Bắc tới Nam. Những cây cầu mới bắc qua sông Hồng thay vì chỉ có duy nhất cây cầu Long Biên thời những năm 1980. Những khu vực bị chiến tranh phá hủy giờ đều được tái thiết một cách hiện đại.

Ông Ralph Coeckelberghs khẳng định: "Tôi thực sự học được rất nhiều về quá khứ của Việt Nam, một dân tộc kiên cường trong chiến tranh và năng động sau khi giành độc lập. Điều đó khiến tôi hạnh phúc và mang đến cho tôi sự lạc quan về sự phát triển của đất nước các bạn".

Theo Hương Giang (TTXVN)

https://baotintuc.vn/the-gioi/tam-long-cua-mot-nguoi-bi-doi-voi-dat-nuoc-viet-nam-20230428092957820.htm

Hơn nửa thế kỷ mang tấm lòng của bè bạn quốc tế đến với nhân dân Việt Nam
Tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” và ngày thống nhất đất nước

Nguồn bài viết : BẮN CÁ

Top