Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Altmaier. Ảnh: Trần Hải
Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh, đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng, coi đây là sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước.
Thủ tướng cũng cảm ơn thiện chí tăng cường hợp tác với Việt Nam của chính phủ Đức, cá nhân Thủ tướng Angela Merkel dành cho chính phủ, nhân dân Việt Nam, và đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ giữa các bang của Đức và Việt Nam.
Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam nỗ lực thúc đẩy tiến độ xây dựng tuyến metro số 2; đồng thời nêu rõ, Việt Nam đang thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ…, và bày tỏ mong muốn phía Đức sẽ tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Đức đẩy mạnh hợp tác đầu tư vào Việt Nam, nhất là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, hợp tác giáo dục, và bày tỏ mong muốn Đức sớm ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Nêu rõ những dự án ODA của Đức đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam, Thủ tướng mong Chính phủ Đức tiếp tục cung cấp vốn ODA trong tiến trình này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đánh giá cao việc nới lỏng điều kiện tiếp nhận lao động từ Việt Nam của Đức.
Về phần mình, Bộ trưởng Peter Altmaier khẳng định, con đường hợp tác đang mở rộng phía trước cho hai nước Việt Nam và Đức.
Đức mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Việt Nam bởi trong quá khứ cũng như hiện tại, có rất nhiều người Việt Nam sang Đức học tập, công tác và đây chính là những cầu nối hữu nghị của hai nước.
Cùng với đó, Đức mong muốn và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực: phát triển trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, giáo dục và đào tạo, số hoá, khởi nghiệp sáng tạo, công trình giao thông, đặc biệt là dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 2 tại TP.HCM.
Cùng ngày, Bộ trưởng Altmaier cũng đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, nhiều Tuyên bố chung, biên bản ghi nhớ đã được ký kết, trong đó có Tuyên bố chung giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức, biên bản ghi nhớ gia hạn cho chương đào tạo cán bộ quản lý Việt Nam tới năm 2021.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức cũng tới dự lễ khai trương “Ngôi nhà Đức”, công trình kiến trúc với nhiều cải tiến về sử dụng năng lượng, là trụ sở của văn phòng Tổng lãnh sự quán Đức, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức và các doanh nghiệp Đức tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngôi nhà Đức từng đạt giải Công trình của năm 2018
Cộng hòa Liên bang Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Liên minh châu Âu (EU) nói riêng và ở châu Âu nói chung. Tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Đức và Việt Nam năm 2018 đạt 13,8 tỷ Euro, trong đó 9,7 tỷ Euro là xuất khẩu từ Việt Nam sang Đức và 4,1 tỷ Euro xuất khẩu từ Đức sang Việt Nam.
Hai nước có kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ấn tượng; nhiều tập đoàn lớn của Đức đang đầu tư, làm ăn thành công tại Việt Nam. Đức cũng dành nhiều ưu tiên cho Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực. Cho đến nay, hơn 500 cán bộ quản lý doanh nghiệp Việt Nam đã được đào tạo bồi dưỡng ở Đức và họ đã xây dựng được những mối quan hệ kinh doanh bền vững với các doanh nghiệp Đức.
Trước thềm chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Almaier đã khẳng định: “Việt Nam là một đối tác kinh tế trung tâm của Đức tại châu Á. Tôi sẽ bàn bạc với các đại diện Chính phủ Việt Nam, để làm thế nào tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước. Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam sẽ tạo ra một động lực mới và sẽ giúp giới kinh tế Đức hiện diện được rộng khắp hơn nữa ở châu Á. Tôi ủng hộ việc nhanh chóng ký kết hiệp định này trong thời gian sớm nhất có thể, vì câu trả lời cho những thách thức toàn cầu chỉ có thể là cùng nhau nỗ lực cho một nền thương mại cởi mở, tự do và công bằng trên thế giới.” |
P.Y
Nguồn bài viết : đá gà đòn