Hỗ trợ nạn nhân của nạn mua bán người trở về tái hòa nhập cộng đồng

2025-01-17 20:15:24

Huyện miền núi A Lưới là địa phương có 49 người là nạn nhân của nạn mua bán người. Đây là địa phương có số nạn nhân của nạn mua bán người nhiều nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế. Vì nhẹ dạ, cả tin nên nhiều nạn nhân ở A Lưới bị lừa bán làm gái mại dâm hoặc bị đẩy vào các bãi đào đãi vàng trái phép ở nhiều địa phương khác. Hầu hết các nạn nhân khi trở về đều phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như: Không có việc làm hoặc có nhưng thu nhập thấp, không ổn định; thiếu vốn sản xuất, thiếu kỹ năng sống. Họ lại tự ti, mặc cảm, xa lánh cộng đồng. Do đó, các nạn nhân này rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ của các tổ chức, đoàn thể tại địa phương.

Năm 2012, IOM đã thực hiện việc hỗ trợ các nạn nhân của nạn mua bán người, hiện ở A Lưới. Dự án đã khảo sát và vận động các nạn nhân tham gia nhóm "Tự lực" với 20 thành viên. Bước đầu, dự án đã hỗ trợ những nhu cầu thiết yếu về y tế, học văn hóa, học nghề và trợ cấp khó khăn ban đầu phù hợp với từng trường hợp; đặc biệt là hỗ trợ cho những nạn nhân là người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa thấp, gặp khó khăn trong việc tự bảo vệ hoặc khả năng giao tiếp.

Hội thảo tổng kết "Hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về tái hòa nhập
với cộng đồng" tại tỉnh Thái Nguyên.

Để giúp các nạn nhân tạo sinh kế lâu dài, ổn định cuộc sống, dự án còn hỗ trợ nhóm "Tự lực" 20 con dê giống, 80 con lợn giống và nhiều giống cây trồng; mời cán bộ nông nghiệp đến hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phát triển cây trồng, vật nuôi. Sau gần 1 năm được hỗ trợ, mỗi người nuôi 1 con lợn giống đã có mức lãi 2 triệu đồng. Đặc biệt, nhiều người đã phát triển đàn lợn lên 10 con/hộ và đàn dê lên đến 6 con/hộ.

Anh Kê Văn Hải, thôn A Diên, xã A Ngo, huyện A Lưới, một trong những nạn nhân bị lừa, bóc lột sức lao động trong các mỏ vàng ở Quảng Nam hồi năm 2008 là một điển hình. Khi trở về địa phương, anh Hải đã tham gia nhóm “Tự lực” và được hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Anh Hải cho biết: Khi trở về quê, sức khỏe của anh bị giảm sút, anh chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng. Nhờ được dự án hỗ trợ vốn, lợn giống để chăn nuôi, cuộc sống của anh Hải đã được cải thiện. Giờ đây, gia đình anh Hải không còn lo thiếu cái ăn. Niềm tin vào một cuộc sống bình yên, ấm no đã hiện hữu trong gia đình anh. Ngoài anh Hải, nhiều nạn nhân của nạn mua bán người ở A Lưới đã nhận được sự giúp đỡ; trong đó có 18 nạn nhân là nữ đã lập gia đình, có chồng con và tích cực phát triển kinh tế.

Thừa Thiên - Huế có gần 40.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới. Đời sống của người dân ở đây còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, mỗi năm, tình trạng người dân di cư đi làm ăn xa, đến các vùng khác lên đến hàng ngàn người, trong đó có khoảng gần 8.000 người làm việc ở Lào, Thái Lan... Đây là nhóm đối tượng dễ bị bọn tội phạm sử dụng các thủ đoạn để lừa gạt ra nước ngoài bóc lột sức lao động hoặc vì các mục đích vụ lợi khác. Theo thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xảy ra 14 vụ liên quan đến tội phạm mua bán người, với hơn 48 nạn nhân bị bán ra nước ngoài, chưa kể đến hàng trăm trường hợp bị mua bán trong nước đang được các cơ quan chức năng xác minh hoặc có dấu hiệu bị lừa bán. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, nam thanh niên ở huyện A Lưới.

Dự án hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng do IOM hỗ trợ trên địa bàn Thừa Thiên - Huế bao gồm nhiều giai đoạn. Giai đoạn 2013 - 2014, dự án duy trì với nội dung hỗ trợ và củng cố mô hình nhóm "Tự lực" ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 2015, IOM tiếp tục hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên - Huế ở hoạt động “Hỗ trợ và quy chế hóa mô hình tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân nam bị mua bán trở về”.

Đến nay, tại tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có 4 nhóm "Tự lực" ở thành phố Huế và huyện A Lưới. Hiện nay, mỗi nhóm “Tự lực” có khoảng 10 - 20 người. Mỗi tháng, các thành viên tổ chức sinh hoạt một lần với nhiều nội dung phong phú như: Tư vấn về sức khỏe, hướng nghiệp, trang bị kiến thức trồng trọt, chăn nuôi; cập nhật thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác phòng chống buôn bán người, cũng như các giải pháp phòng ngừa... Dự án đã thành lập 2 tổ vay vốn quay vòng, tư vấn sinh kế, tạo việc làm ổn định cho các thành viên góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Nhóm tự lực đã thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy, giúp các nạn nhân hòa nhập cộng đồng. Một số thành viên trong nhóm đã mạnh dạn cung cấp thông tin để tìm kiếm những nạn nhân chưa trở về.

Ông Hồ Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Thông qua các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh, các tổ chức trong và ngoài nước, hầu hết các nạn nhân bị mua bán trở về và nhóm người có nguy cơ cao được hỗ trợ sinh kế để ổn định cuộc sống và tránh được tình trạng bị mua bán lại. Dự án hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng do IOM hỗ trợ đã thực sự phát huy hiệu quả với việc hình thành các nhóm "Tự lực". Các thành viên trong nhóm đã được đào tạo nghề và tìm được việc làm sau đào tạo để cải thiện cuộc sống. Nhiều người từng là nạn nhân của nạn mua bán người cũng đã trở thành tuyên truyền viên tích cực về phòng chống mua bán người trong cộng đồng.

Theo TTXVN

Nguồn bài viết : WM Trực Tuyến

Top