Mở lớp dạy tiếng Việt miễn phí tại Osaka, Nhật Bản |
Người giữ lửa tình yêu tiếng Việt tại Séc |
Tham dự buổi lễ, có ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Bí thư Đảng ủy Việt Nam tại LB Nga; bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga phụ trách về giáo dục; đại diện Ban cán sự Đoàn tại LB Nga; cùng toàn thể phụ huynh và các em học sinh là con em cộng đồng người Việt Nam tham gia khóa học.
“Tiếng Việt vui” là chương trình do Ban học tập - Ban cán sự Đoàn tại LB Nga tổ chức dưới sự chỉ đạo và định hướng của Đảng ủy và Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga. Đây là mô hình dạy tiếng Việt cho con em cộng đồng tại LB Nga mà lực lượng giáo viên nòng cốt chính là sinh viên Việt Nam đang học tập tại các trường đại học ở Nga.
Ông Nguyễn Hải Đăng (đứng), Phó Bí thư Đảng ủy Việt Nam tại LB Nga phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Xuân Hưng) |
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Hải Đăng đánh giá cao sáng kiến tổ chức chương trình “Tiếng Việt vui” của sinh viên Việt Nam tại LB Nga, đồng thời khẳng định, chương trình được tổ chức nhằm tạo môi trường học tập bổ ích cho các em nhỏ là con em người Việt Nam tại Nga, giúp các em có thể nói bằng tiếng Việt và có kiến thức, hiểu biết về văn hóa cội nguồn “Con Rồng cháu Tiên”.
Nhấn mạnh sự nhiệt tình, năng động của sinh viên Việt Nam trong công tác “tiếp lửa” phong trào dạy và học tiếng Việt ở Nga, bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa chia sẻ, sự đóng góp này của sinh viên xuất phát từ sự tự nguyện, với mong muốn giúp trẻ em Việt Nam tại Nga nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt, và qua các bài học, xây dựng, khơi gợi ở các em tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng khám phá bản sắc, văn hóa Việt Nam.
Trao Giấy khen tặng các sinh viên tham gia "Tiếng Việt vui". (Ảnh: Xuân Hưng) |
Tâm huyết với chương trình từ những ngày đầu, anh Nguyễn Khánh Duy, Phó Bí thư Ban cán sự Đoàn tại LB Nga cho biết, các em học sinh người Việt tham gia lớp học đa số thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba ở Nga. Nhiều em trong số này, trước khi tham gia lớp học không nói tốt tiếng Việt. Nhưng sau thời gian học hè, khả năng nói tiếng Việt của các em đã tốt hơn rất nhiều. Vì vậy, cần lan tỏa và khuyến khích nhiều hơn nữa sinh viên Việt Nam tham gia các lớp dạy tiếng Việt cho con em cộng đồng.
Là sinh viên năm cuối chuyên ngành Giáo dục Tiểu học trường Đại học Sư phạm quốc gia Moskva, Nguyễn Thị Hà - Chủ nhiệm chương trình “Tiếng Việt vui”, xúc động chia sẻ: “Với mong muốn lan tỏa và giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam, cũng như hiểu tính cấp thiết, nhu cầu học tiếng Việt của cộng đồng người Việt tại LB Nga, chúng em đã xây dựng và thực hiện thành công khóa học tiếng Việt cho các bạn nhỏ trong độ tuổi từ 6-12. Khóa học mở ra đã đón nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh và học sinh. Em mong rằng, thời gian tới sẽ có nhiều sinh viên tham gia và mở rộng mô hình này”.
Các em học sinh người Việt tham gia lớp học đa số thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba ở Nga. (Ảnh: Xuân Hưng) |
Nguyễn Thị Hà cho biết, trong quá trình học tập, dù gặp rất nhiều khó khăn bởi rào cản ngôn ngữ, nhưng các em học sinh đã rất cố gắng và nỗ lực. Các em không chỉ học tốt tiếng Việt, mà còn tích lũy được vốn hiểu biết phong phú về văn hóa và con người Việt Nam.
Trong không khí vui tươi, phấn khởi, Ban tổ chức trao Giấy khen tặng những sinh viên tham gia dạy học và các phần quà tặng các em học sinh có thành tích tốt trong học tập. Sau đó, mọi người cùng hướng lên màn hình theo dõi video ghi lại chặng đường vô cùng ý nghĩa của chương trình “Tiếng Việt vui”.
Các em học sinh biểu diễn tiết mục văn nghệ tại lễ bế giảng khóa học. (Ảnh: Xuân Hưng) |
Một chặng đường đầy ý nghĩa và cảm xúc được cô đọng lại trong video ngắn phần nào đó giúp mọi người có thể hiểu thêm về công việc, tâm tư, tình cảm của các thầy cô, phụ huynh và học sinh đã gắn bó với “Tiếng Việt vui” thời gian qua.
Và quan trọng nhất, chặng đường này đã góp phần lan toả thông điệp nhân văn tới sinh viên Việt Nam trên toàn thế giới nói chung và ở Nga nói riêng rằng, hãy không ngừng sáng tạo và tích cực tham gia các dự án có ích cho cộng đồng thời gian tới.
Những người "gieo mầm" tiếng Việt nơi phương xa |
Hỗ trợ trẻ em gốc Việt Nam tại Campuchia học tiếng mẹ đẻ |
Nguồn bài viết : PT Trực Tuyến