Sáng 29/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công xây dựng công trình đường bộ cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu đoạn qua địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Cùng dự có: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông; Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long; Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Quốc Khánh; Bí thư tỉnh Điện Biên Trần Quốc Cường; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và 2 tỉnh Hòa Bình, Sơn La.
Dự án đường bộ cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bản tỉnh Hòa Bình) có chiều dài khoảng 34 km; tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng; điểm đầu thuộc địa phận thị trấn Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, điểm cuối thuộc địa phận xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Giải phóng mặt bằng giai đoạn hoàn thiện dự án quy mô 4 làn xe với tổng diện tích khoảng 354,37 ha; thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2028.
Tuyến đường được đầu tư xây dựng giai đoạn 1 có 2 làn xe với tốc độ thiết kế 80km/h, đảm bảo phù hợp với quy hoạch; chiều rộng nền đường 12m; xây dựng cầu Hòa Sơn với quy mô 4 làn xe; trên tuyến có 1 hầm bố trí 2 làn xe phù hợp với giai đoạn 1.
Đến nay, dự án đã giải phóng mặt bằng khoảng 8,2 km; đã thực hiện chi trả bồi thường cho hơn 30 hộ dân; diện tích còn lại đã hoàn thành công tác kiểm kê, đo đạc và đang tiến hành công khai niêm yết để phê duyệt và chi trả cho các hộ bị ảnh hưởng.
Dự án đường bộ cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hòa Bình và khu vực Tây Bắc. Sau khi hoàn thành tuyến cao tốc sẽ kết nối mạng lưới giao thông của tỉnh Hòa Bình với tỉnh Sơn La với Thủ đô Hà Nội, tạo nên trục cao tốc kết nối vùng Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc vừa qua, Đảng luôn xác định phải thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hạ tầng giao thông; nhấn mạnh, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế-xã hội. Hạ tầng giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo Thủ tướng, giai đoạn 2000-2021, cả nước mới đầu tư đưa vào khai thác 1.163 km đường bộ cao tốc. Trong khi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần phải triển khai đầu tư, xây dựng gấp gần 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong hơn 20 năm qua.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, với thời gian bằng 1/2, song khối lượng gấp 4 lần, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã luôn quan tâm, dành nguồn lực rất lớn với nhiều hình thức đầu tư, chính sách phù hợp để huy động xã hội hóa cho phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đạt nhiều kết quả thiết thực.
Đến nay, đã khánh thành cải tạo nâng cấp cảng hàng không Điện Biên, Phú Bài; mở rộng cảng hàng không Cát Bi, Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, nhà ga hành khách T2 Nội Bài... Đặc biệt, đã giải quyết cơ bản tất cả các tồn tại, khó khăn, vướng mắc tồn tại từ năm 2015 để khởi công, triển khai tích cực Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025... Nhiều dự án hạ tầng năng lượng được đầu tư xây dựng, trong đó có dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình)-Phố Nối (Hưng Yên) - dự án chỉ triển khai trong hơn 6 tháng thay vì phải 3-4 năm như thông thường.
Thủ tướng cho biết, các dự án đường sắt đã và đang được triển khai, trong đó, vừa qua Trung ương đã nhất trí rất cao triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; đang xem xét triển khai các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc mở ra tuyến kết nối đường sắt với châu Âu, Trung Á. Các dự án giao thông thủy được đầu tư, trong đó có xây dựng các cảng biển lớn như: cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), Liên Chiểu (Đà Nẵng), Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu), Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh)...
Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng thêm 858 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc cả nước lên 2.021km; đang tổ chức triển khai thi công khoảng 1.700km, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường cao tốc. Đồng thời, đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công thêm khoảng 1.400 km đường bộ cao tốc.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, hiện nay hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng Tây Bắc còn đang rất khó khăn, mới có 1 tuyến cao tốc Hà Nội-Lào Cai; là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến vùng Tây Bắc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình.
Việc tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thành cao tốc Hà Nội-Hòa Bình-Sơn La-Điện Biên, trong đó có Dự án cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu, có ý nghĩa chiến lược quan trọng, thúc đẩy kết nối giữa các tỉnh Tây Bắc, giữa Tây Bắc với Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; tạo động lực mới để thu hút đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm an ninh, quốc phòng đối với vùng Tây Bắc, mở ra không gian phát triển mới, đưa Tây Bắc bước sang thời kỳ phát triển mới, mạnh mẽ hơn.
Nêu rõ ý nghĩa của việc triển khai Dự án cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu, Thủ tướng Chính phủ cho biết, quá trình chuẩn bị đầu tư Dự án được Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần đi khảo sát, chỉ đạo tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về trình tự thủ tục đầu tư, phân cấp đầu tư, nguồn vốn...
Biểu dương Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành và tỉnh Hòa Bình đã tích cực, khẩn trương, hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn giám sát, bảo hiểm; đồng thời thúc đẩy giải phóng mặt bằng đủ điều kiện khởi công gói thầu xây lắp đoạn từ Km19-Km 40+750, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, dự án khởi công là thể hiện sự cố gắng rất lớn của Hòa Bình và các bộ, ngành liên quan, tuy nhiên đây mới chỉ là bước khởi đầu; dự án có nhiều hạng mục, nhiều việc phải làm.
Để dự án sớm hoàn thành, phát huy vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ cho tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, quyết liệt, khoa học đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, động viên, chia sẻ chân thành, kịp thời, không để nhà thầu, đơn vị thi công “cô đơn trên công trường”; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, kết quả phải cân đong, đo, đếm được.
Các chủ thể phải phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt,” “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng”; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, phát huy lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc; tạo sự đồng thuận, đồng lòng để người dân tự nguyện bàn giao đất ở, nơi sản xuất, cùng với chính quyền, đơn vị thi công tham gia thi công các công trình, dự án; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng xong trước 30/11/2024.
Chủ đầu tư, các đơn vị thi công phải thực hiện dự án; tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương; huy động mọi lực lượng tại chỗ có đủ năng lực tham gia. Các nhà thầu chính tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà thầu địa phương cùng tham gia.
Cùng với đó, phải xây dựng phong trào thi đua sôi nổi, kịp thời động viên, khen thưởng, tạo không khí hăng say làm việc, thi đua đạt thành tích, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và vì sự phát triển của đất nước.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình nhận thức đầy đủ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả, sớm hoàn thành công trình, bảo đảm chất lượng, yêu cầu đề ra; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà thầu thi công, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng; giải quyết nhanh các thủ tục hành chính và các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong thi công, nhất là trong cấp mỏ vật liệu san lấp; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền.
Sơn La phải quan tâm chăm lo ổn định nơi ăn chốn ở, thu xếp công việc và điều kiện sinh sống của đồng bào đã bàn giao mặt bằng cho dự án; sớm hoàn thành gói thầu từ Km40+750-Km53 (cầu Hòa Sơn) để thi công trong đầu tháng 11/2024; phấn đấu hoàn thành dự án giai đoạn 1 trước 31/12/2027; đồng thời triển khai ngay xây dựng dự án giai đoạn 2 ngay sau đó.
Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn, giám sát phải bảo đảm thi công đúng tiến độ, chất lượng, không kéo dài, phải chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; cố gắng quyết tâm rất cao, thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió,” “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương,” thi công “3 ca 4 kíp,” “xuyên lễ, xuyên Tết,” “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm” để dự án hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra trên tinh thần “Đã cam kết là phải làm, đã làm phải có hiệu quả, phải đi vào cuộc sống, mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân.”
Đặc biệt, các nhà thầu phải chủ động, tích cực triển khai, bảo đảm đạt tiêu chí mẫu mực về quản lý tiến độ-chất lượng-mỹ quan; thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thủ tục và bố trí nguồn vốn để triển khai đoạn từ Km0-Km19 và hoàn thiện toàn tuyến theo Quy hoạch tuyến Cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu-Sơn La; Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công Dự án cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu qua tỉnh Sơn La vào thời gian sớm nhất trong năm 2025.
Cảm ơn và mong muốn nhân dân vùng dự án ủng hộ, Thủ tướng tin tưởng với sự đoàn kết, quyết tâm của Chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, dự án Cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu sẽ được xây dựng và hoàn thành đưa vào khai thác đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, mỹ quan, góp phần quan trọng cho sự phát triển tỉnh Hòa Bình, các tỉnh Tây Bắc và cả nước nói chung./.
Sáng 29/9/2024, tại huyện Đà Bắc, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công xây dựng công trình cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu.
Nguồn bài viết : Thống kê giải đặc biệt