2025-01-17 20:17:23
GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ: Đồng chí Hoàng Đình Giong sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng, châu Hòa An (nay thuộc phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí tham gia phong trào yêu nước khi còn là học sinh. Tháng 12/1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và được bầu làm Bí thư Chi bộ hải ngoại Long Châu (Trung Quốc). Sau ngày Đảng ra đời, đồng chí hoạt động tại Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh, trực tiếp lãnh đạo khôi phục hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ trong những năm 1932 - 1935.

Tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng vào tháng 3/1935, đồng chí Hoàng Đình Giong được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Từ năm 1936 - 1944, đồng chí bị địch bắt và giam cầm ở nhiều nhà tù trong và ngoài nước. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng giao nhiều trọng trách như: Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến, Chủ nhiệm chính trị Bộ (Chính ủy) Giải phóng quân Nam Bộ, Khu bộ trưởng (Tư lệnh) Khu 9, Khu bộ trưởng Khu 6.

Năm 1947, đồng chí đã anh dũng hy sinh trong một trận chiến tại tỉnh Ninh Thuận, nêu tấm gương sáng về người cán bộ cách mạng suốt đời tận tụy phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Hơn 30 bản báo cáo, tham luận của các cơ quan, tỉnh Cao Bằng, nhà khoa học và phát biểu trực tiếp tại hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng cũng như tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong trên 3 phương diện: Từ người đảng viên cộng sản thế hệ đầu tiên, trở thành nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng; người chỉ huy quân sự tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam; tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trong phát biểu tham luận nhấn mạnh về yếu tố truyền thống quê hương, gia đình, dòng họ với việc hình thành nhân cách và chí hướng cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong, Thạc sĩ Trịnh Thị Ánh Hoa (Hiệu trưởng Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, tỉnh Cao Bằng) nhận định, gia đình là chiếc nôi yêu thương, đầm ấm, nuôi dưỡng đồng chí Hoàng Đình Giong từ thuở ấu thơ. Tư tưởng yêu nước của thành viên trong gia đình đồng chí từ ông, bà nội, bố, mẹ đến các anh, chị em đã thấm sâu vào huyết quản của đồng chí Hoàng Đình Giong một cách tự nhiên, trong sáng.

Bên cạnh đó, là người ham học hỏi, luôn yêu thích lịch sử văn hóa - truyền thống, ngay từ khi còn học ở trường làng, đồng chí Hoàng Đình Giong đã đọc hết kệ sách quý của gia đình về các bậc tiền nhân anh hùng hào kiệt của đất nước.

“Như một lẽ tự nhiên, những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng non nước Cao Bằng cùng với ý chí của các bậc trượng phu anh hùng hào kiệt ngàn xưa đã thấm sâu vào tâm hồn, tính cách của đồng chí Hoàng Đình Giong”, bà Trịnh Thị Ánh Hoa nhấn mạnh.

Dẫn các dự kiện lịch sử qua công tác khảo cứu tư liệu, các ý kiến của Tiến sĩ Lê Quang Chắn (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và PGS.TS Trần Minh Trưởng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã nêu bật những đóng góp to lớn của đồng chí Hoàng Đình Giong đối với phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo trong những năm “khủng bố trắng” của thực dân Pháp sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, tăng cường khủng bố; tổ chức Đảng ở nhiều cấp, nhiều nơi bị địch phá vỡ.

Theo các nhà khoa học, những năm 1932 - 1935, đồng chí Hoàng Đình Giong hoạt động tại Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh, trực tiếp lãnh đạo khôi phục tổ chức Đảng ở các tỉnh Bắc Kỳ. Đồng chí đã có nhiều đóng góp trong việc chắp mối liên lạc với các cơ sở Đảng ở Bắc Kỳ và khôi phục phong trào cách mạng sau thời kỳ bị địch khủng bố trắng. Chi bộ đặc biệt Long Châu do đồng chí là Bí thư chính là cầu nối giữa Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng với các tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ.

Cũng tại hội thảo, một số ý kiến tham luận của các đại biểu đã làm nổi bật hình ảnh đồng chí Hoàng Đình Giong là người cán bộ có đạo đức trong sáng, mẫu mực, gắn bó mật thiết, được nhân dân đặc biệt tin yêu, mến phục. Đồng chí luôn tiên phong, gương mẫu đi đầu, sẵn sàng đi vào những nơi gian nguy nhất của mặt trận, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh oanh liệt.

Trong bối cảnh mới của đất nước và thời đại ngày nay, phát huy ý chí, tài năng, tấm gương ngời sáng của đồng chí Hoàng Đình Giong, các đại biểu cho rằng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần tiếp tục vững vàng, kiên định mục tiêu, con đường đã chọn: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Nguồn bài viết : MT Trực Tuyến

Top