Mái ấm Việt của sinh viên Lào

2025-01-17 20:15:19
Những công trình thủy lợi thắm đượm tình hữu nghị Việt - Lào
Dồn lực phát triển hạ tầng “đánh thức” thương mại biên giới Việt Nam – Lào

"Việt Nam thêm thân thương vì có má"

Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Hằng (58 tuổi, quận 4, TP.HCM) cùng những con nuôi người Lào của bà tại chuyến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh trong chương trình đồng hành “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM” diễn ra đầu tháng 11/2024 tại thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Những cái khoác tay thân tình, những tiếng cười giòn giã cùng tiếng chuyện trò ríu rít giữa bà Hằng và các con nuôi mang đến cảm giác gia đình hạnh phúc, ấm cúng.

“Má Hằng gần gũi và tốt bụng lắm. Em có thể kể mọi chuyện vui buồn với má. Tình thương, sự quan tâm, chăm sóc của má khiến em cảm thấy Việt Nam thêm thân thương, gần gũi”. Đó là câu trả lời của em Xaiyavong Duangmany - sinh viên năm 4 ngành Y đa khoa, trường Đại học Nguyễn Tất Thành khi được hỏi về người mẹ thứ hai.

Bà Nguyễn Thị Hằng (thứ ba từ phải sang) và Xaiyavong Duangmany (thứ hai từ phải sang) tham gia hội thi nấu ăn do Hội Liên hiệp phụ nữ quận 4 tổ chức. (Ảnh: Ngọc Trăm)

Duangmany kể: Năm 2019, em đến Việt Nam. Những ngày đầu bỡ ngỡ và nhiều khó khăn. Do chưa thông thạo tiếng Việt, Duangmany gặp nhiều lúng túng trong giao tiếp. Duangmany may mắn có má Hằng ở bên động viên, giúp em vơi bớt phần nào nỗi nhớ quê nhà.

Những ngày nghỉ, Duangmany phụ má Hằng làm bếp, nấu món ăn Việt Nam. Em cũng kể cho má Hằng về đất nước, con người, những nét đẹp văn hóa, món ăn truyền thống của Lào. Má Hằng cũng tạo điều kiện cho Duangmany và các con nuôi người Lào tham gia mọi hoạt động, từ du lịch, tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đến tham dự các lễ hội, cưới hỏi. Bà còn khuyến khích các con tham gia hoạt động tại địa phương như dọn dẹp vệ sinh, hội thao, hội thi nấu ăn nhân Ngày Gia đình Việt Nam... Nhờ đó, Duangmany nhanh chóng thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam. Em biết thêm nhiều món ăn Việt Nam, hiểu thêm về các nghi lễ, phong tục Việt Nam. Tiếng Việt của Duangmany cũng ngày càng được cải thiện.

“Vào ngày em tròn 23 tuổi, em đã tự tay nấu món ăn Việt theo sự hướng dẫn của má Hằng để phục vụ cho buổi phát cơm từ thiện. Là con của má Hằng, em không chỉ nhận được tình thương mà còn biết học cách cho đi, chia sẻ với mọi người xung quanh. Những nét đẹp trong tâm hồn người Việt có ấn tượng sâu đậm trong em”, Duangmany nói.

Hơi ấm gia đình Việt

Bà Nguyễn Thị Hằng kể, cơ duyên tham gia chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM” luôn là điều khiến bà cảm thấy may mắn. Ban đầu bà tham gia với tâm thế muốn trải nghiệm nhưng nhận thấy các bạn sinh viên rất ngoan, chịu học hỏi; các bạn cũng giúp bà có cơ hội kết nối, giao lưu, hiểu biết hơn về phong tục, văn hóa của nước bạn nên bà đã quyết định gắn bó.

Từ năm 2020 đến nay, gia đình bà đã nhận nuôi tổng cộng 6 người con Lào. Bà chia sẻ: “Chồng tôi mất cách đây 20 năm. Tôi có 2 con, nay đã lớn, sinh sống và làm việc ở xa, nên từ lúc có 6 đứa nhóc này, tôi vui lắm. Tôi coi chúng như con mình, có chúng là có tiếng cười”.

Bà Nguyễn Thị Hằng (hàng đầu, ngồi giữa) cùng 6 người con Lào. (Ảnh: Ngọc Trăm)

Tham gia chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM” năm nay, bà Hằng cùng các con được tham gia nhiều hoạt động như: viếng, dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận; tham quan Trường Dục Thanh - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy học trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước; giao lưu văn hóa văn nghệ đậm bản sắc dân tộc; thi tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử văn hóa và quan hệ giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia…

Chương trình do Liên đoàn Lao động TP.HCM phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM tổ chức với sự tham gia của 95 gia đình Việt và gần 160 sinh viên Lào, Campuchia. Ông Phùng Thái Quang, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM” được tổ chức suốt nhiều năm qua giúp các sinh viên học tập xa quê hương hiểu thêm về con người, đất nước Việt Nam, tạo động lực để các em phấn đấu và học tập đạt kết quả tốt.

Chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM” năm 2024. (Ảnh: Long Hồ)

Ông Phùng Thái Quang khẳng định, đây là cầu nối vững chắc, tạo điều kiện cho các em cảm nhận sự gần gũi, tình thương từ những người cha, người mẹ nuôi Việt Nam. Chính tại các gia đình này, sinh viên Lào, Campuchia học hỏi, cảm nhận được sự đồng cảm, sự sẻ chia - nơi các em được coi như người con trong nhà, là một phần của đại gia đình ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Những giá trị mà chương trình mang lại không chỉ gói gọn trong tình cảm gia đình mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành một minh chứng sinh động cho tình đoàn kết quốc tế, hữu nghị không biên giới.

Ông tin tưởng, các sinh viên Lào, Campuchia sẽ mang theo những kỷ niệm ấm áp và tình cảm chân thành về đất nước, gia đình Việt Nam luôn mở rộng vòng tay. Đây sẽ là hành trang quý giá để các thế hệ sinh viên tiếp tục vun đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc, viết câu chuyện đẹp về tình bạn, đoàn kết và tương trợ lẫn nhau giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

Ươm mầm hữu nghị biên cương
Bước lên sân khấu của chương trình "Giao lưu công tác chính trị và sĩ quan trẻ quân đội hai nước Việt Nam - Lào: Sắt son một niềm tin" vào tháng 10/2024 tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cô bé Nang Tùn Pheng Khăm Sỉ, học sinh lớp 11 trường PTTH cụm Xi Bun Hâu, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào) rạng rỡ nở nụ cười khi gặp lại những người lính biên phòng Việt Nam.
Nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào
Tại Lào và Việt Nam đã diễn ra nhiều hoạt động gặp mặt, nói chuyện Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949- 30/10/2024).

Nguồn bài viết : Tin tức bóng đá châu âu

Top