Khai mạc triển lãm sách về tình hữu nghị Việt Nam – Lào |
Nơi ghi dấu tình hữu nghị Việt-Lào |
Những kỷ niệm khó quên
Tháng 4/2022, không thể về quê đón Tết cổ truyền Bunpimay do dịch Covid-19 song các lưu học sinh Lào đang học tập tại Đại học Thái Nguyên vẫn có một cái tết vui tươi, ấm áp.
Các nghi lễ truyền thống như buộc chỉ cổ tay, múa lăm vông, té nước… được nhà trường tái hiện đầy đủ. Đối với các lưu học sinh Lào, đây không chỉ là niềm tự hào, cơ hội để giao lưu, chia sẻ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình mà còn là dịp để gắn kết hơn với nhà trường và mảnh đất Thái Nguyên.
Sau phần nghi lễ và vui chơi, các lưu học sinh Lào, thầy cô và bạn bè Việt Nam ngồi quây quần bên mâm cỗ đặc trưng văn hóa xứ Triệu Voi, gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.
Tết Bunpimay được tổ chức tại trường Cao đẳng Thái Nguyên hồi đầu tháng 4/2022 (Ảnh: Thành Luân). |
Xamny Thongmay, sinh viên khoa Công nghệ thông tin, trường Cao đẳng Thái Nguyên kể: Đây là năm thứ ba em được đón Tết tại Việt Nam, mỗi năm là một kỷ niệm khó quên khi em được tham gia các nghi lễ, các hoạt động văn hóa, thể thao trước và trong ngày Tết.
“Tuy xa nhà, không được hưởng không khí Tết truyền thống bên gia đình, người thân nhưng chúng em rất vui vì nhận được sự quan tâm, yêu thương từ các thầy cô, các bác trong Hội hữu nghị Việt-Lào và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. Chúng em luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình và sẽ cố gắng học tập, rèn luyện tốt để không phụ lòng mong mỏi của mọi người”, Xamny Thongmay nói.
Đối với Thadnida Syvanhkham, lưu học sinh Lào có 4 năm gắn bó với trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, các thầy cô không chỉ quan tâm việc học tập mà còn chăm lo sinh hoạt của các em. Lưu học sinh Lào được ở ký túc xá riêng, có nhà ăn, khu tập thể dục thể thao, phòng ở có giường, bàn học, bình nóng lạnh... đầy đủ.
Cuối năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thadnida cùng các bạn phải hạn chế ra ngoài để phòng dịch, thầy cô giáođã tới ký túc xá trao tặng hàng nghìn suất ăn cùng khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, nước lọc cho các em.
"Thầy cô động viên chúng em, dặn dò giữ gìn sức khỏe, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu phòng chống dịch", Thadnida kể.
Hiện Đại học Thái Nguyên có hơn 1.000 lưu học sinh Lào, trong đó tập trung nhiều ở Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Sư phạm, Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật…
Kết nối gia đình Việt – Lào
Lưu học sinh Lào còn được tạo điều kiện trải nghiệm về cuộc sống, cảm nhận tình yêu thương, nét văn hóa, vẻ đẹp trong đời sống sinh hoạt của người Việt Nam thông qua nhiều chương trình gia đình Việt Nam bảo trợ, đồng hành cùng lưu học sinh.
6 năm qua, Hội hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Thái Nguyên đã triển khai hiệu quả chương trình Homestay do Trung ương Hội phát động: Trình độ tiếng Việt của các em lưu học sinh Lào được nâng cao; khả năng giao tiếp tự tin và tốt lên; hiểu biết hơn về văn hóa Việt Nam cũng như tình cảm của nhân dân Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng đối với nhân dân Lào...
Hội viên Hội hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Thái Nguyên, thầy cô giáo các trường có lưu học sinh Lào học tập thường xuyên đón các em về gia đình trong các ngày lễ, Tết để các em được giao lưu ngôn ngữ, văn hóa gia đình, thưởng thức ẩm thực Việt. Các em được học bài hát Việt Nam, thi hát Quốc ca Việt Nam; được về nông thôn tham quan và tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Các em cũng được thăm quan Khu di tích ATK Định Hóa, Đền thờ Dương Tự Minh, Chùa Hang, Chùa Phủ Liễn, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hồ Núi Cốc, Hồ Ba Bể…
Ông Nguyễn Tiến Long - Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào cho biết: Một trong những nhiệm vụ của Hội hữu nghị hai nước Việt Nam, Lào là chăm lo cho học sinh, sinh viên Lào sang học tại Việt Nam. Cùng với việc động viên các cháu sang Việt Nam học tập, kết nối các cháu với gia đình Việt, thời gian tới hai Hội hữu nghị sẽ tăng cường kết nối giữa gia đình Việt Nam nhận đỡ đầu với gia đình ở bên Lào để làm sâu sắc hơn tình cảm gắn bó. Mối liên hệ này vẫn được duy trì sau khi các cháu tốt nghiệp, trở về Lào công tác. Làm được điều này, chúng ta sẽ có hàng vạn gia đình Việt - Lào kết nối với nhau, qua đó củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước. |
Quan tâm giúp đỡ lưu học sinh - "đại sứ" giữ gìn và phát triển quan hệ đặc biệt Việt-Lào |
Lưu học sinh Lào hào hứng với môn Vật lý ở Việt Nam |
Nguồn bài viết : ĐÁ VIỆT NAM