Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam diễn ra từ ngày 18-20/8 đã thành công tốt đẹp, trở thành mốc son mới, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện.
Đây là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2024, có tác động to lớn đối với xu thế phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian dài tiếp theo.
Có thể nói, đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sau khi được bầu giữ cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII.
Đảng, Nhà nước Trung Quốc thu xếp đón tiếp trọng thị, chu đáo, bố trí lễ tân, hậu cần, an ninh cao nhất theo nghi thức chuyến thăm cấp Nhà nước, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam và cá nhân đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có 18 hoạt động với các chương trình phong phú và ý nghĩa.
Tại cuộc hội đàm ngay sau Lễ đón, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định mong muốn cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc kế thừa và phát huy tốt truyền thống hữu nghị lâu đời giữa hai Đảng, hai nước, định hướng quan hệ Việt-Trung bước vào giai đoạn mới phát triển ngày càng ổn định, bền vững lâu dài.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định mạnh mẽ, Trung Quốc kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên và sự lựa chọn chiến lược trong chính sách ngoại giao láng giềng.
Một điểm nhấn đáng chú ý trong chuyến thăm là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta đã thăm thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, một mảnh đất cách mạng sôi nổi của Trung Quốc và khu vực.
Năm 2024 vừa tròn 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh với danh nghĩa Cố vấn quốc tế của Quốc tế Cộng sản đặt chân đến Quảng Châu. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, thành lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tạo tiền đề cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.
Cũng trong thời gian từ năm 1924 đến năm 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng của Trung Quốc đã thiết lập nên tình hữu nghị thắm thiết mà sau này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Trung Quốc miêu tả là "Mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em."
Theo Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, hoạt động tại Quảng Đông lần này có ý nghĩa quan trọng, là dịp hai bên cùng nhau ôn lại quan hệ hữu nghị truyền thống đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, giúp tạo thêm nền tảng xã hội vững chắc hơn cho quan hệ giữa hai bên.
Bên cạnh đó, hướng tới năm 2025 khi hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/01/1950-18/01/2025), trong chuyến thăm lần này, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước quyết định lấy năm 2025 là "Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc." Đây là dịp để hai bên tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tình hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc, củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn nữa.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, ông Vu Hướng Đông - Giáo sư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Trịnh Châu (Trung Quốc) cho rằng Việt Nam và Trung Quốc - hai nước có truyền thống hữu nghị lâu đời và luôn được quan tâm vun đắp, phát triển, giành được nhiều thành tựu rất quan trọng, sâu rộng và rộng khắp ở tất cả các lĩnh vực khác nhau.
Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là lựa chọn chiến lược dựa trên sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước, thể hiện lập trường nhất quán và lựa chọn chính sách "ngoại giao cây tre" của Việt Nam, có lợi cho sự nghiệp cao cả hiện đại hóa mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang không ngừng thúc đẩy, phù hợp với lợi ích căn bản của hai nước và nhân dân hai nước, liên quan đến hạnh phúc của nhân dân hai nước Trung-Việt, cũng có lợi cho việc duy trì, bảo vệ hòa bình, ổn định và phát triển, phồn vinh của khu vực và thế giới.
Giáo sư Vu Hướng Đông nhấn mạnh, chuyến thăm là một sự kiện mang tính biểu tượng, thể hiện mong muốn tiếp nối di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đã đặt nền móng cho mối quan hệ chiến lược và đặc biệt quan trọng giữa Việt Nam-Trung Quốc…
Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc sau hơn 30 năm thực hiện bình thường hóa, đặc biệt là sau hơn 15 năm kể từ khi thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đến nay đã có những bước tiến nhanh chóng và ngày càng sâu sắc, toàn diện trên các lĩnh vực.
Đặc biệt, sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 10/2022 và chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam lần thứ ba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12/2023, hai bên đã nhất trí tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, mở ra chương mới cho quan hệ song phương.
Từ đầu năm 2024 đến nay, quan hệ hai nước duy trì đà phát triển tích cực, không khí hợp tác lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Hai bên đều đánh giá quan hệ song phương đang ở mức độ sâu sắc, toàn diện, thực chất nhất từ trước đến nay, hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư tiếp tục tăng trưởng.
Trên nền tảng quan hệ đã được lãnh đạo hai nước dày công vun đắp, trong đó có cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Việt Nam, tiếp nối và phát huy hơn nữa xu thế phát triển tốt đẹp, thuận lợi của quan hệ Việt-Trung có được sau các chuyến thăm lẫn nhau mang tính lịch sử của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước thời gian qua, trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc.
Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã dành nhiều quan tâm và thời lượng để trao đổi về định hướng hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như ngoại giao, quốc phòng, công an; mở rộng hợp tác kết nối giữa sáng kiến "Vành đai và Con đường" với khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai"; nhất trí đẩy nhanh xây dựng "kết nối cứng" về hạ tầng cơ sở, cửa khẩu, đường sắt qua biên giới giữa hai nước; tăng cường "kết nối mềm" về hải quan thông minh.
Trung Quốc sẵn sàng cung cấp viện trợ không hoàn lại để Việt Nam quy hoạch và nghiên cứu khả thi các tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Trung Quốc ở phía Bắc. Tích cực nghiên cứu thí điểm cửa khẩu thông minh, thí điểm xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới, cũng như xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn, ổn định. Ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực của Trung Quốc tham gia phát triển kinh tế tại Việt Nam.
Các bộ, ngành và địa phương hai nước đã ký kết các văn kiện triển khai hợp tác thiết thực trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác lý luận, đào tạo giữa hai Đảng, giao thông, ngân hàng, giáo dục, y tế, thương mại, các nghị định thư về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam (dừa tươi, sầu riêng đông lạnh, cá sấu), báo chí tuyên truyền. Các văn kiện ký kết phản ánh sinh động hai bên quyết tâm thúc đẩy hợp tác thực chất sâu sắc hơn.
Là một trong những thành viên Đoàn chính thức tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc lần này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng chuyến thăm lần này tiếp nối thành công chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2022 và các chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước hai bên, đã mở ra một cơ hội lớn, đẩy mạnh thương mại nông sản giữa Việt Nam với Trung Quốc. Xác định Trung Quốc là một trong những thị trường trọng điểm xuất khẩu nông sản của Việt Nam...
Đánh giá cao sự phát triển quan hệ giữa hai nước, trong đó có các địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường nhấn mạnh cơ hội để thúc đẩy phát triển, nâng cấp các cửa khẩu, hệ thống hạ tầng giao thông để thông thương hàng hóa và mở rộng quan hệ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp; đối phó với các an ninh phi truyền thống như dịch bệnh; tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai nước, hai địa phương, đặc biệt là giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là hoạt động quan trọng triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam, trong đó có chính sách coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ với Trung Quốc.
Những thỏa thuận cấp cao và kết quả cụ thể đạt được trong chuyến thăm sẽ tiếp tục góp phần củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi, tạo môi trường hòa bình, ổn định, mang lại nhiều điều kiện thuận lợi hơn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đề ra./.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Trung Quốc thành công tốt đẹp trên mọi phương diện.
Nguồn bài viết : Thống kê giải đặc biệt theo tổng