Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam

2025-01-18 15:05:00
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung tâm quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Vùng trồng sâm của Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh – Kon Tum có diện tích gần 500 ha tại hai xã Măng Ri và xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, là đất rừng tự nhiên. Dự án được triển khai góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững kết hợp bảo vệ và phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng; bảo tồn bền vững nguồn gen quý hiếm của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam và tạo ra sản phẩm hàng hóa từ sâm Ngọc Linh cung cấp cho nhu cầu trong nước và thế giới.

Điều đặc biệt ở dự án này là sự kết hợp của chủ đầu tư với chính quyền nhằm vận động bà con trong hơn 20 thôn với hơn 400 hộ dân cùng trồng sâm Ngọc Linh gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Hàng năm, chủ đầu tư tặng miễn phí hơn 20 ngàn cây sâm giống để bà con gieo trồng dưới sự giám sát, hướng dẫn của công ty. Sản phẩm sau khi đến thời hạn thu hoạch hoàn toàn thuộc về sở hữu của bà con. Trong quá trình gieo trồng, việc ngăn chặn cây ngoại lai xâm nhập vùng sâm và phòng ngừa thất thoát hết sức được đề cao và được bà con chủ động thực hiện để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Hiện dự án có khoảng 1 triệu cây giống. Công ty đang tiếp tục hướng dẫn người dân gieo trồng và đứng ra thu mua sản phẩm theo giá thị trường; đồng thời tích cực hợp tác với các nhà khoa học khai thác chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.

Vui mừng đến thăm vùng ươm giống của Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh – Kon Tum, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khái lược thành công của công ty với phương châm: Ý thức, kiến thức; kiên trì, kiên nhẫn; ý chí, bản lĩnh và nhiệt liệt chúc mừng thành công bước đầu vô cùng quan trọng, hết sức có ý nghĩa của doanh nghiệp này.

Phân tích về nguyên nhân của thành tựu này, Thủ tướng cho rằng vấn đề đầu tiên là quan tâm đến quyền lợi của bà con đồng bào các dân tộc tại vùng dự án để “cùng làm việc, cùng hưởng lợi” với công ty và chính người dân là đội ngũ bảo vệ nguồn gen thực vật quý hiếm này. Bên cạnh đó là sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cùng với quyết tâm, nỗ lực của chủ đầu tư.

Nhấn mạnh tiếng vang của sâm Ngọc Linh ở Kon Tum và Quảng Nam, theo tính toán về giá trị dinh dưỡng thì không có loại sâm nào trên thế giới có được, Thủ tướng nhấn mạnh: sâm Ngọc Linh là Quốc bảo của Việt Nam và đi liền với đó là quốc kế, dân sinh trong giải quyết đời sống, nâng cao mức sống, giá trị chữa bệnh, thu ngân sách, giải quyết việc làm tại địa phương. Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành, tỉnh Kon Tum và Công ty cần lưu ý thực hiện bởi đây là lợi thế so sánh đặc biệt của Việt Nam.

Định hướng phải để cho “hàng triệu người sử dụng sâm Ngọc Linh”, Thủ tướng đặt ra yêu cầu phát triển chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh để qua đó, nâng cao khả năng cạnh tranh với sâm của các quốc gia nổi tiếng khác trên thế giới.

“Phải biến giấc mơ thành hiện thực. Sâm Ngọc Linh là Quốc bảo của Việt Nam và phải trở thành quốc kế dân sinh cho nhiều người dân, nhiều người tiêu dùng trong nước và quốc tế”, Thủ tướng mong muốn. Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị chính quyền địa phương triệt để chống hàng giả “đội lốt sâm Ngọc Linh”; đặc biệt đảm bảo an ninh trật tự tốt nhất khu vực dự án và có biện pháp quản lý chặt chẽ để “sản xuất tốt, an toàn tốt”.

Thủ tướng cũng mong muốn 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam cùng hợp tác, phát triển, phát huy lợi thế so sánh để “hai bên cùng thắng” với mục tiêu phát triển cây sâm Ngọc Linh trên núi Ngọc Linh mà phía Bắc là Kon Tum, phía Nam là Quảng Nam đáp ứng mong đợi của người dân.

Cũng trong chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự lễ khánh thành Trung tâm quốc gia Nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh tại huyện Đăk Tô (Kon Tum). Công trình này là hạng mục đầu tiên nằm trong Dự án đầu tư “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh” được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh Kon Tum, với tổng mức đầu tư gần 570 tỷ đồng. Công trình hoàn thành, đi vào sử dụng sẽ phục vụ hiệu quả cho hoạt động bảo tồn nguồn giống sâm Ngọc Linh; tạo tiền phát triển thương hiệu quốc gia cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh Kon Tum về lâu dài.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nếu coi sâm Ngọc Linh là quốc bảo thì từ quốc bảo đến quốc kế dân là một câu hỏi lớn mà trong đó có vai trò của Trung tâm quốc gia Nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh.

Nhấn mạnh việc nghiên cứu, hoàn thiện quá trình nhân giống, gieo trồng, phát triển cây sâm Ngọc Linh là nhiệm vụ rất quan trọng trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Việt Nam là quốc gia có nhu cầu lớn về nhập khẩu sâm từ Hàn Quốc với nhiều loại chế phẩm, thực phẩm chức năng. Trong khi đó, khoa học chứng minh sâm Ngọc Linh có nhiều ưu điểm vượt trội. Do đó, đây là cơ hội lớn để sâm Ngọc Linh chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Từ đó, giải quyết công ăn việc làm, thúc đẩy xuất nhập khẩu, đảm bảo quốc kế, dân sinh.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề cao nhiệm vụ bảo vệ nguồn gen, phát triển nguồn sâm Ngọc Linh tương xứng với thế mạnh tự nhiên và tiềm năng sẵn có của hai địa phương Quảng Nam và Kon Tum. Cùng với đó là nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chiết xuất từ sâm Ngọc Linh xứng tầm quốc gia, quốc tế. Khâu chăm sóc, chế biến, bảo quản sâm sau thu hoạch cũng phải được đảm bảo tốt hơn. Trong quá trình đó, sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học là rất cần thiết.

Thủ tướng đề nghị Trung tâm coi việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong xử lý, phân biệt nạn sâm giả là nhiệm vụ hàng đầu. Bên cạnh đó là nghiên cứu công nghệ bản đồ gen sâm Ngọc Linh; truy xuất nguồn gốc, bảo quản; kết nối nghiên cứu trong và ngoài nước về sâm; kết hợp với nhà sản xuất và các cơ quan liên quan để hình thành những chế phẩm sát với thực tiễn của thị trường.

Theo chương trình, sáng mai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị “Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác” tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Nguồn bài viết : Tin tức bóng đá châu âu

Top