Cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Bé Ba (trái) luôn tích cực với các hoạt động của công tác hội. |
Theo ông Ba, khi ông lên 9 tuổi (năm 1963), cha ông đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mẹ cũng qua đời không lâu sau đó. Tiếp nối truyền thống gia đình, khi mới 15 tuổi, ông Ba đã tham gia đội du kích xã Vĩnh Lợi (huyện Thạnh Trị), sau đó ông được phân công làm Trung đội trưởng Đội du kích xã. Cuối năm 1973, ông là Xã đội trưởng xã Vĩnh Lợi. Một năm sau, ông là Chính trị viên Đại đội địa phương quân huyện Thạnh Trị. Năm 1975, ông là Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn Phú Lợi 4 (Sóc Trăng), tham gia cuộc Tổng tấn công nổi dậy Mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Sau giải phóng, ông Ba được điều về Tiểu đoàn quản giáo tỉnh Sóc Trăng. Tháng 3/1978, ông được điều động về Sư đoàn 339 (Quân khu 9), rồi tham gia trong đội hình Quân tình nguyện Việt Nam sang làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia. Tại đây, ông đảm nhận nhiều vị trí từ chỉ huy đại đội, chỉ huy tiểu đoàn...
Trong một lần làm nhiệm vụ vào năm 1983, do vướng phải mìn, ông bị thương nặng và mất chân trái. Vết thương nặng, mất máu nhiều, lại thiếu thuốc điều trị và còn bị bệnh sốt rét rừng, đồng đội ông khi ấy nghĩ rằng ông khó qua khỏi. Tuy nhiên, do được chuyển về Bệnh viện Quân y 121 của Quân khu 9 kịp thời, ông đã dần bình phục, trở về từ cõi chết.
Nhớ lại những ngày khó khăn nhất của cuộc đời, ông cho biết: “Khi đó, bà nhà tôi nghe tin tôi hy sinh, vội lặn lội từ quê đi tìm kiếm. Khi gặp, bà ấy khóc nhiều lắm. Tôi thì nghĩ khác: Trở về từ cuộc chiến có mấy ai còn nguyên vẹn đâu. Ngày trở về, tôi lại thấy tự hào vì đã cùng anh em vào sinh ra tử, lập nên nhiều chiến công, khiến cho quân địch khiếp sợ”.
14 năm (1969 - 1983) tham gia kháng chiến, ông Ba đã bị thương 4 lần, do những mảnh đạn ghim sâu vào da thịt, khiến cơ thể ông nhiều chỗ có vết sẹo sâu và mất một chân, song ông vẫn giữ tinh thần lạc quan. “Được trở về sau chiến tranh là may mắn lắm rồi, thương tật của tôi có đáng gì so với những đồng đội đã ngã xuống”, ông Nguyễn Hoàng Bé Ba nói.
Dù đi, đứng không được thuận tiện, nhưng Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Thạnh Trị Nguyễn Hoàng Bé Ba luôn tích cực với công tác Hội, ông luôn có mặt ở các xã, ấp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên để tìm giải pháp giúp đỡ và hướng dẫn cán bộ Hội cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhiều người gọi ông là người có đôi chân không mỏi.
Gần 30 năm gắn bó với Hội Cựu chiến binh huyện, hơn ai hết ông nắm rõ tình hình từng cơ sở Hội, từng hội viên. Ông luôn quan tâm đến công tác phát triển hội viên, nhằm tập hợp cựu chiến binh vào tổ chức Hội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng đội ngày càng tốt hơn.
Trước đây, một số hội viên không "mặn mà" với tổ chức Hội vì cho rằng không thấy lợi ích khi tham gia Hội, ông đã thường xuyên gặp gỡ hội viên để nắm tình hình xem anh em mong muốn, nguyện vọng gì ở tổ chức Hội và trao đổi với cán bộ Hội để nắm tình hình. Theo ông, làm cán bộ Hội quan trọng là phải biết lắng nghe hội viên, giải thích và thiết phục hội viên.
Ông Ba chia sẻ: Các cựu quân nhân trở về địa phương còn gặp khó khăn. Hiểu được hoàn cảnh của anh em, ông đã đề xuất với Ban Chấp hành Hội xây dựng, nhân rộng mô hình góp vốn để giúp hội viên được tiếp cận nguồn vốn sản xuất. Hiện nay, các chi hội ấp ở Thạnh Trị đều có tổ hùn vốn. Tiêu biểu như Chi hội ấp Tàn Dù (xã Châu Hưng), hiện nay số vốn do anh em góp được 142 triệu đồng. Anh em nào khó khăn thì vay vốn để làm kinh tế gia đình. Tranh thủ sự hỗ trợ của các chính sách an sinh xã hội như cho vay vốn lãi suất ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng… Hội đã giúp nhiều hội viên thuộc diện nghèo được tiếp cận vốn để vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Hiện nay, số lượng hội viên ngày càng tăng, theo thống kê năm 2018 Hội có trên 1.600 hội viên”.
Nguồn bài viết : 24. Nhà Cái K8