Trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019 tổ chức tại Quảng Ninh, ngày 17/1, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 22 chính thức khai mạc dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị cơ quan du lịch quốc gia ASEAN cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện đi lại hơn nữa cho du khách.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện mong muốn các đại biểu tích cực thảo luận một số vấn đề nhằm tháo gỡ những rào cản, tăng cường hợp tác để thúc đẩy du lịch ASEAN phát triển bền vững.
Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 22 tập trung vào một số nội dung quan trọng như thông qua một số chương trình nghị sự, thông báo hậu cần, kết quả hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33 tổ chức tại Singapore vào ngày 13/11/2018, xem xét báo cáo của Chủ tịch Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN, xem xét và thông qua thông cáo báo chí chung, tham vấn các tổ chức quốc tế...
[Khai mạc Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019: Sức mạnh của sự thống nhất]
ASEAN là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Nguồn tài nguyên du lịch đa dạng cả tự nhiên lẫn nhân văn đã tạo cho ASEAN những nét độc đáo, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài khu vực. Những năm gần đây, ASEAN nổi lên là một trong những khu vực phát triển năng động nhất châu Á - Thái Bình Dương. Tất cả các nước thành viên ASEAN đều chú trọng phát triển du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, góp phần tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo.
Năm 2018, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến khu vực đạt khoảng 10%, cao hơn mức trung bình 8% của toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương và 7% của toàn thế giới. Đóng góp của du lịch vào GDP của khu vực đạt khoảng 12,4%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, sự tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực du lịch của khu vực vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới có xu hướng chuyển sang hợp tác song phương; cạnh tranh điểm đến giữa các khu vực và quốc gia diễn ra gay gắt; khủng bố, mất an ninh an toàn tại một số khu vực trên thế giới; thay đổi khí hậu toàn cầu, chiến tranh thương mại... đã tác động mạnh tới hoạt động du lịch.
Bên cạnh đó cũng tồn tại một số rào cản liên quan tới cơ chế, chính sách, gây cản trở phát triển du lịch ở từng nước, cũng như đối với khu vực ASEAN./.
Nguồn bài viết : Bong da tây ban nha