“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”- lời bài hát “Một đời người, một rừng cây” cất lên giữa núi rừng Trường Sơn lay động lòng người, nhất là khi nghĩ về những gian truân mà những người “lính rừng” đang ngày đêm canh gác ở nơi rừng xanh nước độc để giữ đại ngàn…
Vất vả cho rừng mãi xanh
Xa gia đình, xa vợ con, bám trụ suốt ngày đêm ở nơi rừng xanh nước độc không kể ngày nghỉ, hay dịp lễ, Tết… là những khó khăn, thử thách mà bất cứ cán bộ, “người lính” kiểm lâm nào ở Trạm kiểm lâm khe Vinh (Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, tỉnh Quảng Nam) đều phải trải qua.
Mất nhiều ngày liên hệ, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus mới may mắn có dịp gặp mặt và đi tuần rừng cùng các chiến sỹ Trạm kiểm lâm khe Vinh. Trên chiếc thuyền chòng chành đưa người viết vào “cửa rừng,” Trạm trưởng Nguyễn Minh Quốc không giấu nổi sự “cô đơn” của mình khi quanh năm phải gắn bó ở nơi heo hút giữa đại ngàn.
Anh Quốc bảo, cái nghề gác rừng vất vả nên không yêu nghề thì khó mà bám trụ, gắn bó. Rồi anh kể: “Anh em đi tuần, có khi tới gần nửa tháng, phải ngủ lại trong rừng. Nếu trời mưa, nấu chín được cơm đã là may. Vào tháng Tư, tháng Năm có gió to, những cơn mưa rừng bất chợt khiến cành cây khô từ trên cao rơi xuống như những mũi tên. Đó là chưa kể những lần bị lâm tặc cản trở, chống đối bằng vũ khí,” anh Quốc chia sẻ thêm.
Còn kiểm lâm viên Nguyễn Văn Đông, người chuyển từ Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn sang Trạm Khe Vinh thì bảo, điều mà anh em trong trạm khi đi tuần rừng thường xuyên phải đối mặt không phải là lâm tặc, mà là sự “truy đuổi” của những đàn vắt hút máu người.
“Vắt muỗi thì không lo, còn vắt xanh cắn lên tận đầu, cắn là máu chảy cả ngày. Có lần rúc vào rừng tre nứa, vắt bám lên tận cổ phải cởi luôn bộ đồ ngâm xuống sông rồi giũ cho vắt rơi xuống chứ không thể nhặt ra hết được,” anh Đông nói.
Thêm vào đó, điều anh Đông cũng như nhiều kiểm lâm trăn trở nhất là vào rừng sâu không phải chỗ nào cũng có sóng điện thoại, nên nhiều lúc người thân ở nhà nằm viện cả tuần cũng không hề hay biết.
“Thực sự mình cũng buồn, lo và thương vợ con, nhưng đây là nhiệm vụ. Có những đợt xin nghỉ phép dài ngày nhưng cũng chỉ nghỉ được một hai ngày, có nhiệm vụ lại phải khăn gói lên đường ngay,” anh Đông bộc bạch.
Đang dở câu chuyện thì chiếc thuyền cập vào bờ, điểm được coi là “cửa rừng” vào Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Chúng tôi tiếp tục đi bộ sâu vào vùng lõi, men theo những khe suối, có những lúc trèo lên những thác nước dựng đứng, bò qua rừng tre nứa, sau đó tranh thủ ngồi nghỉ, ăn bữa cơm rau rừng.
Tiếp tục câu chuyển về những khó khăn, vất vả còn dang dở, anh Đông kể ngày trước làm kiểm lâm ở Phước Sơn, địa bàn “nóng” về nạn phá rừng, bản thân anh đã bắt rất nhiều vụ phá rừng, thế nên đã có không ít lần bị đe dọa.
“Có hôm, vô rừng thấy tấm gỗ dựng đứng với dòng chữ ‘xin chia buồn đồng chí Nguyễn Văn Đông, Hạt Kiểm lâm Phước Sơn.’ Tôi biết họ viết để dọa nhưng vẫn quyết tâm làm, sau đó tôi được cấp trên khen và kết nạp Đảng…,” anh Đông nhớ lại.
[Cúng Rừng - nét văn hóa độc đáo của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên]
Đón Tết giữa đại ngàn
Tết đến, xuân về là dịp để mỗi người con trên quê hương đất Việt sum họp, đoàn viên, tuy nhiên với những những “người lính” gác rừng lại chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng tư để ngăn chặn nạn chặt phá sơn lâm, giữ bình yên cho đại ngàn.
Đối với những người chiến sỹ kiểm lâm Trạm kiểm lâm khe Vinh thì việc sum họp cùng gia đình, người thân trong dịp Tết là điều gì đó “xa xỉ.” Với họ, số lần ăn Tết ở giữa rừng cùng đơn vị có lẽ luôn xấp xỉ thâm niên ‘tuổi quân’ của chính mình.
Đông bảo rằng, hơn 10 năm phục vụ trong ngành kiểm lâm thì cũng ngần ấy năm phải xa ăn Tết gia đình.
“Ngày Tết ai cũng muốn sum họp, quây quần bên người thân, nhưng đã lựa chọn cái nghề gác rừng này thì luôn xác định nhiệm vụ là trên hết,” anh Đông bộc bạch.
Rồi anh bảo, dù Tết Kỷ Hợi không được đón Tết cùng gia đình nhưng anh em trong trạm cũng rất vui vì được thủ trưởng đơn vị, bà con đồng bào quan tâm cả vật chất lẫn tinh thần.
“Dù ở giữa rừng nhưng chúng tôi vẫn gói luộc bánh chưng, vẫn có đào, quất đón Tết. Anh em được phân công ở lại trực rất yên tâm công tác,” anh Đông nói thêm.
“Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý,” lời Bác Hồ dạy luôn là kim chỉ nam, là ngọn đèn soi rọi để các chiến sỹ lực lượng kiểm lâm vững lòng vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, để giữ cho những mùa Xuân xanh thắm…/.
[Hòa mình vào lễ cúng Rừng của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên]
Nguồn bài viết : Hội cày game kiếm tiền