Gắn kết Việt Nam - Slovakia qua cầu nối văn hóa và kinh tế

2025-01-17 20:15:19
Hơn 10.000 lượt người tham dự ngày Việt Nam tại Slovakia lần thứ 3
Đại biện lâm thời nước Cộng hòa Slovakia tại Việt Nam: tin tưởng quan hệ hai nước sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ

Nhà văn, dịch giả Đỗ Ngọc Việt Dũng:

Cầu nối văn hóa giữa Việt Nam - Slovakia - Czech

Tôi sang Tiệp Khắc từ năm 1971, học ngành kỹ sư điện tại Prague. Vào những năm 1980, tôi quay lại đất nước này lần thứ hai, theo học ngành ngôn ngữ và văn chương tại trường Tổng hợp Liberec. Những năm tháng học tập ở Tiệp Khắc đối với tôi là những kỷ niệm không thể nào quên, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh gian khổ ở Việt Nam, khi chúng tôi được nước bạn cưu mang, giúp đỡ, chăm sóc tận tình.

Nhà văn, dịch giả Đỗ Ngọc Việt Dũng. (Ảnh: Bạch Dương)

Điều khiến tôi cảm kích nhất là tấm lòng chân thành, hiếu khách của người dân Tiệp Khắc. Những cử chỉ nhỏ nhưng đầy ý nghĩa của họ đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng chúng tôi. Khi chúng tôi đi tàu hỏa sang Tiệp Khắc, một phụ nữ Tiệp Khắc đã chia sẻ tất cả đồ ăn mang theo với chúng tôi, dù biết rằng chúng tôi từ chối chỉ vì ngại ngùng. Bà hiểu và lấy cớ đi ra ngoài để chúng tôi có thể tự nhiên ăn uống.

Một lần khác, khi vào quán bia, tôi không phải trả tiền vì có người Tiệp Khắc nào đó đã âm thầm làm điều đó cho tôi. Trong thời gian học tập tại Tiệp Khắc, tôi được một phụ nữ Tiệp Khắc nhận làm con nuôi. Có thức quà gì ngon, bà đều dành cho tôi. Tình cảm này lớn hơn cả sự ngăn cản của khoảng cách địa lý khi năm 1980 tôi trở về Việt Nam, bà đã vượt qua khó khăn để sang thăm và mang theo những món quà giản dị nhưng đầy ấm áp.

Tôi bị chinh phục bởi vẻ đẹp thanh bình của khung cảnh thiên nhiên, sự cởi mở và lòng hiếu khách của người dân nơi đây. Đặc biệt, các tác phẩm văn học tại đây luôn hướng tới sự thân thiện, hòa nhập với một cách nhìn sâu sắc, hóm hỉnh và nhẹ nhàng về mọi vấn đề trong cuộc sống, xã hội, khiến tôi cảm thấy thích thú. Tình yêu ấy đã dẫn dắt tôi dịch nhiều tác phẩm thơ từ năm 1974-1975. Sau này, tôi vẫn tiếp tục sưu tầm và dịch các tác phẩm thơ của nhiều tác giả khác nhau, từ những nhà thơ nổi tiếng đoạt giải Nobel cho tới các tác giả khuyết danh, nhằm thỏa mãn đam mê của mình.

Năm 2012, tôi ra mắt truyện ký “Ba cuộc đời - Chuyện Tây Ta” với độ dày 500 trang, gồm 4 phần, ghi lại những kỷ niệm và trải nghiệm của bản thân trong suốt thời gian sống ở Tiệp Khắc. Ngoài ra, tôi còn sưu tầm, biên dịch tuyển tập thơ Czech & Slovakia, ẩm thực Czech, thể thao Czech, âm nhạc Czech, lịch sử Czech và nhiều tác phẩm khác.

Dù đã trở về Việt Nam, tôi vẫn coi Czech và Slovakia là ngôi nhà thứ hai, vẫn quay lại với hành trang là các tác phẩm dịch thuật và tiểu thuyết. Văn hóa là cánh cửa mở vào thế giới của các quốc gia khác nhau. Thông qua các tác phẩm, độc giả có thể hiểu thêm ngôn ngữ, trau dồi kiến thức, cũng như cảm nhận được tình cảm giữa các dân tộc. Tôi mong muốn các tác phẩm văn học chọn lọc của Slovakia, Czech và Việt Nam đến với độc giả của ba nước, giúp tăng cường sự hiểu biết về nền văn hóa, văn học của mỗi nước.

Ông Nguyễn Phi Việt, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Séc, Slovakia tỉnh Hà Tĩnh:

Thúc đẩy sự tham gia của thế hệ trẻ trong Hội hữu nghị

Hội hữu nghị Việt Nam - Séc, Slovakia tỉnh Hà Tĩnh được thành lập năm 2008, tập hợp những người đã từng học tập, công tác tại Tiệp Khắc cũ. Chúng tôi mong muốn tiếp tục đóng vai trò là cầu nối thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, kinh tế, khoa học công nghệ và du lịch giữa các doanh nghiệp của Hà Tĩnh với các đối tác tại Slovakia và Czech.

Ông Nguyễn Phi Việt, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Séc, Slovakia tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Minh Thái)

Tuy nhiên, hiện tại thành viên Hội chủ yếu là người lớn tuổi. Để phát triển và duy trì sự kết nối này, tôi mong muốn thời gian tới có thêm sự tham gia của thế hệ trẻ, đặc biệt là doanh nhân - những người có thể góp phần đưa quan hệ hợp tác này phát triển mạnh mẽ hơn. Họ không chỉ mang đến sự mới mẻ trong cách tiếp cận, mà còn có khả năng mở ra những cơ hội mới trong việc hợp tác giữa hai bên. Việc tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, học bổng du học hoặc các cuộc thi khởi nghiệp quốc tế có thể là những bước khởi đầu để thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Để bảo đảm sự tham gia của thế hệ trẻ không chỉ là một khẩu hiệu, chúng ta cần phải tạo ra môi trường hoạt động thực sự năng động và hiệu quả, nơi họ có thể thấy rõ vai trò và giá trị của mình trong việc phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.

Ông Nguyễn Huy Cường, nguyên Trưởng phòng Thương mại Slovakia - Việt Nam tại Hà Nội:

Mở rộng hợp tác kinh tế, công nghệ giữa Việt Nam và Slovakia

Trong tâm thức nhiều người Việt đã sống và làm việc tại Tiệp Khắc thì Slovakia và Czech là một, đều là những người bạn đã giúp đỡ, đoàn kết với Việt Nam trong những năm tháng khó khăn.

Ông Nguyễn Huy Cường, nguyên Trưởng phòng Thương mại Slovakia - Việt Nam tại Hà Nội. (Ảnh: Bạch Dương)

Việc xây dựng quan hệ bền vững cần được thực hiện một cách bài bản và chuyên nghiệp. Chúng tôi đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, kết nối các doanh nghiệp Slovakia với Việt Nam và ngược lại. Điển hình là Hội nghị liên Chính phủ Việt Nam - Slovakia lần thứ nhất vào năm 2013, một cột mốc quan trọng trong việc thắt chặt quan hệ giữa hai quốc gia.

Với vai trò của Hội hữu nghị Việt Nam - Slovakia, chúng tôi thấy cần thành lập một nhóm thúc đẩy hợp tác công nghệ, thương mại, kinh tế để làm cầu nối hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp hai nước. Sự liên kết này không chỉ giới hạn trong những lĩnh vực truyền thống, mà còn mở ra cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mới.

Tôi tin rằng, với những nỗ lực từ cả hai phía, quan hệ giữa Việt Nam và Slovakia sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự thịnh vượng chung của cả hai quốc gia.

Hội hữu nghị Việt - Séc - Slovakia tỉnh Bắc Giang: nhiều hoạt động thiết thực, nhân văn
Thu hút thế hệ trẻ, doanh nghiệp Việt - Séc - Slovakia tham gia công tác hội

Nguồn bài viết : Bảng xếp hạng

Top