2025-01-17 20:17:20

Sáng 7/11, thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia, đại biểu Quốc hội cho rằng cần thiết phải sửa đổi 7 luật để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo, các điểm nghẽn, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Khó triển khai các đề án liên doanh, liên kết

Góp ý vào các nội dung sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật gồm: Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia, đại biểu Quốc hội cho rằng chủ trương liên doanh, liên kết trong y tế là chủ trương rất đúng đắn và giúp cho ngành y tế có cơ hội trang bị các trang thiết bị hiện đại phục vụ chữa bệnh.

Tuy nhiên, trong thực tế, do một số vướng mắc của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nên hầu hết các cơ sở y tế lớn rất khó triển khai các đề án liên doanh, liên kết.

Khoản 1 điều 58 quy định đơn vị công lập được sử dụng tài sản công để liên doanh liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước trong các trường hợp: Tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất; tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan người có thẩm quyền phê duyệt để phục vụ hoạt động liên doanh, liên kết mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 58 như trên thì Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa quy định dùng tài sản là quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Trí Thức phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đại biểu Nguyễn Tri Thức (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết trong khi ngân sách nhà nước cấp còn thiếu, nhiều bệnh viện công lập mong muốn được liên doanh, liên kết với các đơn vị, tổ chức xây mới cơ sở hạ tầng, và trang thiết bị y tế trên khuôn viên của bệnh viện.

Ngoài việc được sử dụng các tài sản công theo quy định tại khoản 1 Điều 58 để đưa vào liên doanh liên kết thì quyền sử dụng đất cũng cần thiết được pháp luật quy định vì trường hợp xây dựng mới cơ sở trên khuôn viên đất của bệnh viện thì quyền sử dụng đất phải được tính vào giá trị liên doanh, liên kết đảm bảo quyền lợi cho bệnh viện.

Tuy nhiên, căn cứ theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công không quy định dùng quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết, điều này làm cho các cơ sở y tế khó khăn trong việc thực hiện liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng mới hạ tầng phục vụ cho người bệnh.

Nhằm tăng cường các nguồn lực của xã hội đầu tư cho y tế, đại biểu Thức kiến nghị bổ sung thêm quy định đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản là quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết trong các dự án liên doanh, liên kết của ngành y tế.

Không được để mất tài sản công

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho hay điểm b khoản 2 Điều 34 Luật Đất đai đã quy định đối với đất do đơn vị sự nghiệp công lập đang sử dụng mà có nhu cầu cho thuê, liên doanh, liên kết với tổ chức kinh tế thì phải có đề án sử dụng tài sản công và mục đích cho thuê liên doanh, liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Tuy nhiên, có vướng mắc là trong liên doanh, liên kết hiện nay chưa cho phép dùng quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Thu Dung phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

“Nên sửa cho đơn vị sự nghiệp công được sử dụng giá trị của đất để góp vốn,” đề xuất nội dung này, đại biểu Thái Bình cũng lưu ý cần đưa ra “rào cản” là “không sử dụng quyền sử dụng đất này vào mục đích khác và đặc biệt đem để thế chấp làm một nguồn vốn góp khác.”

Đối với tài sản hình thành từ nguồn vốn liên doanh, liên kết trên đất, sau khi kết thúc thời gian liên doanh, liên kết sẽ bàn giao cho đơn vị sự nghiệp công lập, còn đối với tài sản khác thì có thể xử lý theo hợp đồng đã được ký kết giữa hai bên.

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị nghiên cứu đối với đơn vị tự chủ các đề án liên doanh, liên kết, thủ trưởng đơn vị được phê duyệt và chịu trách nhiệm trên nguyên tắc bảo toàn tài sản và vốn Nhà nước đã giao.

Giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, lý giải tài sản để liên doanh, liên kết đã quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, còn vấn đề đất đai thực hiện theo đúng Luật Đất đai.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Các đơn vị sự nghiệp công lập có quyền liên doanh, liên kết để thực hiện các dịch vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tuy nhiên không được để làm mất tài sản công, không được để làm mất đất.

“Một doanh nghiệp liên doanh với đơn vị sự nghiệp đầu tư xây dựng nhà hay một phân xưởng thống nhất với nhau sau bao nhiêu năm thì hoàn thành hợp đồng này, sau khi hoàn thành hợp đồng thì trả lại đất, trả lại tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập và được ăn chia trên phần làm ra, không được lấy đất của đơn vị sự nghiệp công lập, vì đây là tài sản công,” Phó Thủ tướng lấy ví dụ.

Ông cho biết bài học này chúng ta đã bị trả giá trong những nhiệm kỳ trước./.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công

Quan tâm đến việc chống lãng phí trong bộ máy công quyền, đại biểu nhấn mạnh, bài viết của Tổng Bí thư về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : Bảng đặc biệt năm

Top