2025-01-17 20:17:21

Trong tờ trình gửi Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân Thành phố dự kiến sắp xếp, sáp nhập 80 phường của 10 quận ngay trong giai đoạn 2023-2025 và đưa ra các phương án giải quyết cán bộ, trụ sở làm việc dôi dư sau sắp xếp.

Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh có 312 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm: 249 phường, 5 thị trấn và 58 xã. Sau khi rà soát, Thành phố xác định có 120 đơn vị hành chính cần được sắp xếp, trong đó có 119 phường và 1 thị trấn.

Tuy nhiên, do yếu tố đặc thù, 42 phường và 1 thị trấn sẽ không thực hiện sắp xếp; 3 đơn vị hành chính thực hiện điều chỉnh địa giới khi sắp xếp. Trên cơ sở đó, giai đoạn 2023-2025, Thành phố sẽ sáp nhập 80 phường thuộc 10 quận (gồm quận 3, quận 4, quận 5, quận 6, quận 8, quận 10, quận 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận) thành 38 phường; giảm 39 phường so với hiện tại.

Sau sắp xếp, Thành phố sẽ có 22 đơn vị hành chính cấp huyện (16 quận, 1 thành phố và 5 huyện); 273 đơn vị hành chính cấp xã (210 phường, 5 thị trấn và 58 xã), giảm 39 đơn vị hành chính cấp xã (39 phường).

Ủy ban Nhân dân Thành phố cho biết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 là thực sự cần thiết, đảm bảo phù hợp với các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, tập quán, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của các đơn vị hành chính có liên quan.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc sắp xếp đơn vị hành chính có gây ảnh hưởng, tác động nhất định đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Thành phố tiến hành rà soát, xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 bao gồm phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2026-2030 để thực hiện ngay trong giai đoạn 2023-2025. Điều này nhằm đảm bảo thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhanh chóng ổn định, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và đời sống nhân dân; phù hợp với quy hoạch Thành phố thời kỳ 20212030, định hướng đến năm 2050; quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Phương án nhân sự sau sắp xếp cũng được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng. Tổng số cán bộ, công chức của 80 phường hiện là 1.605 người, trong đó có 462 cán bộ và 1.143 công chức. Sau sáp nhập, các phường mới sẽ cần 868 nhân sự, bao gồm 228 cán bộ và 640 công chức; do đó sẽ có 737 nhân sự dôi dư (234 cán bộ và 503 công chức).

Hai bên sông Sài Gòn thuộc quận Bình Thạnh và thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Để giải quyết số nhân sự dôi dư, Thành phố đã có kế hoạch đảm bảo đến năm 2029 sẽ xử lý dứt điểm. Theo đó, Thành phố sẽ giải quyết 448 trường hợp vào năm 2025, tiếp tục giải quyết số còn lại vào các năm sau cho đến khi hoàn thành vào năm 2029. Số người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sau sắp xếp là 251 người cũng sẽ được giải quyết đến năm 2029. Trong 80 trạm y tế hiện có 522 viên chức, gồm: 58 lãnh đạo trạm và 464 viên chức.

Sau khi sáp nhập, các trạm y tế thuộc 41 phường mới sẽ bố trí 488 viên chức; 34 viên chức y tế dôi dư sẽ được điều chuyển về các trạm y tế khác còn thiếu nhân sự hoặc về trung tâm y tế cấp huyện để đảm bảo định mức biên chế theo quy định của Bộ Y tế. Việc điều chuyển này dự kiến sẽ hoàn thành ngay trong năm 2024.

Với 78 trụ sở làm việc của các phường dôi dư sau sáp nhập, Thành phố dự kiến 75 trụ sở sẽ được điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức khác và 3 trụ sở còn lại sẽ được bán đấu giá. Các tài sản công như ôtô, máy tính, bàn ghế và máy điều hòa sẽ được điều chuyển đến các đơn vị còn thiếu hoặc bán thanh lý theo quy định.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, từ kinh nghiệm sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021, Thành phố sẽ chỉ đạo các quận và phường chủ động thực hiện việc chuyển đổi giấy tờ liên quan cho người dân và doanh nghiệp một cách thuận lợi nhất.

Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu, các cơ quan chức năng hỗ trợ người dân chuyển đổi các loại giấy tờ hành chính do thay đổi địa giới đơn vị hành chính mà không thu phí hoặc lệ phí chuyển đổi.

Trước đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng Phương án tổng thể cũng như xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Thành phố đã tổ chức lấy ý kiến cử tri. Tỷ lệ trung bình cử tri đồng ý với phương án sắp xếp trên địa bàn toàn Thành phố đạt 91,28%.

Đối với những cử tri không đồng ý, các lý do chủ yếu là mất thời gian làm thủ tục thay đổi, cập nhật thông tin giấy tờ; không đồng ý tên gọi mới sau sắp xếp. Nắm bắt được tình hình, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân trên địa bàn hiểu rõ sự cần thiết phải sắp xếp đơn vị hành chính.

Đến nay, toàn thể cử tri trên địa bàn đã đồng tình, nhất trí đối với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Trung ương và Thành phố./.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Bộ Chính trị về Quy hoạch TP Hồ Chí Minh

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, Quy hoạch phải thể hiện rõ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo...

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : Xổ số miền Bắc thứ Hai

Top