2025-01-17 20:17:22

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ ngày 30/7-1/8 đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, góp phần khơi dậy và phát huy những giá trị lịch sử, trầm tích trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đã có từ nghìn năm và đang được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước không ngừng vun đắp; mở ra trang mới trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Ấn Độ.

Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ có 5 yếu tố nền tảng quan trọng như Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ: quan hệ truyền thống tốt đẹp; tin cậy chính trị cao; thị trường rộng mở; văn hóa, văn minh, lịch sử tương đồng, ý tưởng tương thông; cùng chung khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Trong chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sau 10 năm, cũng là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Ấn Độ sau khi hai nước thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2016, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt, trọng thị, hết sức chu đáo và thân tình của Thủ tướng Narendra Modi và các bạn Ấn Độ.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam và Ấn Độ đã là Đối tác Chiến lược Toàn diện từ năm 2016 và cũng năm 2016 tại Hội nghị Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Thủ tướng Ấn Độ đã tuyên bố coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong chính sách chiến lược hướng Đông của Ấn Độ, nhưng thương mại giữa hai nước đến nay mới đạt 15 tỷ USD, đầu tư nước ngoài cũng chỉ có 1 tỷ USD, thực sự chưa khai thác được hết các tiềm năng, lợi thế của nhau.

Trong bối cảnh hiện nay, Ấn Độ đánh giá rất cao chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính và mong muốn sau chuyến thăm này mở ra giai đoạn mới cho hợp tác, phát triển giữa hai nước, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư, thúc đẩy làm sâu sắc hơn Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Cũng với mong muốn trên, trong 2 ngày thăm Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hơn 20 hoạt động đa dạng, phong phú với các giới, các lĩnh vực khác nhau.

Trong đó có các cuộc hội đàm, hội kiến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Jagdeep Dhankhar, Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng gặp gỡ lãnh đạo một số chính đảng của Ấn Độ; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ; làm việc với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu Ấn Độ; phát biểu chính sách tại Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ; thăm Đại sứ quán và gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết trong chuyến thăm Lãnh đạo hai nước đã khẳng định thông điệp tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Ấn Độ trên tất cả các lĩnh vực: quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục và mở rộng ra những lĩnh vực hợp tác mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tri thức; đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn hợp tác về khoa học công nghệ.

Chuyến thăm cũng giúp khẳng định Việt Nam và Ấn Độ luôn ủng hộ lẫn nhau và sẵn sàng hợp tác, chung tay cùng xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Cùng với điểm lại quan hệ hai nước thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo Ấn Độ cùng phân tích, đưa ra phương hướng làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước.

Hai bên nhất trí thông qua Tuyên bố chung về Tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với phương hướng “5 hơn”: Tin cậy chính trị-chiến lược cao hơn; Hợp tác quốc phòng-an ninh sâu sắc hơn; Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực chất và hiệu quả hơn; Hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo rộng mở hơn; Hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân kết nối mật thiết hơn. Đồng thời đề xuất các ưu tiên để cụ thể hóa phương hướng “5 hơn” đó.

Tiến sỹ Sripathi Narayanan, Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ cho rằng về bản chất, chuyến thăm đã thiết lập lộ trình để hai nước hợp tác trong tương lai gần, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống; đồng thời mở ra các lĩnh vực hợp tác mới như trí tuệ nhân tạo, cơ khí hóa… Hai nước cũng thống nhất mô hình phát triển mang tính toàn diện và bền vững. Đặc biệt như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu trong khi phát biểu chính sách tại Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ là kết nối nhân dân đã được cải thiện nhờ việc mở các đường bay thẳng và trong tương lai sẽ có nhiều chuyến bay hơn. Đây là một minh chứng cho việc gắn kết cùng phát triển của hai nước.

Đáng chú ý, trong các cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm và dành nhiều thời gian để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc trong hợp tác hai bên, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư.

Đơn cử, ngay trong cuộc làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Adani, Thủ tướng đã chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục và đưa ra định hướng để Tập đoàn này tiếp tục đầu tư dự án cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) với tổng số vốn hàng tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giải quyết được vấn đề căn bản, những vấn đề lớn còn vướng mắc để khai thông thương mại đầu tư.

Một mặt thúc đẩy để hai bên sớm có hiệp định thương mại tự do song phương; mặt khác là những vướng mắc cụ thể mà hai bên cần phải giải quyết. Hy vọng sau chuyến thăm này, những hạn chế lĩnh vực thương mại sẽ được tháo gỡ.

Trong chuyến thăm hai bên đã thông qua Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện 2024-2028 và trao Công hàm về việc Việt Nam gia nhập Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai.

Hai bên đã thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và hai Thủ tướng đã ấn nút khai trương Công viên phần mềm quân đội tại Nha Trang.

Các Bộ, ngành, cơ quan hai bên đã ký kết, trao đổi 9 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực y tế, pháp luật và tư pháp, ngoại giao, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học nông nghiệp, phát thanh và truyền hình, du lịch, văn hóa, nông nghiệp…

Các doanh nghiệp hai nước cũng ký kết trao đổi 10 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực: hạ tầng, logictics, hàng không, du lịch, văn hóa, dược phẩm…

Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ đều xác định Việt Nam là điểm đến đầu tư chiến lược và mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Việt Nam. Đơn cử, lãnh đạo Adani khẳng định cam kết, quyết tâm đầu tư tại Việt Nam với các dự án được đề xuất có tổng vốn lên tới khoảng 10 tỷ USD như cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng (khoảng trên 2 tỷ USD), dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (khoảng 2,8 tỷ USD), sân bay Long Thành giai đoạn 2, sân bay Chu Lai…

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani (Ấn Độ). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

SMS Pharmaceuticals cũng đã thành lập liên doanh với công ty Việt Nam để đề xuất phát triển Khu công nghiệp Dược phẩm công nghệ cao tại khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) với mục tiêu thúc đẩy, thu hút tổng vốn đầu tư khoảng 4-5 tỷ USD trong hơn 10 năm tới.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ đã trở thành chất xúc tác hết sức mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm cao của lãnh đạo hai nước trong việc đưa quan hệ Việt Nam-Ấn Độ bước vào giai đoạn mới mạnh mẽ hơn, thực chất hơn và hiệu quả hơn trên cơ sở tin cậy chính trị sâu sắc hơn, với nhiều cơ hội rộng mở hơn.

Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, đạt được các mục tiêu đề ra với những kết quả cụ thể, thiết thực, đáp ứng những quan tâm và mong đợi của cả hai bên; góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ sang một trang mới, sâu rộng, thực chất, hiệu quả hơn, vì lợi ích của mỗi nước, Nhân dân mỗi nước và hòa bình, hữu nghị, hợp tác trong khu vực và thế giới./.

Việt Nam-Ấn Độ nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện

Hai Thủ tướng Việt Nam-Ấn Độ đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung về Tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện nhân chuyến thăm và nhất trí thúc đẩy hợp tác hai nước với phương châm “5 hơn.”

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : GAME BÀI

Top