Một trong ba nhóm vấn đề lớn được các đại biểu quan tâm chất vấn tại phiên họp lần này là giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.
Chất vấn người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường về công tác khai khoáng, sử dụng và quản lý đất hiếm trong thời gian qua, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) đặt câu hỏi: "... Việc duy trì hoạt động hiệu quả các dự án khai thác, chế biến bauxite, alumin, nhôm, đất hiếm, nhất là đất hiếm hiện nay đang được hết sức quan tâm trong điều kiện nước ta có trữ lượng lớn về đất hiếm. Trong bối cảnh các nước trên thế giới và nước ta đang tập trung đầu tư các ngành công nghệ cao rất cần loại khoáng sản này, có thể nói đây là một lợi thế. Đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ hơn công tác khai khoáng cũng như sử dụng và quản lý đất hiếm trong thời gian qua?".
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản về chiến lược quan trọng và có trữ lượng tương đối lớn: "Ví dụ như bô xít khoảng 5,8 tỷ tấn, titan khoảng hơn 600 triệu tấn. Về đất hiếm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đánh giá trữ lượng được 2,7 triệu tấn, trong đó đánh giá tài nguyên đất hiếm của chúng ta là khoảng 18 triệu nữa là tức là hơn 20,7 triệu".
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, đối với việc khai thác, chế biến các loại khoáng sản quan trọng thiết yếu, đặc biệt là đất hiếm, phải tính đến việc chế biến sâu, chế biến tinh tại Việt Nam và phục vụ cho công nghiệp của Việt Nam.
"Điển hình như chúng ta đang thu hút công nghiệp chip và bán dẫn. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo, nếu như chúng ta chế biến sâu được đất hiếm thì như vậy sẽ phục vụ ngay cho chúng ta, ngoài ra chúng ta nghiên cứu thị trường xuất khẩu...", Bộ trưởng làm rõ; đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp sâu hơn với Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhất là các địa phương nhiều tiềm năng về vấn đề này như Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, để tăng cường công tác quản lý về đất hiếm, tránh việc khai thác, buôn bán trái phép.
Chất vấn về công tác dự trữ khoáng sản quan trọng, thiết yếu, đại biểu Lò Thị Việt Hà (Tuyên Quang) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cho vấn đề này trong thời gian tới.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, việc dự trữ khoáng sản quan trọng, thiết yếu chính là đảm bảo an ninh quốc gia. Chính phủ đã ban hành Quyết định về phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia gồm 48 khu vực với 10 loại khoáng sản quan trọng cần dự trữ cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, trong Nghị định 51/2021/NĐ-CP về quản lý khoáng sản và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, ngoài quy định đầu tư thực hiện diện tích khu vực dự trữ khoáng sản, còn quy định tiêu chí để khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, với các khoáng sản, chúng ta không thể khai thác hết cùng lúc, mà có những khu vực khoanh vùng để dự trữ, đảm bảo cho sự phát triển dự trữ quốc gia, đảm bảo yêu cầu và việc sử dụng khoáng sản.
Người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh việc cân đối giữa các dự trữ khoáng sản quốc gia đối với các khoáng sản chiến lược quan trọng là mục tiêu chiến lược. Thời gian qua, Bộ đã tổ chức khoanh vùng các khu vực dự trữ khoáng sản theo quy định: "Muốn có dự trữ khoáng sản, chúng ta phải điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản thiết yếu, quan trọng, tuy nhiên nguồn lực cho vấn đề này còn thiếu. Thủ tướng sẽ quyết định phân kỳ theo lộ trình, khai thác và chế biến như thế nào, khu vực nào được dự trữ", Bộ trưởng nêu rõ.
Bày tỏ mong muốn có thêm nguồn lực cho vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, căn cứ vào định hướng chiến lược các ngành, căn cứ vào nhu cầu, báo cáo Thủ tướng để tiếp tục khoanh vùng khoáng sản trong thời gian tới.
Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản, trả lời chất vấn của đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên), Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, thời gian qua, Bộ và các địa phương đã tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát... Trong 5 năm qua, Bộ đã tổ chức 12 cuộc thanh tra và 40 cuộc kiểm tra việc chấp hành quy định về khoáng sản với tổng số 933 lượt giấy phép; phát hiện 258 tổ chức, cá nhân vi phạm; đã ban hành 258 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 30 tỷ đồng.
Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, một trong các sai phạm phổ biến nhất của các chủ dự án là khai thác quá công suất cho phép, hoặc khai thác ra ngoài ranh giới, khai thác nhưng không đảm bảo được các điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đối với các sai phạm, quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là sẽ xử lý nghiêm. Đặc biệt, với những sai phạm có tính liên tục, nối tiếp, sau khi xử phạt hành chính vẫn tiếp tục sai phạm sẽ chuyển sang cơ quan chức năng, cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn về vấn đề quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước...
Nguồn bài viết : Thể Thao