Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024), nhà sử học Pháp Alain Ruscio đã có cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Pháp, nhấn mạnh giá trị lịch sử của sự kiện này cho đến ngày hôm nay.
Ông Ruscio từng là phóng viên báo L'Humanité (Nhân đạo) của Pháp tại Việt Nam và là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về thời kỳ thuộc địa của Pháp ở Đông Dương và Chiến tranh Đông Dương.
Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách về Điện Biên Phủ như "Chiến tranh Đông Dương của Pháp," "Võ Nguyên Giáp, một cuộc đời," "Điện Biên Phủ - Huyền thoại và hiện thực..."
Nhà sử học Ruscio cho biết khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945, Người đã kết hợp thành công sức mạnh của lòng yêu nước và khát vọng của nhân dân mong muốn thoát khỏi chế độ thực dân Pháp, đồng thời cũng là khát vọng xã hội trong đó chủ nghĩa xã hội là hiện thân.
Để làm được điều này, Người đã thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh, do những người cộng sản lãnh đạo, trong đó đi đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh...
Theo ông Ruscio, điều này đã mở ra một hướng đi đúng cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, thể hiện tư duy chính trị vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là gắn kết toàn dân tộc với cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, đồng thời cũng là giải phóng xã hội.
Ông Ruscio cho rằng hướng đi này tạo nên nét đặc trưng của Việt Nam, không giống như ở các nước khác như Ấn Độ, Indonesia hay Myanmar.
Theo ông Ruscio, chính quyền Pháp khi đó lúc đầu nghĩ rằng họ có thể đè bẹp phong trào giành độc lập của Việt Nam. Nhưng họ đã không ngờ phải đối mặt với một lực lượng đông đảo người dân Việt Nam ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập, do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng.
Từ đó, thực dân Pháp đã lún sâu vào những thất bại ngày càng lớn hơn, bắt đầu từ Chiến dịch biên giới Thu Đông 1950, và kết thúc bằng Điện Biên Phủ. Hành trình này cũng không hề dễ dàng đối với quân và dân Việt Nam khi phải đối mặt với một quân đội Pháp rất hiện đại và hùng mạnh, lúc bấy giờ được Mỹ hỗ trợ.
Theo ông Ruscio, cùng với sự ủng hộ từ các nước xã hội chủ nghĩa, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 là chiến thắng của nhân dân Việt Nam, được dẫn dắt bởi tầm nhìn xa về chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đánh giá về ý nghĩa quốc tế của Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà sử học Ruscio cho rằng sự kiện có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào giải phóng thuộc địa trên thế giới.
Ông cho biết vào thời điểm đó, cuộc chiến tranh Đông Dương được cả thế giới theo dõi. Đó không phải chỉ đơn thuần là cuộc chiến giữa Pháp và Việt Nam mà là một cuộc chiến mang tầm quốc tế.
Ở các thuộc địa của Pháp như Madagascar, Algeria, Tunisia, Maroc, châu Phi, cuộc đấu tranh ở Việt Nam cũng được theo dõi rất chặt chẽ. Họ quan sát cuộc chiến này với niềm hy vọng rằng quân Pháp sẽ bị đánh bại.
Do đó, theo ông, việc quân Pháp bị thất trận ở Điện Biên Phủ không chỉ được coi là chiến thắng của riêng Việt Nam mà còn là chiến thắng của toàn thể các dân tộc thuộc địa, mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức.
Trong bối cảnh trên thế giới hiện nay đang xảy ra nhiều cuộc xung đột, ông Ruscio khẳng định bài học từ chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị lịch sử.
Ông cho rằng đằng sau mọi cuộc chiến là các dân tộc luôn từ chối giải pháp bạo lực, do đó nếu chỉ dùng vũ lực, hay sức mạnh quân sự, thì không bao giờ có thể chiến thắng.
Ông nhấn mạnh: "Điện Biên Phủ vẫn có ý nghĩa lịch sử thời đại khi nói rằng một dân tộc đoàn kết, một dân tộc không chịu áp bức sẽ luôn tìm được đường đi, dù có thể gặp nhiều khó khăn, trở ngại."
Cũng theo ông Ruscio, trong thời kỳ thuộc địa, vẫn luôn có những người Pháp đứng lên chống lại chế độ thuộc địa và chống lại những hành vi áp bức đối với nhân dân Việt Nam, và cả với nhân dân Campuchia và Lào.
Đơn cử có thể kể đến Gabriel Péri, nghị sỹ Đảng Cộng sản Pháp, tới Việt Nam năm 1934 để bày tỏ phản đối chiến tranh tại Việt Nam, nhà báo Andrée Viollis, Romain Rolland, Henri Barbusse, người đã thành lập Ủy ban Bảo vệ Tù nhân Đông Dương...
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, nhiều người Pháp đã bày tỏ phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam.
Năm 1966, Tướng de Gaulle tại Phnom Penh đã tố cáo sự can thiệp của Mỹ vào khu vực này và nói rằng người Mỹ sẽ không bao giờ thành công trong việc khiến người dân Đông Dương phải khuất phục.
Nhà sử học Ruscio cho rằng tất cả những điều này đã tạo nên mối quan hệ rất đặc biệt giữa Pháp và Việt Nam sau 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ./.
Đợt tiến công kéo dài 30 ngày (từ 30/3/1954-30/4/1954), là trận đánh có quy mô lớn nhất, dai dẳng, kéo dài nhất, ác liệt nhất giữa ta và địch.
Nguồn bài viết : XSMB