2025-01-17 20:17:26

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1569/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là một bước đi quan trọng trong việc phát triển Hà Nội trở thành một Thủ đô hiện đại, văn minh, hội nhập quốc tế sâu rộng và đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

Tầm nhìn mới - Hành động Hà Nội

Theo Quyết định, diện tích tự nhiên của Hà Nội được quy hoạch là 3.359,84km2, với mục tiêu xây dựng một Thủ đô không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa, mà còn là động lực phát triển của cả nước.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập với "tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội," tạo ra những "cơ hội mới - giá trị mới" để phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" trong ngắn hạn và dài hạn, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Quan điểm cốt lõi của quy hoạch là "con người là trung tâm của sự phát triển," với hình ảnh Thủ đô Hà Nội được định hình: "Thủ đô văn hiến - kết nối toàn cầu thanh lịch hào hoa - phát triển hài hòa - thanh bình thịnh vượng - chính quyền phục vụ - doanh nghiệp cống hiến - xã hội niềm tin - người dân hạnh phúc."

Quy hoạch phát triển Hà Nội: Trung tâm động lực vùng Đồng bằng sông Hồng

Một trong những điểm nổi bật trong Quy hoạch là xác định Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng. Quy hoạch này không chỉ dựa vào thế mạnh hiện tại của Hà Nội mà còn khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô theo hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại,” trở thành một thành phố xanh, thông minh và có chất lượng sống cao, ngang tầm với các Thủ đô phát triển trong khu vực và thế giới.

Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình kết cấu không gian hợp lý, với các hành lang kinh tế, vành đai kinh tế, các trục phát triển kết hợp với hệ thống giao thông hiện đại và đồng bộ.

Quy hoạch đề xuất phát triển các mô hình đô thị mới như đô thị thông minh, đô thị khoa học công nghệ, đô thị sân bay, đô thị du lịch... nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn 2050

Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ là một Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại," hội tụ tinh hoa văn hóa, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm các Thủ đô của các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hà Nội sẽ là cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng, là trung tâm kinh tế, tài chính lớn; trung tâm giáo dục, y tế, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.

Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ là một Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại." (Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN)

Tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội là thành phố toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng, xứng tầm đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới; là nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến. Người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.

GRDP bình quân đầu người khoảng 45.000-46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80-85%.

Các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định năm nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: bảo vệ môi trường và cảnh quan; phát triển đô thị và nông thôn; phát triển kinh tế; phát triển văn hóa-xã hội và phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để đạt được những mục tiêu trên, Hà Nội sẽ thực hiện bốn khâu đột phá chiến lược:

1. Thể chế và quản trị: Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản lý, cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong các quyết định.

2. Hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối: Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, kết nối tốt hơn giữa Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước và quốc tế.

3. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và tài nguyên nhân văn: Đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là các ngành nghề, lĩnh vực mũi nhọn.

4. Đô thị, môi trường và cảnh quan: Tạo ra một môi trường sống xanh, sạch, đẹp, bảo vệ thiên nhiên và phát triển bền vững.

Mô hình phát triển không gian đô thị và các trục động lực

Một điểm nổi bật trong Quy hoạch Thủ đô là việc hình thành 5 không gian phát triển, bao gồm không gian công cộng, không gian trên cao, không gian ngầm, không gian văn hóa sáng tạo và không gian số.

Các không gian này sẽ được phát triển hài hòa để đáp ứng nhu cầu sống, làm việc và sáng tạo của cộng đồng.

Quy hoạch cũng xác định 5 hành lang và vành đai kinh tế, với các tuyến hành lang kinh tế được phát triển trên cơ sở các tuyến hành lang trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Các 5 trục động lực phát triển sẽ được triển khai dọc theo các khu vực quan trọng như Sông Hồng, Hồ Tây-Cổ Loa, Nhật Tân-Nội Bài, Hồ Tây-Ba Vì và khu vực phía Nam của Hà Nội.

Các 5 vùng đô thị sẽ được tổ chức theo mô hình chùm đô thị, trong đó, khu vực nội đô lịch sử, khu vực đô thị trung tâm, và các khu vực ven đô sẽ đồng thời phát triển.

Phát triển không gian đô thị kết hợp chặt chẽ với việc sử dụng an toàn và hiệu quả không gian ngầm, bảo đảm sử dụng tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng.

Bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang khu vực nội đô lịch sử, khu vực thành cổ Sơn Tây, các khu phố cổ, phố cũ gắn với các công trình kiến trúc có giá trị nhằm khai thác, phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử phục vụ phát triển dịch vụ, du lịch bền vững.

Rà soát, lên phương án cải tạo, chỉnh trang các khu chung cư cũ, các khu nhà ở thấp tầng tự xây trong khu vực nội đô thành các khu đô thị mới hiện đại có dịch vụ đồng bộ, môi trường sống văn minh.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội), tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Phát triển mô hình đô thị TOD - mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng - tại các khu vực có ga đường sắt để mở rộng không gian phát triển, tạo lập không gian sống tiện ích, hiện đại, có hạ tầng dịch vụ đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Hình thành mô hình thành phố trong Thủ đô để tạo các cực tăng trưởng, động lực phát triển mới, thúc đẩy sự phát triển lan tỏa và hài hòa giữa đô thị và nông thôn, tạo lập thể chế đặc thù để khai thác tiềm năng, lợi thế riêng có tại mỗi khu vực.

Hệ thống đô thị Thủ đô Hà Nội được tổ chức theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm, các trục đô thị hướng tâm, các thành phố trong Thủ đô. Khu vực nông thôn được tổ chức theo 3 mô hình tiêu biểu; mô hình truyền thống, không nằm trong vùng đô thị hóa; mô hình nông thôn nằm trong vùng đô thị hóa và mô hình nông thôn làng cổ, làng nghề.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng gồm phương án phát triển các khu chức năng, phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện, phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh hoạt, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các giải pháp thực hiện và giám sát

Để đảm bảo triển khai Quy hoạch hiệu quả, Hà Nội sẽ áp dụng các giải pháp như huy động và sử dụng vốn đầu tư hợp lý, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ, và cơ chế chính sách liên kết phát triển.

Quy hoạch cũng đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường, cải tạo đô thị, phát triển nông thôn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một căn cứ quan trọng để triển khai các kế hoạch phát triển đô thị, nông thôn và các ngành nghề khác tại Hà Nội.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành, với kỳ vọng tạo ra những thay đổi sâu rộng, đưa Hà Nội trở thành một thành phố đáng sống, sáng tạo và phát triển bền vững trong tương lai./.

Kết luận của Bộ Chính trị về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội

Đại tướng Lương Cường đã ký ban hành Kết luận số 80-KL/TW về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến 2065.

(Vietnam+)

Nguồn bài viết : SOI CẦU XỔ SỐ

Top