Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) về các chính sách thúc đẩy, triển khai liên kết vùng.
Văn bản cho biết thời gian qua Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy, triển khai liên kết vùng, kết quả ban đầu đã mang lại với nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể, về khung khổ pháp lý, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định về: Thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020 (Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25/6/2015); Thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020 (Quyết định số 2059/QĐ-TTg ngày 24/11/2015); Quy chế tổ chức hoạt động và phối hợp của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020 (Quyết định số 2360/QĐ-TTg ngày 22/12/2015).
Gần đây, Luật Quy hoạch đã được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 4 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019, theo đó quy hoạch vùng sẽ được lập để phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.
Trên cơ sở bộ máy hoạt động được thành lập, các vùng đã chủ động lên kế hoạch điều phối cho từng vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và đang triển khai kế hoạch này hàng năm.
Các vùng đã có các hoạt động thiết thực, phối hợp cùng nhau trong phát triển kinh tế, xã hội cụ thể: phối hợp lập danh sách các dự án ưu tiên đầu tư có tính liên vùng (vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc); tổ chức các hội thảo về vấn đề liên kết hậu cần của vùng, liên kết các khu công nghiệp, khu kinh tế (vùng kinh tế trọng điểm miền Trung); thành lập các tổ điều phối chuyên đề cấp vùng (vùng kinh tế trọng điểm phía Nam); thống nhất thông qua kế hoạch liên kết phối hợp toàn vùng giai đoạn 2016-2020 (vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long).
[Tám nhiệm vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long]
Thông qua các hoạt động trên, các vùng và các địa phương đã nâng cao nhận thức rõ rệt về vai trò của liên kết vùng trong phát triển kinh tế-xã hội.
Về thí điểm liên kết vùng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016 về Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2220/QĐ-TTg ngày 17/11/2016 về kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016.
Hiện nay, các địa phương và các bộ, ngành đang tích cực triển khai, xây dựng và ban hành kế hoạch hành động để thực hiện các nhiệm vụ được giao để thực hiện liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể trên các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, sản xuất, liên kết ứng phó với biến đổi khí hậu, xúc tiến đầu tư.
Vấn đề về quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 29/4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long” với tổng mức đầu tư là 384,979 triệu USD, vay vốn Ngân hàng Thế giới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao thực hiện “Đề án phát triển tổng thể kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long” nằm trong Hợp phần 1 của Dự án với tổng mức vốn đầu tư của Tiểu dự án 6 là 10,5 triệu USD.
Thông qua đề án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức lập Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030 theo phương pháp tích hợp đa ngành.
Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới sẽ tạo ra một khung chiến lược toàn diện cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, làm cơ sở để triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất cũng như việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.
Thời gian hoàn thành quy hoạch theo phương pháp tích hợp đa ngành vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến trong năm 2019.
Trên cơ sở kết quả của Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 26-27/9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nghị quyết đã đề cập khá toàn diện các vấn đề mang tính chiến lược, căn bản, lâu dài đối với phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, đưa ra các giải pháp tổng thể về quy hoạch, tổ chức không gian, cơ cấu kinh tế, liên kết vùng và huy động nguồn lực cho phát triển, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.
Nghị quyết này là cơ sở pháp lý để các bộ, ngành cụ thể hóa bằng kế hoạch hành động cụ thể, giúp việc liên kết Vùng được triển khai hiệu quả và thực chất hơn.
Ngoài ra, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xây dựng Nghị định về phát triển vùng kinh tế động lực (theo Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1/11/2016 và Nghị quyết Quốc hội số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016).
Nghị định này sẽ tạo thêm cơ chế cho các vùng có điều kiện, lợi thế đặc thù để phát triển kinh tế vùng và thực hiện liên kết vùng./.
Nguồn bài viết : Thống kê giải đặc biệt theo năm