Vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào |
Kiều bào tại đất nước Triệu Voi ghi nhớ công ơn Vua Hùng |
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là Chanthakhammany Phouttavan, cô SV ngành Kế toán, Trường đại học Quảng Bình (ĐHQB) sẽ kết thúc khóa học tập trên đất Quảng Bình. Những ngày này, dù khá bận rộn vì phải dành nhiều thời gian để làm khóa luận tốt nghiệp, nhưng khi tôi liên lạc hẹn gặp, Phouttavan vui vẻ nhận lời ngay.
Đã có 5 năm sinh sống và học tập trên đất Quảng Bình nên tiếng Việt của Phouttavan rất sành sỏi. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Phouttavan kể về chuyện học tập, sinh hoạt tại Quảng Bình. Phouttavan chia sẻ: “Ngày đầu đặt chân đến Quảng Bình, mọi thứ với em đều lạ lẫm, trong khi vốn tiếng Việt chỉ là con số “0”. Tuy nhiên, sau 1 năm được học tiếng Việt, được sự dạy bảo của các thầy cô và sự giúp đỡ tận tình của các bạn SV người Việt Nam, tiếng Việt của em đã ngày càng tốt hơn”.
Sinh viên Lào đang học tập tại Trường đại học Quảng Bình. |
Trong khi đó, Vilaysane Dodo, một nam SV đến từ Thủ đô Viêng Chăn, mặc dù đang học năm thứ 2 ngành Quản trị kinh doanh tại Trường ĐHQB nhưng đã giành được giải khuyến khích tại cuộc thi hùng biện tiếng Việt dành cho lưu học sinh nước ngoài năm 2023 tại khu vực miền Trung. Dodo cho biết, sở dĩ tiếng Việt của em tốt như vậy, ngoài sự dạy dỗ của thầy cô thì các bạn SV người Việt Nam đã giúp em rất nhiều.
Dodo hiện Phó Chủ tịch Hội SV Lào của Trường ĐHQB. Vì vậy, tất cả các cuộc giao lưu của SV ĐHQB với các trường bạn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, Dodo và các bạn SV Lào đều nhiệt tình tham gia. Qua các cuộc giao lưu đó, các du học sinh, SV Lào không chỉ được tiếp cận nhanh hơn với tiếng Việt mà còn được kết bạn, giao lưu, chia sẻ với nhau trong cuộc sống, học tập.
Dodo tâm sự: “Ở Trường ĐHQB, cũng giống như em, các bạn SV Lào đều may mắn được quen biết và chơi thân với nhiều bạn Việt Nam. Và các bạn Việt Nam đã giúp đỡ chúng em rất nhiều trong học tập và sinh hoạt. Các em còn có cơ hội được bạn mời về nhà cùng ăn cơm, trò chuyện với gia đình các bạn... Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên được”.
Cả Phouttavan và Dodo đều chia sẻ: “Những năm học tập ở Quảng Bình, du học sinh và SV Lào đã được sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo tỉnh, sự dạy dỗ, trao truyền kiến thức của các thầy cô và sự giúp đỡ tận tình của các bạn người Việt Nam. Khi ra trường, trở về nước, các em sẽ sử dụng tất cả kiến thức học được để làm việc, góp phần giúp gia đình, xây dựng quê hương và đất nước Lào ngày càng phồn vinh. Đó cũng là cách để các du học sinh và SV Lào cảm ơn mảnh đất và con người Quảng Bình đã giúp đỡ, cưu mang”.
Khounvongsa Nilatda, cô SV năm thứ 3 khoa Ngôn ngữ Anh, Trường ĐHQB hiện đang Chủ tịch Hội SV Lào tại Trường ĐHQB. Nilatda chia sẻ, bản thân mình rất thích được gặp gỡ, giao lưu với các thầy cô, các bạn SV Việt Nam và cả người dân địa phương. Bởi người Việt Nam gần gũi, vui vẻ, hòa đồng và luôn giúp đỡ mọi người.
“Những năm qua, tỉnh Quảng Bình và các tỉnh của nước bạn Lào đã có những chương trình hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trên tất cả các mặt. Trong đó, đặc biệt đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo. Tỉnh Quảng Bình đang tiếp nhận nhiều hơn các cán bộ, SV Lào đến học tập, trong đó có cán bộ, SV đến từ các tỉnh Khăm Muồn, Sạ-vẳn-na-khệt, Chăm-pa-sắc, Sả-lạ-văn và Xay-sổm-bun. Hiện tại, có hơn 220 cán bộ, SV Lào đang học tại các cơ sở đào tạo của tỉnh”, Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Thị Hương Giang cho biết. |
“Em thấy môi trường ở đây rất tốt, an ninh trật tự bảo đảm, con người lại gần gũi nên những lúc rảnh rỗi, chúng em thường cùng bạn bè đi dạo, mua sắm, ăn uống… Những lúc như vậy, chúng em có cơ hội được gặp, nói chuyện và hiểu thêm về văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng nên rất thú vị. Còn trong các cuộc gặp gỡ giao lưu với các trường bạn và các cơ quan ở tỉnh Quảng Bình, bằng các tiết mục văn hóa, văn nghệ như múa lăm vông, phon, bắt sa lốp… các em cũng mong muốn đưa một phần văn hóa Lào đến với các bạn Việt Nam”, Nilatda chia sẻ.
Đam mê ngành Y học và theo đuổi ước mơ được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, các bạn trẻ Phayavongxay Khamsouk, Phonetheva Souksavanh và Pongkhamhapy Bounny đã chọn Trường cao đẳng Y tế Quảng Bình để học tập. Sự bất đồng ngôn ngữ, lượng kiến thức “khổng lồ” và đặc thù của khối ngành Y tế thật sự là một điều không hề dễ dàng đối với các em. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Ban Giám hiệu nhà trường cùng các thầy cô giáo và các bạn SV Việt Nam, các em đang nỗ lực học tập từng ngày để mang kiến thức y học về phục vụ đất nước trong tương lai.
Theo lãnh đạo Trường ĐHQB và Trường cao đẳng Y tế Quảng Bình, đối với du học sinh, SV Lào, các trường luôn dành sự quan tâm đặc biệt, tạo dựng môi trường tốt nhất, thuận lợi nhất để các em học tập, sinh sống. Khi học tập ở trường, ngoài việc truyền dạy kiến thức, nhà trường còn tạo điều kiện để tham gia các hoạt động xã hội, giao lưu văn hóa văn nghệ, tình nguyện vì cộng đồng. Cùng với SV Việt Nam, nhiều bạn SV Lào đã trở thành những hạt nhân văn nghệ của trường, đi đầu trong các phong trào hiến máu tình nguyện…
Bởi lẽ, với các du học sinh, SV Lào, ngoài nhiệm vụ học tập để có kiến thức phục vụ cho bản thân, xây dựng đất nước Lào ngày càng phồn vinh, các em còn có một sứ mệnh hết sức thiêng liêng, đó là “cầu nối”, góp phần giữ gìn và vun đắp tình hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào nói chung và giữa tỉnh Quảng Bình với các tỉnh của nước bạn Lào nói riêng.
Bình Định xây dựng hai công trình hữu nghị tặng Salavan và Sekong (Lào) |
Đại sứ Lào tại Việt Nam dâng hương, trồng cây hoa Chămpa tại Đền thờ công chúa Nhồi Hoa |
Nguồn bài viết : Bảng đặc biệt năm 2024