Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 23/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng trên cơ sở bám sát vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 6 nhóm chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất và được Quốc hội thông qua; nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật số 69/2014/QH13.
Đồng thời, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp; đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước (chủ sở hữu).
Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước tương xứng với nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế; huy động và phát huy hết các nguồn lực của khu vực kinh tế Nhà nước nói chung, doanh nghiệp Nhà nước nói riêng cho phát triển kinh tế-xã hội.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, khắc phục các hạn chế trong thực thi pháp luật hiện hành. Luật sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, ưu đãi cho ngành công nghiệp công nghệ số, kế thừa các quy định phù hợp và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Dự thảo bao gồm 8 chương và 73 điều, quy định những nội dung cơ bản, cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số.
Chiều 23/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023;” biểu quyết thông qua Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)./.
Ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Nguồn bài viết : CHUYỆN BÓNG ĐÁ