Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người bạn đáng kính và rất đáng quý đối với những sinh viên khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Dù ở cương vị lãnh đạo đứng đầu Đảng, Nhà nước, song ông luôn giản dị, gần gũi, tình cảm và rất chu đáo.
Đó là chia sẻ của Nhà báo, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, từng là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam, khi nói về người bạn học cùng lớp Văn khóa VIII, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Không giấu được nỗi buồn sâu lắng khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần, ông Chu Chí Thành xúc động kể lại những kỷ niệm thời thanh xuân cùng học lớp Văn Khóa VIII, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (niên khóa 1963-1967). Với tư cách bạn học của Tổng Bí thư, ông rất tự hào vì lớp là một tập thể toàn thanh niên trẻ tuổi rất mơ mộng, nhưng rất lý tưởng, sẵn sàng lao vào cuộc chiến đấu, dù là cầm bút hay máy ảnh.
Sự gần gũi quan tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khiến người dân xúc động, tăng thêm lòng đoàn kết và sự tin yêu của dân với Đảng.
Nhắc lại thời đi học, ông vẫn nhớ từng người bạn của lớp, trong đó bạn Trọng ở tổ văn học Việt Nam, còn ông học văn học Trung Quốc, những bạn khác thì học tổ Nga Xô Viết hay Văn học phương Tây. Mặc dù lớp sinh hoạt chung ít sinh hoạt theo từng tổ thì nhiều, tuy nhiên, cả lớp rất quan tâm đến nhau.
Trong tâm trí ông, bạn Trọng có dáng người nhỏ nhắn, trắng trẻo, nụ cười hiền hậu và rất hòa đồng. Đặc biệt, những năm sơ tán trên Đại Từ (Thái Nguyên), giữa hai người lại gần nhau nhiều hơn, được ở chung cùng gia đình với bà con nông dân, cùng nhau đi chặt nứa, chặt tre, xây dựng trường sở và ngồi học với nhau trên các khúc tre, nứa tròn, rất nhiều kỷ niệm.
“Lúc đó, bạn Trọng làm công tác Đoàn cho nên mọi người đều biết, đặc biệt các học viên cao tuổi hơn (được cử đi học) đều rất quan tâm đến lớp trẻ chúng tôi và muốn đào tạo trở thành những đảng viên, nhà báo hay những nhà văn hóa, nhà thơ nhà văn giỏi. Do vậy, các anh đã chú ý đến Nguyễn Phú Trọng và đã kết nạp anh Trọng vào Đảng năm cuối cùng (năm thứ 4), còn bọn tôi hăng hái và khỏe mạnh hơn được chọn đi chiến trường, năm thứ 3 đã làm đề án tốt nghiệp rồi,” ông nhớ lại.
Cũng trong năm đó, hơn 10 người được chọn về Thông tấn xã Việt Nam, 10 người khác về Đài Tiếng nói Việt Nam và một số nữa đi vào các bộ phận khác để chuẩn bị đi B (chiến trường miền Nam).
“Hồi đó nói đi B là háo hức lắm. Mặc dù các anh đi trước đã có hy sinh nhưng chúng tôi không ngại và coi đó là chuyện đương nhiên-nếu không may, không ai muốn, nhưng khát khao chiến đấu và làm việc luôn thôi thúc chúng tôi,” ông kể.
Ông cho biết ra trường, anh Trọng được làm tại Tạp chí Cộng sản, làm biên tập viên rồi dần dần là người phụ trách của Tạp chí, đấy cũng là bước tiến của một nhà báo. “Khi họp lớp (từ năm 90 trở đi) kinh tế đất nước cũng bắt đầu khá hơn, chúng tôi muốn tìm lại với nhau, gần như sau Tết nào chúng tôi cũng gặp nhau và nhiều lần tổ chức tại Thông tấn xã Việt Nam,” ông nói.
Khi còn làm Chủ tịch Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam (2006-2009), tiếp quản công việc từ đồng chí Hoàng Tư Trai rồi đến đồng chí Lê Phức, việc có ý nghĩa và mong muốn lớn nhất của các cán bộ thời đó là xây dựng Trung tâm lưu trữ và triển lãm ảnh nghệ thuật Quốc gia.
Ông Thành bảo rằng Thông tấn xã Việt Nam hơn các nơi khác ở chỗ có kho báu tư liệu ảnh, nhưng kho báu đó chủ yếu là ảnh thời sự-chính trị, tức là những vấn đề “rường cột” của đất nước, nhưng còn các loại ảnh khác (chẳng hạn ảnh lịch sử trước năm 1945) thì Thông tấn xã không có, đồng thời những ảnh của công chúng ở khắp nơi cũng không có, do vậy chúng tôi muốn có một Trung tâm thuộc của Hội và tầm bao quát của nó rộng hơn, từ đó sẽ có sản phẩm ảnh phong phú giá trị về đất nước.
Vì vậy, tôi đã nghĩ ngay đến anh Nguyễn Phú Trọng-người bạn của mình đang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. “Thực ra công việc này phải xin qua con đường hành chính, tức là Ủy ban thành phố Hà Nội nhưng với ý nghĩa quan trọng của công việc nên tôi đã "gõ cửa" nhà anh Trọng, nhờ anh có ý kiến với Ủy ban thành phố cấp đât xây dựng Trung tâm lưu trữ và triển lãm ảnh nghệ thuật Quốc gia. Đề án này đã kéo dài 14 năm vẫn chưa thực hiện được.”
Với ý kiến đề xuất về kho lưu trữ ảnh về đất nước, con người và cách mạng, anh Trọng hoan nghênh, ý tưởng gặp nhau và sau hơn 1 tuần, trong tay tôi đã có giấy giới thiệu phê duyệt cấp đất của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, việc còn lại là tôi làm với Sở quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và các nhà thầu. Chỉ trong vòng 3 năm, Trung tâm hoàn thành.
Bởi vậy tôi còn “nợ” anh Trọng một lời cảm ơn, vì nếu tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh, tôi sẽ mời anh Trọng, mời Thủ tướng đến dự khai trương. và cảm ơn sự quan tâm của Đảng và nhà nước.
Kể đến đây, giọng ông chùng xuống, "chúng tôi tâm niệm, đây không phải là công trình bình thường mà là công trình tâm linh của đất nước, vì ảnh của chúng ta là ảnh về nhân dân, về những người, chiến sỹ, những thanh niên xung phong, những cán bộ (có người đã hy sinh), có người còn sống, có người chụp rồi sau đó hy sinh và nó còn là mồ hôi nước mắt, xương máu của những người cầm máy nữa."
Ấn tượng của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành là vào mùa Xuân năm 2011, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhậm chức Tổng Bí thư, khi đó cả lớp Văn khóa VIII gặp nhau tại số 58 phố Quán Sứ (Hà Nội), ông kể: Hôm đó rất vui chúc mừng anh Trọng và chúc mừng người thầy giáo chủ nhiệm của lớp, thầy giáo Hà Minh Đức lên lão.
Tại buổi họp lớp, anh Trọng có thưa gửi rất cẩn thận với thầy Hà Minh Đức, mặc dù được giữ trọng trách cao nhất của Đảng, song anh khiêm tốn nói "đó là sự rèn giũa của Đảng, sự dạy dỗ của các thầy cô, sự động viên và cổ vũ của các bạn." Ông Thành kể tiếp, anh Trọng cũng chia sẻ rất chân thành: "Trong lớp có người giỏi hơn, gian khổ hơn (đi chiến trường B, đi C) nhưng anh được cơ duyên làm chính trị đó là điều may mắn, không phải đột xuất thiên bẩm đặc biệt gì."
Lúc đó thầy Hà Minh Đức rất vui và chia sẻ: Lớp văn khóa VIII rất đặc biệt, đặc biệt vì thông thường lớp chỉ 50 người nhưng đây có tới 120 người, hơn nữa lớp đi sơ tán, các học viên tự đi chặt nứa, chặt tre về dựng bàn ghế để học, đấy cũng là đặc điểm ấn tượng không quên và điểm nữa là xa bố mẹ nhưng các sinhviên rất kỷ luật, ngoan và đặc biệt nữa là bây giờ cả lớp có Tổng Bí thư.
“Phải nói rằng, không phải chỉ chúng tôi quý mến anh Trọng mà các thầy cũng rất quý mến và đánh giá cao, rất đáng tự hào và chúng tôi không quên,” ông Chu Chí Thành xúc động nói.
Mặc dù khi ấy, bạn Trọng là người học Văn nhưng sau đổi sang làm chính trị. Vậy giữa văn chương và chính trị có mối quan hệ thế nào ở con người này? Ông Chu Chí Thành giải thích, thực ra, khi học văn trong trường, thần tượng của sinh viên là các nhà văn lớn, các nhà tư tưởng lớn.
Ông nhấn mạnh, chúng tôi ngưỡng mộ Trần Hưng Đạo với Hịch tướng sĩ; Nguyễn Trãi với Bình ngô đại cáo; Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình) với những tác phẩm thơ ca của ông; hay gần gũi hơn, là các nhà văn thời trước cách mạng trong nhóm tự lực văn đoàn, như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan hay Xuân Diệu, Chế Lan Viên, rồi đến Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi…, chúng tôi không nghĩ mình làm chính trị, cả anh Trọng cũng vậy, bởi tất cả đang học và chưa biết sẽ làm gì và ở đâu. Cuộc sống và cuộc cách mạng đã đưa chúng tôi tiến lên và anh Trọng là một trong những người sinh viên đi theo hướng làm chính trị và đã thành công.
Ấn tượng sâu sắc về người bạn học, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành chia sẻ "cái chất" chậm rãi, nhỏ nhẹ, dáng đi nhẹ nhàng (như dáng của ông Đồ hơn là dáng của những nhà hùng biện), nhưng sâu thẳm, bên trong lại rất kiên định (kiên định theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Chủ tịch Hồ Chí Minh) và cẩm nang Xây dựng Đảng của Bác Hồ và các trước tác của Bác.
Ông vẫn nhớ, khi bạn Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội đã trải lòng bằng cách nảy Kiều: “Nghĩ mình phận mỏng, cánh chuồn; Khuôn xanh biết có vuông tròn hay không?” đấy cũng là cách thể hiện bầu tâm sự của mình; còn khi họp với Ban Phòng chống tham nhũng Trung ương, bạn Trọng cũng trích một câu trong truyện Kiều, đó là: “Nghĩ mình phương diện Quốc gia. Quan trên trông xuống người ta trông vào,” việc vận dụng kiến thức của cha ông để truyền đạt ý tưởng của mình cho nhân dân, cho cán bộ là tôi thấy rất hay.
Gọi bằng từ "Anh" thân thương, ông cho biết trong lần dự Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, anh Trọng có phát biểu và băn khoăn khi chúng ta chưa có nhiều tác phẩm xứng đáng với sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Vì vậy, anh Trọng đã khuyên các văn nghệ sỹ: Phải đi theo tinh thần của Bác Hồ, lời răn của Bác Hồ, đó là: "Nay ở trong thơ nên có thép,” tức là văn học trong thời bình, cũng phải có tinh thần chiến đấu.
Không những vậy, anh Trọng cũng là người rất chăm lo đến nền văn hóa của đất nước, khi triển khai Nghị quyết của Trung ương về công tác văn hóa, văn nghệ, anh dẫn lời Bác Hồ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi.”
Câu nói của Bác Hồ rất hay, anh Trọng đã vận dụng vào thực tế ngày nay, chúng tôi thấy rất trúng: Văn hóa phải là ngọn đuốc sáng chỉ đường cho cả dân tộc, chứ không phải cho một số người.
“Phải nói rằng, Nguyễn Phú Trọng có thành công trong cương vị Tổng Bí thư (trong 13 năm), mà 13 năm của người cao tuổi bình thường là được nghỉ hưu rồi. Nhưng tới lúc cuối đời anh vẫn làm việc, vẫn kiên định, vẫn sáng suốt, vì anh biết bám vào sự chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết bám vào gương của các nhà yêu nước tiền bối. Tôi thấy người bạn của chúng tôi rất đáng kính và rất đáng quý, đáng trân trọng hơn, anh không hề quan cách, không hề xa rời thầy trò, bạn bè, luôn sống hòa đồng thực tâm, được toát ra từ bản tính con người anh-đấy là phẩm chất Nguyễn Phú Trọng,” Nhà báo, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành xúc động nói./.
Nguồn bài viết : Thể Thao