2025-01-17 20:17:20

Chiều 29/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 441/448 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,07% tổng số đại biểu Quốc hội.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 chương, 103 điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Theo Luật mới được thông qua, ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công bao gồm: quốc phòng; an ninh và trật tự, an toàn xã hội; giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; khoa học, công nghệ; y tế, dân số và gia đình; văn hóa, thông tin; phát thanh, truyền hình, thông tấn; thể dục, thể thao; bảo vệ môi trường; các hoạt động kinh tế; hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị và tổ chức chính trị-xã hội; bảo đảm xã hội; ngành, lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Luật cũng quy định 5 nguyên tắc quản lý đầu tư công là: tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư công; quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí. Đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công.

Luật nghiêm cấm quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, nghiêm cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; đưa, nhận, môi giới hối lộ; làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, nhiệm vụ, dự án; sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức.

Đối với trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật có hiệu lực thi hành, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo phân cấp tại Luật quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì Quốc hội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án./.

Quốc hội thảo luận về các dự án Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch sửa đổi

Trong phiên buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Nguồn bài viết : TK đầu

Top