Sáng 22/4, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống (23/4/1959-23/4/2024).
Tại lễ kỷ niệm, Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng nêu rõ với vai trò nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, suốt chặng đường hơn 65 năm qua, cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng luôn vững vàng trên mọi trận tuyến, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó.
Trong những chiến công, thành tích vẻ vang đó, có sự đóng góp quan trọng của hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị.
Khó đong đếm được những hy sinh, mất mát và cũng khó định lượng được ý chí, tinh thần xả thân vì nghĩa lớn của người lính biên phòng. Chỉ biết rằng đã có hàng trăm tập thể, cá nhân được phong tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, hàng ngàn thương binh, liệt sỹ đã bám trụ, chiến đấu đến viên đạn và hơi thở cuối cùng để giữ vững từng tấc đất biên cương Tổ quốc - Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh tình hình thế giới và khu vực dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, vì thế nhiệm vụ công tác Biên phòng nói chung và nhiệm vụ công tác Đảng, công tác chính trị của Bộ đội Biên phòng đặt ra những yêu cầu mới cao hơn, toàn diện hơn.
Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn đề nghị Cục Chính trị quán triệt, thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng cục Chính trị và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Bám sát yêu cầu nhiệm vụ, tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất các chủ trương, giải pháp, thực hiện tốt vai trò, chức năng công tác Đảng, công tác chính trị trong mọi hoạt động, công tác của Bộ đội Biên phòng, bảo đảm các cơ quan, đơn vị Bộ đội Biên phòng có chất lượng tổng hợp cao, lấy chất lượng chính trị làm cơ sở…
Ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 58-NQ/TW và ngày 3/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 100/NĐ hợp nhất các đơn vị công an, bộ đội làm nhiệm vụ trên các tuyến biên giới, bờ biển, giới tuyến và bảo vệ các mục tiêu nội địa thành một lực lượng có tổ chức thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở, lấy tên gọi là Công an Nhân dân Vũ trang.
Ngày 23/4/1959, với việc thành lập 4 cục, trong đó có Cục Chính trị, là các cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương đã đánh dấu sự ra đời của một lực lượng trực tiếp tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn và tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang trước đây và Bộ đội Biên phòng ngày nay.
Công tác Đảng, công tác chính trị được tiến hành đồng bộ, toàn diện, góp phần quan trọng vào việc xây dựng lực lượng Công an Nhân dân vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Với sự đóng góp quan trọng đó, trong kháng chiến chống Mỹ, toàn lực lượng Công an Nhân dân vũ trang đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, chính quyền và nhân dân các địa phương tiến hành tiễu phỉ, trừ gian, bóc gỡ hàng trăm tổ chức phản động đội lốt tôn giáo trên tuyến biển; đập tan âm mưu dùng gián điệp, biệt kích phá hoại miền Bắc.
Trên giới tuyến quân sự tạm thời, cuộc đấu tranh chính trị và pháp lý đòi đối phương tôn trọng quy chế khu phi quân sự, đảm bảo an ninh trật tự hai bên bờ sông Bến Hải; phát hiện và bắt giữ gián điệp xâm nhập sang bờ Bắc, phản động vượt tuyến vào Nam…
Giai đoạn này, Cục Chính trị cũng phối hợp với các cơ quan xây dựng các đội công tác ngoại biên dọc trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào, giúp bạn đào tạo, bồi dưỡng công an viên; huấn luyện dân quân du kích; xây dựng tổ, đội “đoàn kết sản xuất, chiến đấu," góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị trong sáng, thủy chung giữa hai dân tộc.
Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, những chiến sỹ Công an Nhân dân Vũ trang lại lập đồn, dựng trạm, đấu tranh chống kế hoạch hậu chiến của địch. Đến đầu năm 1976, đã triển khai thành lập 143 Đồn, 23 trạm dọc các tuyến biên giới, biển đảo các tỉnh phía Nam, khép kín vành đai bảo vệ chủ quyền biên cương, biển đảo của cả nước.
Trong hai cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, Cục Chính trị đã tham mưu nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, nhất là ý chí quyết tâm, tinh thần chiến đấu dũng cảm, để bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; tích cực tham mưu, kiện toàn các tổ chức đảng; bố trí lại cán bộ các đồn, trạm; chỉ đạo, hướng dẫn công tác vận động quần chúng giải quyết chống xâm canh, xâm cư, lấn chiếm biên giới; vững vàng trong nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyết liệt đấu tranh chống tội phạm để bảo vệ an ninh biên giới.
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 22-NQ/TW chuyển giao lực lượng Công an nhân dân vũ trang từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng và đổi tên thành Bộ đội Biên phòng. Cục Chính trị cũng chính thức được đổi tên thành Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng. Thời kỳ này, công tác Đảng, công tác chính trị, công tác xây dựng lực lượng và xây dựng đội ngũ cán bộ được Cục Chính trị xác định là công tác then chốt.
Cục Chính trị đã tham mưu, hướng dẫn triển khai 22 phong trào, chương trình, mô hình, sáng kiến đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, đơn vị đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh chỉ đạo, triển khai các chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như “Nâng bước em đến trường-Con nuôi Đồn Biên phòng," "Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”…, đã huy động hàng nghìn tỷ đồng giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống ở khu vực biên giới.
Đồng thời, tham mưu, triển khai nhiều hoạt động đối ngoại biên phòng như: Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, giao lưu "Biên cương thắm tình hữu nghị," "Giao lưu công tác chính trị," "Giao lưu sỹ quan trẻ”; tham mưu cho địa phương tổ chức ký kết nghĩa 218 cặp cụm dân cư hai bên biên giới… qua đó góp phần củng cố, tăng cường, phát triển tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác giữa lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới và nhân dân hai bên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển./.
Những người lính biên phòng luôn chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên để người dân yên tâm phát triển kinh tế.
Nguồn bài viết : sicbo