Điều đáng nói, không chỉ một lần mà gia hạn nhiều lần, thậm chí kéo dài từ năm này qua năm khác.
Đầu tiên phải kể đến Dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế. Khởi công từ tháng 8/2015, cam kết hoàn thành vào tháng 7/2018 nhưng đến nay các gói thầu mới đạt trên 80% khối lượng, kèm theo đó là tiến độ nghiệm thu và giải ngân nguồn vốn đạt thấp. Lúc đầu, dự án dự kiến kết thúc vào năm 2019 (kéo dài 1 năm) nhưng nay lại tiếp tục xin gia hạn thời gian hoàn thành đến ngày 31/12/2020, tức là chậm gần 3 năm so với dự kiến ban đầu.
Hệ lụy của sự chậm trễ này là cả thành phố như một công trường, lúc cao điểm có tới 31 điểm thi công. Người dân thành phố phải chịu cảnh nắng thì bụi, mưa thì lầy lội. Có đoạn đường chưa đầy 200m như đường Hai Bà Trưng thi công trong vòng 2 năm liền, bởi nhà thầu đào lên rồi bỏ đó. Trước bức xúc của dư luận, dự án có lúc đặt dưới sự giám sát của HĐND tỉnh để thúc đẩy tiến độ các gói thầu.
Đoàn giám sát đã chỉ ra nguyên nhân kéo dài dự án là do hầu hết các nhà thầu thi công đều hạn chế về vốn, nhân lực, phương tiện thi công không đảm bảo. Quy trình quản lý chất lượng, tiến độ trong liên danh thầu chính, thầu phụ chưa được quy định chặt chẽ. Việc điều chuyển khối lượng thực hiện do chậm tiến độ trong liên danh nhà thầu cũng không được triển khai kịp thời. Các đơn vị không chọn thi công theo lối cuốn chiếu, trong khi mật độ tham gia giao thông ở thành phố đông, gây ách tắc cục bộ ở nhiều tuyến đường. Việc tăng ca, bổ sung nhân lực triển khai thi công, nhất là thi công ban đêm đối với các tuyến đường có lưu lượng người tham gia giao thông lớn, các vị trí băng ngang đường cũng phát sinh nhiều sai sót. Nhà thầu tổ chức thi công đồng loạt ở nhiều tuyến đường nhưng lại không bố trí đủ nhân lực, máy móc hạn chế đã dẫn đến tình trạng ngổn ngang, chậm hoàn trả mặt bằng. Có tuyến thi công kéo dài hơn cả năm như đường Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Bùi Thị Xuân, Dương Văn An…
Về tiến độ thi công, đến ngày 15/7 các gói thầu đã đạt khoảng trên 80% khối lượng, tuy nhiên tiến độ nghiệm thu và giải ngân nguồn vốn đạt thấp, chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, trên một số tuyến thoát nước, khi hoàn trả mặt bằng có những nắp hố ga, họng thu nước cao hơn (hoặc thấp hơn) so với mặt đường, ảnh hưởng đến khả năng thu nước cũng như gây mất an toàn giao thông. Việc phối hợp giữa nhà thầu với chính quyền địa phương, tổ dân phố nơi thực hiện dự án chưa tốt nên việc xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các hạng mục không kịp thời....
Dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, với tổng mức đầu tư 24 tỷ Yên Nhật; trong đó 20,8 tỷ Yên là của Chính phủ Nhật Bản, phần còn lại là vốn đối ứng của phía Việt Nam. Hiện nay, khối lượng còn lại ở các gói thầu không lớn (khoảng 20%) nhưng các hạng mục thi công khó do độ sâu chôn ống lớn, giao cắt với cầu đường bộ, băng qua sông… Trong thời gian tới, Ban quản lí dự án sẽ tăng cường giám sát để yêu cầu nhà thầu điều chỉnh chi tiết tiến độ thi công và có cam kết hoàn thành; phối hợp với các địa phương để nâng cao tỷ lệ đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước chung nhằm nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý nước thải.
Đối với Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2, địa phương đã 3 lần gia hạn bàn giao mặt bằng. Lần gần đây nhất, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu UBND huyện Phú Lộc phải bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư chậm nhất trước ngày 15/7/2018. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, địa phương không thể bàn giao mặt bằng. Tại kỳ họp giữa lãnh đạo tỉnh và Ban quản lý dự án vào ngày 23/7, không bên nào đưa ra kỳ hạn bàn giao mặt bằng nữa.
Theo tìm hiểu của phóng viên đến đầu tháng 7/2018, khối lượng thực hiện hạng mục thi công cầu và đường dẫn hầm Hải Vân 2 đoạn phía Bắc thuộc địa phận Thừa Thiên - Huế mới đạt khoảng 25%, chậm khoảng 13% so với tổng tiến độ dự án đề ra. Nguyên nhân chậm bàn giao mặt bằng do một số hộ dân cản trở thi công vì cho rằng chủ đầu tư hỗ trợ đền bù chưa thỏa đáng. Trong khi dự án thi công có tới hàng trăm hộ bị ảnh hưởng do môi trường nước không đảm bảo cho việc nuôi cá lồng trên đầm Lập An, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân ở đây.
Hiện tại, chủ đầu tư đã nhận được 18/19 ha mặt bằng đạt 94,2% diện tích cần giải tỏa, di dời. Tuy nhiên hạng mục tuyến đường dẫn phía Bắc và mố A1 cầu Hải Vân 2 hiện còn vướng mặt bằng của 18 hộ dân chưa nhận tiền đền bù với lý do đề nghị kiểm đếm, phúc tra lại khối lượng giải tỏa, bồi thường và đơn giá đền bù hiện tại thấp so với thực tế. Để giải quyết vấn đề này, ngày 12/6/2018, UBND huyện Phú Lộc đã có Công văn số 2025/UBND-GPMB gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Sở Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính toán bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân. Sở Tài nguyên và Môi trường ngày 29/6/2018 cũng đã có công văn trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Khi được cấp có thẩm quyền đồng ý thì các đơn vị chức năng đã kiểm kê, sẽ xem xét và áp giá đền bù mới. Vấn đề này phải chờ quy trình, nếu nhanh cũng phải sau 20 ngày mới soát xét lại tài sản, tiến hành đền bù đầy đủ cho người dân.
Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2 có tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2016. Dự án mở rộng từ hầm lánh nạn với quy mô 4 làn xe và mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe, dự kiến toàn tuyến đưa vào khai thác vào cuối năm 2020...
Nguồn bài viết : MT Trực Tuyến