Xây dựng các đề tài khoa học thiết thực gắn với nông thôn mới | Vietnam+ (VietnamPlus)

2025-01-18 19:18:30
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu kết luận chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Ngày 6/8, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 phối hợp cùng tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2017 và định hướng giai đoạn 2018- 2020.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, nhấn mạnh chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới là một chương trình nghiên cứu, ứng dụng, đa dạng và tổng hợp liên ngành. Đây là những vấn đề đòi hỏi vừa có kiến thức kinh nghiệm, trải nghiệm vừa đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ. Thời gian qua, chương trình đã có nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các nhà quản lý, khoa học, giới chuyên môn, đồng thời yêu cầu mọi người cần phát huy hơn nữa vì sự phát triển nông thôn mới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các nhà quản lý, khoa học, giới chuyên môn... thời gian tới cần xây dựng các đề tài cụ thể, thiết thực gắn với chương trình, dự án khả thi, những tiềm năng thế mạnh của mỗi địa phương để khi triển khai ứng dụng mang lại hiệu quả cao hơn nữa...

[Sau 8 năm, cả nước đã có 3.370 xã đạt chuẩn nông thôn mới]

Trong giai đoạn 2011-2017, Chương trình khoa học công nghệ đã nhận được hơn 800 đề xuất nhiệm vụ; đã tuyển chọn, triển khai được 69 nhiệm vụ, thực hiện toàn bộ sáu nhóm nội dung được giao, thuộc nhiều chuyên ngành khoa học xã hội và khoa học công nghệ, nghiên cứu các lĩnh vực từ lý luận đến thực tiễn, từ thể chế, chính sách đến các giải pháp khoa học kỹ thuật cụ thể, xây dựng mô hình trình diễn, đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn mới.

Chương trình khoa học công nghệ đã được cấp 221 tỷ đồng, huy động nguồn ngoài nhà nước được 165 tỷ đồng, chiếm 43% tổng kinh phí thực hiện chương trình giai đoạn 1.

Giai đoạn 2011-2017 có 13 đề tài, tập trung nghiên cứu bảy nhóm vấn đề trọng tâm là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; đổi mới và hoàn thiện thể chế phát triển nông nghiệp; Đổi mới và hoàn thiện thể chế chính trị ở nông thôn; vận dụng các thể chế tự quản trong quản lý xã hội nông thôn mới; vai trò chủ thể của nông dân; bổ sung một số tiêu chí nông thôn mới; kinh nghiệm, bài học quốc tế và trong nước về xây dựng nông thôn mới...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Bên cạnh đó, chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới còn xây dựng hàng loạt mô hình trình diễn trên cơ sở ứng dụng các thành tựu, giải pháp khoa học công nghệ, như: mô hình chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang rau màu ở đồng bằng Sông Hồng tăng hiệu quả kinh tế; mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang cây ăn quả tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Mô hình chuyển đổi từ trồng lúa, ngô sang cây dược liệu tại miền núi phía Bắc tăng hiệu quả kinh tế từ 30-40 triệu đồng/ha lên 125-135 triệu đồng/ha, chương trình còn tập trung đào tạo, tập huấn cho 11.348 cán bộ kỹ thuật địa phương và nông dân. Khoảng 5.000 hộ nông dân của gần 100 xã trên địa bàn 40 tỉnh thành tham gia chương trình khoa học công nghệ được hưởng lợi.

Theo ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, trong thời gian tới việc đầu tư khoa học công nghệ vào nông thôn mới cần tập trung vào những đề tài nông nghiệp và phi nông nghiệp, không tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng như trước nữa bởi thời gian qua đã có nhiều địa phương làm tốt.

Trong giai đoạn 2, Chương trình khoa học công nghệ tập trung ưu tiên giải quyết những vấn đề lớn bằng các công trình nghiên cứu cả về cơ sở lý luận, thực tiễn, giải pháp khoa học công nghệ và triển khai các mô hình ứng dụng. Cùng với đó, phải linh hoạt đầu tư kinh phí, thời gian cho một số chủ đề cấp thiết mới, bám sát khung mục tiêu, nội dung của chương trình và chỉ đạo của Trung ương, nhu cầu thực tế từ các địa phương.

Đặc biệt, cần tăng cường cơ chế đặt hàng của Trung ương, các bộ ngành, địa phương; áp dụng cơ chế xét chọn, giao trực tiếp trong những trường hợp cần thiết để kịp thời đáp ứng yêu cầu đặc thù của xây dựng nông thôn mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : Cặp loto cùng về

Top