Diện tích trồng cây ăn quả ở Tiền Giang có xu hướng tăng mạnh | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

2025-01-18 19:36:37
Phát huy tiềm năng kinh tế vườn quả đặc sản của địa phương.
Ảnh : 
Nguyễn Minh Trí

Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, Tiền Giang khuyến khích nông dân tích cực chuyển đổi diện tích đất canh tác khó khăn, thường xuyên chịu đựng hạn – mặn, thiếu nước tưới tiêu sang lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh cao: thanh long, sầu riêng, bưởi da xanh, mãng cầu xiêm, các cây ăn quả khác.

Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương đã định hình được những vùng trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản mang lại giá trị hàng hóa lớn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu như: thanh long Chợ Gạo, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành), sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), bưởi da xanh và các cây ăn quả có múi ở các huyện vùng ngập lũ phía Tây…

Qua ghi nhận của bà con vùng chuyên canh, thời gian qua, với việc chú trọng tuyển chọn giống tốt, áp dụng các kỹ thuật thâm canh tiên tiến đặc biệt là kỹ thuật xử lý cho trái rải vụ để bán được giá cao, mỗi héc ta vườn cây ăn quả đặc sản cho lợi nhuận từ 300 triệu – 500 triệu đồng/ha. Những nông dân giỏi trồng thanh long, sầu riêng chất lượng giỏi thâm canh, trúng mùa vừa trúng giá đạt đến mức thu nhập kỷ lục hàng tỷ đồng/ha.

Đơn cử như ông Huỳnh Văn Kem, cư ngụ tại xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, có 7.000 m2 đất trồng giống sầu riêng chất lượng cao: Ri6 và Mong Thong hàng năm thu khoảng 20 tấn quả, bán giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, thu khoảng 1,4 tỷ đồng, trừ chi phí cỏn lãi không dưới 1 tỷ đồng.

Nói về hiệu quả vườn cây ăn quả đặc sản, ông Huỳnh Văn Kem cho biết, sầu riêng mang lại hiệu quả cao. Thế nhưng muốn thành công, nông dân cần phải nắm vững các yếu tố quan trọng và cần thiết: giống tốt, qui hoạch vườn cây, áp dụng kỹ thuật thâm canh và xử lý cho trái rải vụ…

Còn nông dân Lê Văn Cẩn, cư ngụ tại ấp Long Hòa, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo có 0,4 ha (4.000 m2) đất canh tác. Phần đất này trước kia là ruộng lúa, diện tích đất nhỏ hẹp, trồng lúa chi phí cao nhưng giá lúa lại thấp nên nhiều năm liền gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Đến năm 2000 ông mạnh dạn lên líp trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trung bình mỗi năm, với 4.000 m2, gia đình ông đạt sản lượng 20 tấn quả thanh long ruột trắng. Bán giá bình quân 10.000 đồng/kg, ông Lê Văn Cẩn đạt giá trị sản xuất 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng, cao gấp 4 lần trồng lúa năng suất cao. Nhờ vườn cây đặc sản, gia đình ông khấm khá hẳn lên.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 1.000 ha đất canh tác vùng khó khăn sang lập vườn trồng cây ăn quả. Hiện đang vào cao điểm mùa mưa rất thuận lợi để cải tạo đất lập vườn trồng cây ăn quả nên nhu cầu cao, giống các loại cây ăn quả có xu hướng tăng mạnh.
Minh Trí

 
Top