Mang tình cảm yêu thương của đất liền đến với Trường Sa | Vietnam+ (VietnamPlus)

2025-01-18 20:06:46
Vận chuyển hàng bằng xuồng ra nhà giàn. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Những ngày cận kề Xuân Kỷ Hợi 2019, tại Quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), ba tàu vận tải lớn mang số hiệu Trường Sa 571, Bệnh viện 561 và KN 491 vượt sóng đến thăm, chúc Tết quân và dân quần đảo Trường Sa.

Các chuyến tàu không chỉ chở hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió đón Xuân mới mà còn mang theo vô vàn tình cảm, tình yêu thương của đất liền đến Trường Sa.

Mang hơi ấm đất liền đến với lính đảo

Sau hải trình dài, ba chuyến tàu vận tải lớn đã lần lượt đến với các điểm đảo của quần đảo Trường Sa. Trên các chuyến tàu không chỉ mang theo các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm chăm lo chu tất cho đồng bào, chiến sỹ ngoài hải đảo đón một cái Tết ấm cúng, no đủ mà còn “chở” theo cả tình yêu của đất liền đến với đảo xa.

Vận chuyển hàng, quà Tết lên tàu Trường Sa 08. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Thông qua các chương trình, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” đã tiếp nhận nhiều phần quà bằng tiền mặt và hiện vật được các tổ chức, cá nhân từ khắp các vùng miền của cả nước ủng hộ, gửi ra tặng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa.

Đã có sáu lần đến với Trường Sa, ông Trần Vũ Thanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” cho biết điều kiện tự nhiên ở ngoài Trường Sa rất khắc nghiệt, chỉ có hai mùa mưa nắng, trên đảo rất thiếu nước ngọt và rau xanh, để ra phải đối diện với sóng gió lớn... tuy nhiên người dân vẫn kiên trì bám trụ. Do đó, những món quà nhu yếu phẩm tối thiểu được chuyển từ đất liền ra sẽ góp phần cải thiện cuộc sống của các cán bộ chiến và người dân nơi đầu sóng ngọn gió bớt khó khăn.

Theo ông Thanh, năm nay Câu lạc bộ tiếp nhận 3.500 phần quà của cá nhân và 100 phần quà của tập thể để chuyển đến quân dân, các cán bộ, chiến sỹ ở 33 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, 15 nhà giàn DK1 và năm tuyến đảo Tây Nam của Tổ quốc.

“Đặc biệt là món quà của Đội tuyển bóng đá Việt Nam khi đội tuyển vô địch AFF Cup 2018. Với tinh thần sức trẻ, ý trí quyết thắng, chinh phục đỉnh cao của đội tuyển, chúng tôi thấy rằng có sự đồng điệu với những người lính của Trường Sa nên đã kết nối và nhận được sự đồng thuận. Toàn thể Ban huấn luyện và các cầu thủ của đội tuyển đã ký lên năm lá cờ Tổ quốc, một chiếc áo đấu vô địch và một quả bóng để gửi đến những người lính biển,” ông Thanh chia sẻ.

Vận chuyển hàng, quà Tết lên tàu Trường Sa 08. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân trên cả nước cũng gửi nhiều phần quà hết sức ý nghĩa dành tặng cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa vui đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Đại tá Đào Giang Hải, Chính ủy Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện đảo Trường Sa, xúc động nói: “Đây là những món quà vô giá, có ý nghĩa đặc biệt nhằm cổ vũ, động viên, làm ấm lòng cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 146, quân dân, các lực lượng trên quần đảo Trường Sa và tiếp thêm sức mạnh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trường Sa luôn trong trái tim mọi người dân Việt Nam và Trường Sa luôn hiện diện trong suy nghĩ và hành động của mọi người dân Việt Nam...”

Quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo

Trên những chuyến tàu cuối năm ấy còn chở theo cán bộ, chiến sỹ ra đảo làm nhiệm vụ gìn giữ chủ quyền biển, đảo quê hương. Từ những sỹ quan dạn dày sương gió đến các chiến sỹ trẻ chuẩn bị đón cái Tết đầu tiên trên đảo đều bùi ngùi xúc động.

Niềm vui, sự vinh dự và tự hào thể hiện rạng ngời trên từng khuôn mặt và tỏ rõ quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao cũng như giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đưa đoàn công tác lên thăm nhà giàn DK1/19. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Chiến sỹ trẻ Nguyễn Văn Hóa ở Đơn vị C1, Tiểu đoàn 862, Lữ đoàn 146 tâm sự: "Đây là lần đầu tiên em nhận nhiệm vụ ở nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc nên rất hồi hộp và háo hức. Em sẽ cố gắng phấn đấu bằng sức trẻ của mình để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo mà cha ông ta đã đổ biết bao xương máu để gìn giữ."

Tương tự, chiến sỹ Trần Văn Bình (quê ở Bình Định), sau một năm được huấn luyện tại Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã sẵn sàng ra đảo. “Đợt này em ra nhận nhiệm vụ tại đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa. Dù còn nhiều bỡ ngỡ khi lần đầu tiên xa gia đình trong những ngày cận Tết Nguyên đán nhưng cảm xúc của em lúc này rất hào hứng và tự hào. Em nguyện đem sức trẻ của mình cống hiến, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ được giao, chắc tay súng để giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương,” chiến sỹ Bình quyết tâm.

Hành trang của những tân binh mang ra đảo xa, ngoài “ba lô, cây súng trên vai,” còn là khát vọng của tuổi 20 quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là nụ cười tươi tắn và tình yêu gửi lại hậu phương thân yêu của các chàng lính trẻ, đó là vòng tay yêu thương cùng lời nhắn nhủ “chân cứng đá mềm” của người thân tiễn các anh ra làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : baccarat

Top