Theo phản ánh của người nuôi cá lồng bè trên khu vực sông Chà Và, cá có hiện tượng bỏ ăn cách đây từ nhiều ngày, biểu hiện nổi đầu, dạt lưới lồng, tuột nhớt, tróc da và bắt đầu chết tại các Tiểu khu 2 và 3 – khu vực sông Chà Và. Cá chết nhiều vào các ngày 30/6 và 1/7, sau đó rải rác trên nhiều lồng nuôi, chủ yếu là cá bớp, cá chim, cá mú, cá chẽm, trọng lượng khoảng 0,6 kg đến 5 kg/con, có loại sắp đến kỳ thu hoạch. Có những hộ chết gần như 100% số cá trong lồng.
Kết quả phân tích mẫu cá chết vào ngày 30/6 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy, có 90% mẫu cá nhiễm ký sinh trùng (trùng quả dưa), ký sinh trùng này phát sinh trong nước ô nhiễm, khi gặp thời tiết bất lợi sẽ xâm nhập vào mang cá khiến cá bị nhiễm bệnh và chết. Nguyên nhân ban đầu được đánh giá là do những ngày qua thời tiết diễn biến thất thường, mưa nhiều nên lượng nước từ nhiều nơi đổ về, các yếu tố về môi trường có sự biến động như lượng oxy hòa tan, độ mặn, nước thủy triều kém không thể vào ra được, ứ đọng lại khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm.
Ngày 8/7, cá nuôi lồng bè tại khu vực Tiểu khu 4 bắt đầu xuất hiện tình trạng cá lờ đờ, bỏ ăn và chết rải rác. Nghi ngờ Hợp tác xã Vĩnh Hưng – cơ sở thực hiện đóng gói hải sản đóng chân trên địa bàn thôn 8, xã Long Sơn xả thải làm cá chết, nhiều hộ nuôi cá đã bức xúc kéo đến trụ sở của hợp tác xã này. Người dân đã tiến hành bật một số nắp hầm chứa nước ở dưới ra thì phát hiện nước bẩn, màu đen, bốc mùi hôi thối khắp cơ sở. Ngoài ra, có hệ thống ống nhựa nối thẳng từ hầm chứa nước thải ra một mương nhỏ, lúc này không có nước chảy ra. Cơ sở này cũng không thấy đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định.
Hiện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang tiếp tục phối hợp với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, Thành phố Hồ Chí Minh lấy mẫu cá chết và mẫu nước để xét nghiệm. Dự kiến kết quả sẽ có trong 1-2 ngày tới.
Trước tình hình trên, ngành chức năng khuyến cáo người dân thu gom xác cá chết đưa vào bờ tránh tình trạng vứt ra sông ảnh hưởng đến các khu vực nuôi khác. Ngoài ra, người dân cần sục khí cung cấp ô-xi cho cá, vệ sinh lưới lồng, giảm lượng thức ăn bằng cá tạp thay vào đó sử dụng thức ăn công nghiệp và bổ sung vitamin cho cá.
Được biết, ngày 22/3/2018, Hợp tác xã Vĩnh Hưng – cơ sở đóng gói các sản phẩm hải sản, ở thôn 8, xã Long Sơn, đã bị UBND thành phố Vũng Tàu ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng vì xây dựng cơ sở trái phép, buộc tháo dỡ công trình xây dựng. Tuy nhiên, Hợp tác xã Vĩnh Hưng vẫn tiếp tục hoạt động.
Trao đổi với phóng viên TTXVN về việc xử lý những sai phạm của Hợp tác xã Vĩnh Hưng, ông Hoàng Vũ Thảnh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu cho biết: Thành phố Vũng Tàu đã yêu cầu UBND xã Long Sơn trong ngày 8/7 phải thực hiện nghiêm việc đình chỉ hoạt động cơ sở này và tháo dỡ công trình xây dựng trái phép của cơ sở. UBND thành phố Vũng Tàu cũng sẽ mời chủ cơ sở đến làm việc để làm rõ phản ánh của các hộ nuôi cá lồng bè về việc cơ sở xả nước thải trực tiếp ra khu vực sông Chà Và; đồng thời sẽ xử lý nếu có vi phạm.
Nguồn bài viết : FTG Game Bài 3d