Samaki... Việt - Lào!

2025-01-17 20:15:24
Thông điệp ý nghĩa lan tỏa tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào
Lào thúc đẩy dự án đường sắt Lào - Việt

Những gương mặt vừa quen, vừa lạ

Nếu nhìn ngoại hình của Vanboualavong Seephanddone, không ai biết cậu đến từ Lào mà cứ nghĩ là người Việt Nam. Chỉ khi cậu nói chuyện bằng tiếng Việt với chất giọng trọ trẹ mới hay. Vanboualavong Seephanddone sinh năm (SN) 2001, quê tại xã Kang, TP. Pakse, tỉnh Chăm-pa-sắc, sang Việt Nam từ tháng 10/2019, sinh viên năm thứ hai, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Quảng Bình.

Câu chuyện bán sầu riêng của Vanboualavong Seephanddone là một bất ngờ lớn đối với thầy cô và bạn bè trong trường. Cuối tháng 6 vừa qua, cậu nhắn về cho bố mẹ mua sầu riêng rồi gửi qua cho mình để... tập kinh doanh. Vanboualavong Seephanddone bảo: “Bên Lào đang là mùa sầu riêng chín rộ. Sầu riêng Lào ngon tương đương sầu riêng ở Việt Nam, nhưng sầu riêng Lào có thêm mùi vị đặc trưng riêng. Em muốn giới thiệu cho người Việt Nam biết đến hương vị sầu riêng từ quê hương, đất nước mình”. “Thế bán sầu riêng lời hay lỗ rồi?”, tôi hỏi Vanboualavong Seephanddone, chàng sinh viên Lào cười hồn hậu: “Bên nhà mua 1kg sầu riêng giá 30.000 kíp, sang đây bán 65.000 đồng tiền Việt. Cũng có chút lời!”

Các bạn sinh viên Lào đang học tập tại Trường đại học Quảng Bình.

Mookdasak Koppy (SN 2001) quê quán xã Đồng Khoảng, huyện Nongbok, tỉnh Khăm Muộn, sinh viên năm thứ ba, Khoa Công nghệ thông tin. Tháng 10/2018, Mookdasak Koppy tạm biệt gia đình sang Việt Nam theo nghiệp đèn sách. Mookdasak Koppy kể: “Ban đầu mới sang, mọi thứ đều rất lạ lùng và khó khăn vì vốn tiếng Việt rất hạn chế. Sinh viên Lào chúng em phải mất một năm học tiếng Việt. Bây giờ thì mọi thứ đã ổn định. Nhiều lúc ra đường, mọi người nghĩ em là người Việt Nam”.

Ngoài thời gian học tập tại trường, Mookdasak Koppy thường hay “xê dịch”, nhất là về thăm biển, khám phá các điểm du lịch tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Mookdasak Koppy chia sẻ: “Đất nước Lào chúng em không có biển, nên sang Việt Nam, quốc gia nơi đầu sóng, em trân quý biển, cứ tranh thủ thời gian rảnh rỗi, em lại theo các bạn Việt Nam về thăm biển”.

Cô gái Phethavy Phalanysong đến từ xã Non Phay, huyện Songkhone, TP. Kaysonephomvihan, tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt. Gia đình Phethavy Phalanysong có 5 anh chị em, bố mẹ đều là giáo viên THCS. Việc định hướng cho Phethavy Phalanysong sang Việt Nam du học cũng là quyết định từ bố mẹ. “Nhưng vì em yêu Việt Nam nên vui vẻ đồng ý ngay"-cô sinh viên Lào cười duyên dáng-“Hiện tại em đang là sinh viên Khoa Nông-Lâm-Ngư nghiệp. Luôn luôn tự động viên bản thân cố gắng học tập, phấn đấu sau này trở thành một kỹ sư Nông-Lâm để trở về cống hiến cho quê hương”.

Cũng giống như các bạn sinh viên Lào khác, Phethavy Phalanysong ban đầu mới sang Việt Nam gặp rất nhiều rào cản, rào cản lớn nhất chính là vấn đề ngôn ngữ. Sau một năm chuyên tiếng Việt thì mọi thứ đã tốt dần lên. Sinh viên Lào cùng với sinh viên Việt Nam hòa đồng dưới mái nhà chung Trường đại học Quảng Bình. Phethavy Phalanysong hiện tại đang đảm nhiệm chức vụ Hội trưởng Hội sinh viên Lào tại Trường đại học Quảng Bình.

Samaki... Việt-Lào!

Theo sự hướng dẫn của cô giáo Châu Thùy Dung, công tác tại Phòng Chính trị và Quản lý sinh viên, Trường đại học Quảng Bình, tôi có trọn một buổi chiều ngồi trò chuyện với các bạn sinh viên Lào trên đất Quảng Bình.

Theo học tại Trường đại học Quảng Bình có 151 sinh viên Lào, trong đó có 11 cán bộ nhà nước. Mới đây nhất, vào ngày 30/6/2022, đã có 28 sinh viên Lào tốt nghiệp ra trường.

Buổi chiều, phần lớn sinh viên Lào đều lên giảng đường, chỉ có các bạn học năm hai, năm ba mới ở nhà, chuẩn bị hành trang để về quê nghỉ hè. Tôi đã gặp Vanboualavong Seephanddone, Mookdasak Koppy; trò chuyện với hai “bông hoa Chămpa” Phethavy Phalanysong và Khounvongsa Nilatda. “Samaki Việt-Lào!”, Phethavy Phalanysong cùng các bạn sinh viên Lào chào tôi. “Samaki Lào-Việt!”, tôi chào lại các bạn. Samaki-lời chào đoàn kết, nghĩa tình anh em một nhà như lời Bác Hồ dạy: “Việt-Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Sinh viên Lào tham gia gói bánh chưng mừng Tết cổ truyền Việt Nam năm 2022.

Cô giáo Châu Thùy Dung, một người rất giỏi tiếng Lào, công tác chuyên môn hàng ngày giúp cô gần gũi, thân thiết với sinh viên Lào. Châu Thùy Dung chia sẻ: “Các bạn sinh viên Lào sang Việt Nam học tại Trường đại học Quảng Bình, năm đầu tiên phải chuyên về tiếng Việt, sau đó các bạn lựa chọn các chuyên ngành phù hợp với năng lực của mình và nhu cầu nơi quê hương các bạn đang cần. Phần lớn sinh viên Lào đăng ký học chuyên ngành tại trường; nhiều bạn chọn ngành Y tại Trường cao đẳng Y tế Quảng Bình. Chế độ, chính sách dành cho sinh viên Lào theo quy định, thỏa thuận giữa hai nước Việt Nam-Lào. Ngoài ra, sinh viên Lào học tại Trường đại học Quảng Bình, tỉnh Quảng Bình và nhà trường còn có các chính sách, chế độ ưu đãi thêm”.

Phethavy Phalanysong kể: “Ban đầu sang Việt Nam, các món ăn Việt Nam rất ngon, nhưng không cay. Người Lào thường hay ăn cay, vì thế chúng em quyết định tự đi chợ và tổ chức bếp ăn tại ký túc xá. Đi chợ, người bán biết chúng em là sinh viên Lào, nên thường cho thêm. Vui lắm! Bà con cứ nhìn em mà cười rồi kháo nhau “Chúng nó như con cái của mình, đi học xa nhà thường thiếu thốn trăm bề. Giúp chi được cho các cháu thì giúp”. Đến nay, phần lớn sinh viên Lào từ năm thứ hai trở đi đều xem Quảng Bình như quê hương thứ hai”.

Khounvongsa Nilatda tiếp chuyện: “Vui và hạnh phúc nhất là vào các dịp Tết cổ truyền Lào, Quốc khánh Lào và Tết cổ truyền Việt Nam, sinh viên Lào chúng em không về được, nhà trường và các bạn sinh viên Việt Nam tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, tặng quà. Nỗi nhớ quê hương nhờ đó vơi đi, hạnh phúc nhân lên bội phần”.

Kỳ nghỉ hè của sinh viên Lào bắt đầu từ tháng 6 đến cuối tháng 8, sau đó sẽ trở lại Việt Nam chuẩn bị bước vào năm học mới. Tôi bắt tay Khounvongsa Nilatda, Phethavy Phalanysong, Vanboualavong Seephanddone, Mookdasak Koppy, chúc các bạn có một kỳ nghỉ hè vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình nơi quê hương. Các bạn Lào chắp tay trước ngực, thân ái tạm biệt: “Samaki Việt- Lào!”.

Tổ chức Ngày hội giao lưu "Thắm tình hữu nghị - Hướng tới tương lai" vào tháng 9/2022
Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III với chủ đề “Thắm tình hữu nghị - Hướng tới tương lai" sẽ diễn ra trong 3 ngày tại tỉnh Điện Biên vào tháng 9/2022. Đây là sự kiện văn hóa, chính trị lớn, hướng tới kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022) và 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2022).
Tiếp tục vun đắp mối quan hệ vĩ đại Việt Nam - Lào
Ngày 10/6, tại Nhà Quốc hội, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Lào đã tổ chức họp mặt các thành viên Nhóm nhằm thông báo kết quả hoạt động thời gian qua, trao đổi về định hướng hoạt động toàn khóa và kế hoạch hoạt động năm 2022.

Nguồn bài viết : Thể thao

Top