2025-01-17 20:17:23
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu

Theo ông Đặng Đình Thoảng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Nam, Điều 5 của Quy định 144 đã nêu rõ, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong công tác và sinh hoạt, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp ủy gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng.

Đây là điểm mới của Quy định 144 so với trước đây, quy định rõ hơn trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Do vậy, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu luôn phải học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức, tác phong làm việc, tránh đùn đẩy trách nhiệm, chủ động tích cực tham mưu, giải quyết các vấn đề vướng mắc trong công việc.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, hành động vì lợi ích chung; phát huy tốt những tố chất của một thủ lĩnh chính trị để dẫn dắt tập thể cùng đồng lòng hành động đạt được những mục tiêu đã đề ra, hoàn thành tốt nhiệm vụ trước Đảng, trước nhân dân.

Để chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, một trong những nhiệm vụ quan trọng là lựa chọn nhân sự cho cấp ủy khóa mới. Việc lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch, giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới là rất quan trọng. Do vậy, xem xét, đánh giá cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu để chọn lựa được những cán bộ vừa có đức, vừa có tài nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị thời gian tới sẽ tạo ra bước chuyển biến mới, tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên hiệu quả

Theo ông Nguyễn Hải Long, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Nam, Điều 3 của Quy định 144 về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là một trong những tiêu chí rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ quản lý. Trong thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các văn bản liên quan đến công tác đấu tranh, phòng chống tiêu cực đều nêu rõ việc thực hiện “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và những điều cán bộ, đảng viên không được làm.

Cán bộ, đảng viên phải trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định, tiết kiệm và hiệu quả. Không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên.

“Đây là những tiêu chí gắn liền với rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới”, ông Nguyễn Hải Long nhấn mạnh.

Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Nam cho rằng, việc thực hiện 5 tiêu chí Điều 3 của Quy định 144 sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây được coi là tiêu chí đánh giá, xếp loại đảng viên; xem xét, đánh giá lựa chọn cán bộ, đảng viên trong thực hiện công tác nhân sự.

Ông Nguyễn Hải Long cho biết thêm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Nam đang tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quán triệt, triển khai Quy định 144.

Nguồn bài viết : Bảng đặc biệt năm 2025

Top