Từ ý thức...
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, hiện mỗi ngày đơn vị chức năng của thành phố thu gom, vận chuyển và xử lý gần 9.000 tấn rác thải sinh hoạt. Đây là lượng rác thải được để đúng nơi quy định, có lực lượng thu gom thường xuyên.
Bên cạnh đó, rác thải bị vứt bừa bãi không đúng quy định ở những nơi không có đơn vị quét dọn, thu gom thường xuyên cũng chiếm khối lượng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Có thể dễ dàng nhận thấy, rác thải được vứt ở nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố, nhất là ở các khu vực công cộng, trước cổng bệnh viện.
Mỗi khi có gió lớn, rác thải bay tứ tung, tấp vào nhà dân hai bên đường, vừa gây mất mỹ quan đô thị vừa làm ô nhiễm môi trường. Rác bị vứt bừa bãi bởi nhiều đối tượng, từ những người bán hàng rong, chủ các cửa hàng kinh doanh, hộ gia đình và ngay cả người tham gia giao thông trên đường.
Chia sẻ về nguyên nhân rác thải bị vứt bừa bãi, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá, Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tình trạng xả rác bừa bãi phần lớn là do ý thức, ý thức kém cùng với thói quen tùy tiện nên nơi nào cũng bị xả rác.
Việc xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, đồng thời gây tắc nghẽn cống thoát nước khiến tình trạng ngập nước thêm trầm trọng. Để giảm tình trạng xả rác bừa bãi, các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức vệ sinh môi trường cho người dân cần được tăng cường, làm cho mọi người hiểu rằng hành vi xả rác là trái quy định pháp luật và cần siết chặt các chế tài, công tác xử lý đối với hành vi xả rác bừa bãi.
Nhằm hình thành và nhân rộng lối sống thân thiện với môi trường trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường, tháng 6/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Ngày hội sống xanh.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Với đô thị có tốc độ phát triển nhanh như Thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề xử lý rác thải là một thách thức lớn.
Ngày hội sống xanh được tổ chức hướng đến đối tượng trực tiếp là người dân thành phố quan tâm đến các vấn đề về môi trường. Mỗi người thực hiện một hành động nhỏ về môi trường sẽ góp phần tạo nên một thành phố xanh, sạch, đẹp, cải thiện môi trường sống của mọi người.
Các hoạt động bảo vệ môi trường được Sở thực hiện xuyên suốt nhằm tạo hiệu quả tích cực trong việc bảo vệ môi trường thành phố, đồng thời góp phần nâng cao ý thức của người dân về vấn đề môi trường.
Thực hiện quyết liệt hơn việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, ngày 21/10/2018 tại quận Bình Thạnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không bỏ rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và không ngập nước”.
Tại Lễ phát động này, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Cuộc vận động được thực hiện nhằm thay đổi hành vi của người dân về vệ sinh môi trường trong nhiều năm, trước mắt là thực hiện liên tục trong hai năm.
Việc thay đổi hành vi là vấn đề rất khó nhưng khi nhận thức sự cần thiết cùng với sự giám sát động viên của địa phương, cơ quan chức năng thì sau hai năm chúng tôi tin tưởng sẽ chuyển biến tích cực, tạo tiền đề thực hiện các chương trình xã hội, không những giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường mà còn chống ùn tắc giao thông.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” được tổ chức ở cấp thành phố và tại 23 quận, huyện trên địa bàn thành phố nhằm tạo sự lan tỏa và chuyển biến tích cực của người dân về bảo vệ môi trường.
Các hoạt động trong cuộc vận động từng bước tạo chuyển biến về nhận thức, hành động của toàn dân từ mỗi cá nhân, gia đình đến cộng đồng trong địa bàn dân cư về không xả rác nơi công cộng, kênh, rạch, cống thoát nước, khắc phục ô nhiễm, tình trạng ngập nước, từng bước nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân thành phố.
... đến hành động
Sự quyết liệt của Thành phố Hồ Chí Minh trong lĩnh vực môi trường đã góp phần tạo nhận thức và hành động đúng đắn của các khu dân cư, các tổ chức cũng như ở mỗi cá nhân. Người dân Phường 11, quận Gò Vấp đã hình thành thói quen tham gia dọn vệ sinh môi trường vào sáng thứ Bảy hàng tuần.
Vào thời gian quy định, người dân đem chổi, dụng cụ thu dọn rác ra trước nhà để làm vệ sinh khu vực xung quanh nhà và các tuyến hẻm trong phường.
Ủy ban nhân dân Phường 11 lập đường dây nóng để nhắn tin kêu gọi mọi người tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, hướng dẫn cách phân loại rác thải sinh hoạt, tuyên truyền không xả rác, đổ nước thải ra đường, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường trong khu vực.
Mô hình Khu phố không rác được nhân rộng ở nhiều khu phố trên địa bàn Phường 10, Quận 5 với mục tiêu nâng cao chất lượng sống tại khu dân cư. Mô hình được thực hiện bằng phương châm “15 phút mỗi ngày”, vào mỗi buổi sáng, người dân khu phố tham gia quét dọn hẻm, lề đường, phần sân trước cửa nhà, sắp xếp gọn gàng những túi rác chờ xe rác đến thu gom. Khi các tuyến đường đã sạch đẹp, gọn gàng, mọi người mới trở về nhà để lo các công việc riêng.
Bà Nguyễn Thị Giang, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu phố 1, Phường 10, Quận 5 cho biết: Chúng tôi tuyên truyền về bảo vệ môi trường đến từng hộ gia đình, lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các buổi họp khu phố, tổ dân phố.
Bên cạnh đó, khu phố tích cực phổ biến mô hình “1 biết 2”, “1 biết 3”, một người quét dọn sạch sẽ phía trước nhà, hai nhà bên cạnh, nhà đối diện sẽ làm theo. Nếu nhà nào đi vắng, người ở nhà bên cạnh sẽ quét dọn giúp, hỗ trợ qua lại cho nhau.
Các hội, nhóm trong lĩnh vực môi trường như Tổ chức Việt Nam sạch và xanh, Câu lạc bộ công viên không rác cũng thường xuyên tổ chức các buổi dọn rác thải, dọn dẹp vệ sinh môi trường ở các khu vực thường bị xả rác bừa bãi, nhất là ở khu vực công cộng, công viên, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.
Việc làm của các thành viên trong mỗi hội, nhóm, tổ chức không chỉ bảo vệ môi trường mà còn góp phần kêu gọi mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, người sáng lập Tổ chức Việt Nam sạch và xanh, để mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường cần tạo sự thay đổi về nhận thức, nhất là đối với các bạn trẻ. Việc tổ chức các hoạt động dọn dẹp, thu gom rác thải ở các khu vực công cộng sẽ dần tạo thói quen cũng như ý thức bảo vệ môi trường ở các bạn trẻ cũng như người dân.
Tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1, mỗi khi diễn ra các sự kiện, hoạt động lớn thường tập trung rất đông người, kéo theo đó là rất nhiều rác thải bị vứt bừa bãi. Trước tình trạng này, nhiều người dân, các bạn thanh niên đã tình nguyện tổ chức dọn dẹp rác thải tại các địa điểm này bằng cách mượn chổi, dụng cụ thu dọn rác và thùng rác của các nhân viên vệ sinh để cùng thu gom rác.
Sau các trận tường thuật trực tiếp bóng đá của Đội tuyển Việt Nam tại Giải vô địch Đông Nam Á năm 2018 vừa qua, hơn 30 nhân viên của Công ty An Phú (công ty chuyên kinh doanh thiết bị, sản phẩm văn phòng) đã cùng dọn dẹp rác thải mà nhiều người bỏ lại. Với túi rác và cây gắp rác trong tay, mỗi người gom gần 2 túi rác đầy sau mỗi buổi dọn dẹp.
Chị Huỳnh Châu Bảo My, nhân viên Công ty An Phú chia sẻ: Phố đi bộ là nơi nhiều người tập trung mỗi khi có các sự kiện lớn diễn ra. Do đó, mọi người trong công ty quyết định cùng nhau thu gom rác để khu vực Phố đi bộ luôn sạch, đồng thời kêu gọi mọi người nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường.
Trong đêm 31/12/2018, người dân tụ tập rất đông tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ để đón năm mới và xem pháo hoa khiến khu vực này tràn ngập rác thải. Trước tình trạng đó, một số người dân và các bạn trẻ tình nguyện hỗ trợ công nhân vệ sinh dọn dẹp rác để khu phố đi bộ được sạch sẽ trong ngày đầu năm 2019.
Ông Nguyễn Hải Cảm, người dân Quận 1, một trong những người đã tham gia dọn dẹp rác thải ở Phố đi bộ cho biết: Nhà tôi ở đường Trần Hưng Đạo, tôi thường đến Phố đi bộ trong các dịp lễ Tết. Thấy khu vực này bị xả nhiều rác thải, tôi đã cùng công nhân vệ sinh dọn dẹp để khu phố trở lại sạch đẹp. Mỗi người không xả rác hoặc cùng chung tay gom rác sau khi mỗi sự kiện kết thúc cả khu phố đi bộ sẽ không bị bừa bãi rác thải.
Cũng là người thường xuyên tham gia hỗ trợ thu gom rác thải tại Phố đi bộ, bạn Nguyễn Đình Thuận, quê ở tỉnh Đắk Lắk, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Thuận thường cùng bạn bè tập trung tại Phố đi bộ trong các dịp lễ, chương trình văn nghệ và nhận thấy mọi người xả rất nhiều rác trong khi số nhân viên vệ sinh còn ít nên công việc rất vất vả. Vì vậy, Thuận và các bạn ở lại trễ hơn một chút để hỗ trợ nhặt rác và dọn dẹp vệ sinh.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm và ngập nước, tăng cường diện tích xanh, thực hiện các dự án vệ sinh môi trường, tuyên truyền tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, các quận, huyện cần tăng cường kiểm tra, không để hình thành các bãi rác tự phát; xử phạt hành chính các đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải không đảm bảo vệ sinh môi trường; phát động mỗi khu phố có một đơn vị xung kích bảo vệ môi trường.
Sự chung tay của từng hộ dân, khu phố, địa phương và các ban, ngành sẽ góp phần giữ gìn môi trường thành phố ngày càng sạch, đẹp, trong lành.
Nguồn bài viết : XSMN hôm qua