2025-01-17 20:17:24

Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ có chuyến thăm chính thức New Zealand từ ngày 10-11/3/2024.

Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại châu Đại Dương về mục đích, ý nghĩa của chuyến thăm cũng như triển vọng quan hệ song phương.

- Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới New Zealand?

Đại sứ Nguyễn Văn Trung: Chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến New Zealand, đối tác chiến lược của Việt Nam kể từ năm 2020, và là nhà lãnh đạo chính phủ đầu tiên làm khách mời của Thủ tướng Christopher Luxon kể từ khi New Zealand có chính phủ mới.

Chuyến thăm này là bước triển khai cụ thể đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó xác định coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó New Zealand là đối tác chiến lược quan trọng.

Từ giữa năm 2022, sau đại dịch COVID-19, quan hệ hợp tác và đối tác chiến lược giữa hai nước đã có những bước phát triển rất tích cực trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, an ninh, quốc phòng và giao lưu nhân dân.

Trong chuyến thăm, hai bên sẽ trao đổi biện pháp để tổng kết Chương trình hành động giai đoạn 2021-2024 nhằm triển khai khuôn khổ đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand, đồng thời xác định trọng tâm và lĩnh vực hợp tác mới phù hợp với tình hình mới.

Chuyến thăm cũng là dịp quan trọng làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính còn là dịp để bạn bè, người dân New Zealand hiểu biết thêm về thành tựu đổi mới của đất nước Việt Nam, đó là phát triển nhanh và bền vững, tích cực hội nhập quốc tế, chú trọng hợp tác với khu vực Thái Bình Dương, góp phần củng cố xu thế hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trên thế giới.

- Đại sứ có thể cho biết trọng tâm chương trình nghị sự trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính? Đại sứ kỳ vọng gì ở tác động của chuyến thăm đến tương lai mối quan hệ song phương?

Đại sứ Nguyễn Văn Trung: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dành thời gian hơn 2 ngày trong chuyến thăm chính thức đến New Zealand, sau khi tham dự một loạt hoạt động ngoại giao đa phương và song phương tại Australia.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, sau lễ đón chính thức và lễ đón theo phong tục của người Maori bản địa, Thủ tướng sẽ có nhiều hoạt động quan trọng, bao gồm hội đàm chính thức với Thủ tướng Christopher Luxon, cùng chứng kiến lễ ký văn kiện hợp tác, chào xã giao, hội kiến với Toàn quyền và Chủ tịch Quốc hội New Zealand, dự chiêu đãi chính thức của Thủ tướng và phu nhân New Zealand.

Thủ tướng sẽ có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Đại học Victoria ở thủ đô Wellington, gặp gỡ sinh viên, chuyên gia và giảng viên của trường. Đoàn đại biểu cấp cao của chính phủ Việt Nam cũng sẽ có chuyến thăm Aukland, thành phố lớn nhất New Zealand, nơi tập trung đông đảo cộng đồng và sinh viên Việt Nam, thăm Viện nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand và dự án hợp tác về giống cây trồng và hoa quả nhiệt đới.

Thủ tướng cũng sẽ gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các hội đoàn cộng đồng người Việt tại New Zealand, tiếp Nhóm chuyên gia khoa học công nghệ người Việt, tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu New Zealand.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức, một số văn kiện hợp tác sẽ được ký kết. Chúng ta tin tưởng rằng chuyến thăm của Thủ tướng đến New Zealand sẽ tạo xung lực mới cho hợp tác song phương trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục và đào tạo, an ninh, quốc phòng, phát hiện và khai thác tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực mới, đóng góp vào động lực tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội và phát triển bền vững.

Chúng ta cũng tin tưởng rằng với chuyến thăm đầu Năm mới của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến New Zealand, quan hệ đối tác chiến lược sẽ ngày càng phát triển sâu sắc hơn, góp phần củng cố mối thiện cảm, hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

- Hai nước đang triển khai Chương trình hành động giai đoạn 2021-2024 theo khuôn khổ Đối tác Chiến lược đã ký kết vào năm 2020. Đại sứ có thể khái quát những thành quả nổi bật và định hướng hợp tác song phương, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao giữa hai nước vào năm 2025 sắp tới?

Đại sứ Nguyễn Văn Trung: Kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào năm 2020, quan hệ hợp tác song phương đã có những bước phát triển tốt đẹp. Chương trình hành động giai đoạn 2021-2024 được đề ra có trọng tâm tăng cường quan hệ chính trị, thúc đẩy quan hệ thương mại, tăng cường hợp tác nông nghiệp, thúc đẩy kết nối về giáo dục và đào tạo, phát triển hợp tác quốc phòng, an ninh, gia tăng hoạt động kết nối, giao lưu nhân dân hai nước.

Quan hệ chính trị, ngoại giao tiếp tục phát triển tốt đẹp, góp phần nâng cao mức độ tin cậy chính trị, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Công tác trao đổi đoàn diễn ra thường xuyên ở các cấp, trong đó phải kể đến các chuyến thăm cấp cao trong năm 2022 và hơn 20 đoàn công tác cấp bộ, ngành, địa phương trong năm 2023. Hai bên cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hợp tác trên các diễn đàn đa phương, cùng chia sẻ nhiều quan điểm, tầm nhìn chung về các vấn đề quốc tế và khu vực.

Trao đổi thương mại đã có bước phục hồi bền vững sau đại dịch. Việt Nam là bạn hàng đứng thứ 15 của New Zealand, và bạn là đối tác thương mại lớn thứ 38 của ta. Kim ngạch hai chiều đạt giá trị 1,3 tỷ USD năm 2023. Các cơ chế hợp tác nông nghiệp, thương mại hàng hóa, hợp tác phát triển vận hành hiệu quả, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước. Một số loại hoa quả nhiệt đới của Việt Nam như chanh và bưởi lần đầu tiên đã có mặt tại thị trường New Zealand từ năm 2023.

New Zealand hiện đứng thứ 39/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 208,35 triệu USD tại 52 dự án, trong đó lớn nhất là lĩnh vực bất động sản, giáo dục đào tạo, công nghiệp chế biến và sản phẩm gỗ.

New Zealand tiếp tục ưu tiên hợp tác phát triển với Việt Nam, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó lĩnh vực có thế mạnh là nông nghiệp, cây trồng, giáo dục và đào tạo, quản lý và ứng phó biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, phát triển bình đẳng giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp cộng đồng người Việt Nam tại Australia. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

New Zealand tiếp tục sự hỗ trợ rất có giá trị trong các dự án chuyển giao kỹ thuật, công nghệ về giống cây trồng, bảo vệ thực vật, vệ sinh dịch tễ, trong đó có dự án Vietfruit về các loại quả như bơ, thanh long và quả chanh leo xuất khẩu. New Zealand cũng đã hỗ trợ ta về quản lý và an toàn đập nước, công trình thủy lợi và 2 triệu đôla New Zealand (NZD) giúp phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Giáo dục và đào tạo tiếp tục là lĩnh vực hợp tác truyền thống và có được thành quả rõ rệt, kể từ khi hai nước tổ chức Diễn đàn giáo dục Việt Nam-New Zealand lần đầu tiên vào cuối năm 2022. Hiện có khoảng 2.000 học sinh, sinh viên và lưu học sinh Việt Nam theo học tại New Zealand.

Đặc biệt, trong năm 2023, New Zealand đã tiếp gần 100 cán bộ nguồn của Việt Nam sang đào tạo tại các trung tâm đại học danh tiếng nhất. New Zealand tiếp tục dành cho Việt Nam học bổng đào tạo tiếng Anh, thực tập, nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên gia, đẩy mạnh quảng bá giáo dục New Zealand tại Việt Nam để thu hút thêm học sinh và sinh viên sang đào tạo.

- Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng của mối quan hệ Việt Nam-New Zealand trong tương lai? Đâu sẽ là những lĩnh vực mà hai nước có nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn?

Đại sứ Nguyễn Văn Trung: Năm 2024 là năm cuối cùng hai nước triển khai Chương trình hành động giai đoạn 2021-2024. Đây cũng là dịp để hai bên đánh giá những thành tựu đạt được, trao đổi về trọng tâm hợp tác mới, xây dựng chương trình hành động trong giai đoạn tiếp theo, kể từ dấu mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.

Bên cạnh việc tiếp tục củng cố và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống như kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, an ninh, quốc phòng, du lịch và giao lưu nhân dân, hai nước cần khai thác triệt để dự địa hợp tác trên các lĩnh vực mới, động lực phát triển mới cho quan hệ hai nước.

New Zealand có những thế mạnh trong phát triển hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo và kinh tế số, chuyển đổi số. Với thế mạnh là quốc gia hải đảo, New Zealand cũng có truyền thống và tiềm lực phát triển khoa học công nghệ trong các lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường biển.

Ngoài ra, với dân số ít, New Zealand hiện thiếu nhiều lao động, kể cả lao động phổ thông và có tay nghề. Đây là những dư địa cho triển vọng hợp tác hai nước trong thời gian tới.

Các buổi làm việc với các đối tác New Zealand của Thủ tướng Phạm Minh Chính và các bộ/ngành trong đoàn cấp cao của chính phủ trong khuôn khổ chuyến thăm lần này sẽ là dịp để hai bên phát hiện những cơ hội, biến tiềm năng hợp tác thành hiện thực, góp phần xác định trọng tâm mới, động lực và đột phá mới cho quan hệ Việt Nam-New Zealand trong những năm tới.

- Xin cảm ơn Đại sứ./.

Quan hệ thương mại Việt Nam-New Zealand tăng trưởng bền vững

Hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand và đạt 1,3 tỷ USD trong năm 2023, giảm khoảng 6% so với năm 2022.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : Nhận định bóng đá

Top