Kết quả bước đầu nghiên cứu vắc xin dịch tả lợn châu Phi

2025-01-18 21:50:23
Lợn bị nhiễm tả lợn châu Phi được chôn lấp. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ khi xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại Hưng Yên (1/2/2019), đến nay dịch đã bùng phát tại 61 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng số lợn phải tiêu hủy là trên 2,9 triệu con, chiếm hơn 10% tổng đàn lợn của cả nước. Nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát trong thời gian tới vẫn rất cao, đe dọa tới ngành chăn nuôi.

"Trong thời gian qua, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu vắc xin và bước đầu đã có kết quả nhất định. Mặc dù thời gian không dài nhưng các nhà khoa học đã phân lập được vi rút, làm tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất vắc xin trong thời gian tới" - Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra được vắc xin bước đầu khảo nghiệm trong phòng thí nghiệm có kết quả rất tích cực. Bên cạnh đó, Công ty Navetco đã phối hợp với Chi cục Thú y vùng VI đang nghiên cứu nhiều hướng và cũng có kết quả tích cực.

"Tôi cho rằng, các hướng đi đang đúng và với đà này thì trong thời gian ngắn sẽ có được vắc xin" - Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Ngoài ra, hiện có nhiều nhóm chế phẩm sinh học đã được ứng dụng trong thực tiễn, cùng với các giải pháp an toàn sinh học. Thực tế, các biện pháp này đã áp dụng tại các trang trại có quy mô tới 500 con và nếu áp dụng đồng bộ với các biện pháp an toàn sinh học... thì sẽ hạn chế được dịch bệnh.

"Đáng chú ý, Chi cục Thú y vùng 6 đã có một số mẫu lợn nhiễm bệnh nhưng không chết, đó là tín hiệu tích cực. Bộ sẽ rà soát lại các đàn nuôi xem con nào thích nghi được với vi rút dịch tả lợn châu Phi để từ đó nghiên cứu ra giống lợn thích nghi với loại bệnh này. Bên cạnh đó, gửi các mẫu này cho các tổ chức thú y thế giới nghiên cứu xem chủng gen như thế nào để phục cho nghiên cứu tiếp theo" - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin.

Bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay Học viện đang thực hiện 7 đề tài nghiên cứu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao, ngoài ra còn có 7 đề tài nghiên cứu khác do Học viện chủ động thực hiện như thử chế phẩm nano bạc, thử độc lực virus trên lợn… Đáng chú ý, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu vắc xin vô hoạt, bước đầu đã thành công trong phòng thí nghiệm.

Đặc biệt, trong khi thử độc lực vi rút trên lợn thì đã chọn ra được 3 chủng vi rút dịch tả lợn châu Phi có độc lực cao. Xác định được cơ chế sinh bệnh, sự phân bố của vi rút trong cơ quan con lợn. 

Bà Lan thông tin, đến nay các nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tạo được vắc xin vô hoạt thế hệ mới, bước đầu có kết quả tốt trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên diện hẹp.

Theo đó, vắc xin thử nghiệm đã được tiến hành tại 3 trại lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi thuộc 3 hộ gia đình khác nhau ở Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình. Kết quả cho thấy, toàn bộ 16/18 lợn nái và 15 lợn thịt của 3 hộ gia đình này đều sống khỏe mạnh sau hơn 2 tháng, một số nái đã đẻ và lợn con khỏe mạnh. Trong khi những con lợn không được tiêm vắc xin thì đều chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đánh giá về độ an toàn của vắc xin, bà Lan cho biết, vắc xin an toàn đối với lợn được tiêm phòng và có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm phòng (có 83,3% lợn sống khi công cường độc và 100% lợn sống khi nhiễm tự nhiên).

“Tuy nhiên, với loại vắc xin vô hoạt đã sản xuất ra, cần tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm thêm trên diện rộng hơn. Trong khi đợi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp kinh phí khẩn cấp cho nghiên cứu và sản xuất vắc xin, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm cấp III, chúng tôi cũng đề nghị nhóm nghiên cứu chuẩn bị sản xuất từ 300 - 500 liều vắc xin để phục vụ thí nghiệm. Hạn chế, khó khăn hiện nay là chúng ta chưa có cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết để sản xuất vắc xin quy mô công nghiệp”, bà Lan nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, việc sử dụng chế phẩm vi sinh probiotic trong thức ăn chăn nuôi kết hợp với biện pháp an toàn sinh học là giải pháp có thể hạn chế được bệnh dịch tả lợn châu Phi đối với các cơ sở chăn nuôi hiện nay. Việc sử dụng chế phẩm vi sinh probiotic bổ sung trong thức ăn chăn nuôi cho phép tận dụng được nguồn nguyên liệu, lao động sẵn có ở các nông hộ, địa phương làm giảm giá thành thức ăn chăn nuôi và nâng cao chất lượng sản phẩm vật nuôi (không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi).

Ông Dương cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương có chính sách khuyến khích áp dụng rộng rãi các mô hình chăn nuôi lợn nêu trên trong sản xuất.

Thành Trung (TTXVN)
Tiêu hủy hơn 8 tấn lợn bị dịch tả châu Phi ở Bình Phước

Chiều 29/6, UBND huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy 132 con lợn có tổng trọng lượng hơn 8 tấn của 3 hộ gia đình trên địa bàn 3 xã Tân Lập, Tân Hòa và xã Tân Phước thuộc huyện Đồng Phú.

Nguồn bài viết : Bóng đá Anh

Top