Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Thông tư về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, để thay thế cho Thông tư 49/2016 về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Theo Dự thảo, trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Đơn vị thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án hoặc đơn vị được nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án ủy quyền, giao nhiệm vụ thực hiện việc bán, kiểm soát vé thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
Trạm thu tiền đường bộ phải xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, thiết kế phải được cơ quan nhà nước phê duyệt; áp dụng công nghệ hiện đại theo quy chuẩn, tiêu chuân của Bộ Giao thông Vận tải.
Dự thảo cũng quy định về công khai thông tin, chế độ báo cáo, lấy ý kiến người dân, cơ quan quản lý, địa phương về vị trí đặt trạm thu phí; quy định phạt do các lỗi của nhà đầu tư; quy định về dừng thu phí do việc bảo trì dự án chưa đảm bảo...
Trong trường hợp hệ thống thiết bị công nghệ phục vụ công tác thu bị hư hỏng, trục trặc, đơn vị thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải khắc phục sự cố là không quá 48 giờ. Trong thời gian khắc phục sự cố, đơn vị thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải có biện pháp đảm bảo thu nhanh gọn, an toàn, tránh ùn tắc giao thông và có biện pháp giám sát chống thất thoát doanh thu dịch vụ sử dụng đường bộ.
[Thủ tướng yêu cầu không sử dụng tên gọi "trạm thu giá BOT"]
Trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong năm, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ (trừ những trường hợp ngừng thu khi có quyết định của cấp có thẩm quyền)…
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xây dựng, tổ chức và hoạt động thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
Trước đó, cuối tháng 5/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu đề xuất đổi tên "Trạm thu giá đường bộ." Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc chuyển đổi cơ chế quản lý từ phí sang giá có lộ trình cụ thể và được thực hiện theo Luật Phí và lệ phí đã được Quốc hội thông qua.
Sau khi bị nhiều ý kiến phản đối vì cụm từ “trạm thu giá” không có nghĩa và không cần thiết, Bộ Giao thông Vận tải lại đổi lại thành “trạm thu phí.”
Tại kỳ họp Quốc hội vào ngày 4/6/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải giữ nguyên tên gọi "Trạm thu phí" như trước đây. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu bỏ tên gọi "trạm thu giá"./.
Nguồn bài viết : XSMB