Đến ngày 4/3, công tác chuẩn bị cho bầu cử trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đảm bảo đúng tiến độ, nội dung và quy trình đề ra.
Ủy ban Bầu cử và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk tích cực hướng dẫn quy trình, thủ tục giới thiệu và ấn định thời hạn tiếp nhận hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận hồ sơ ứng cử đến 17 giờ ngày 14/3 và chuẩn bị các nội dung tổ chức hội nghị Hiệp thương lần 2 vào ngày 18/3.
[Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ ba Hội đồng Bầu cử quốc gia]
Ngày 1/3, Ủy ban Bầu cử tỉnh Đắk Lắk ban hành Nghị quyết số 28/NQ-UBBC ấn định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2021-2026 được bầu là 75 đại biểu, số đơn vị bầu cử là 20 đơn vị và số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử.
Tại thành phố Buôn Ma Thuột có 3 đơn vị bầu cử, được bầu 14 đại biểu.
Các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Ana, Krông Búk, M’Đrắk, Lắk, mỗi huyện có 1 đơn vị bầu cử, được bầu 3 đại biểu.
Huyện Cư Kuin, thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Bông, mỗi địa phương có 1 đơn vị bầu cử, được bầu 4 đại biểu.
Riêng huyện Cư M’Gar có 2 đơn vị bầu cử, được bầu 7 đại biểu. Huyện Krông Pắk có 2 đơn vị bầu cử, được bầu 8 đại biểu. Huyện Ea Kar có 2 đơn vị bầu cử, được bầu 6 đại biểu.
Huyện Ea H’Leo và huyện Krông Năng, mỗi huyện 1 đơn vị bầu cử và được bầu 5 đại biểu.
Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Đắk Lắk, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất điều chỉnh lần thứ nhất số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị tỉnh Đắk Lắk có số đại biểu Quốc hội được bầu là 9; trong đó số đại biểu do địa phương giới thiệu là 5, số đại biểu do Trung ương giới thiệu là 4.
Để chuẩn bị và triển khai tốt công tác bầu cử, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 31 đồng chí; thành lập 15 Ủy ban Bầu cử cấp huyện và 184 Ủy ban Bầu cử cấp xã.
Ngoài ra, cấp tỉnh còn thành lập 4 Tiểu ban giúp việc Ủy ban Bầu cử gồm Tiểu ban An ninh, trật tự và Y tế; Tiểu ban giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tiểu ban Thông tin-Tuyên truyền; Tiểu ban Vật chất và thành lập một Tổ chuyên viên giúp việc.
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk còn đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong công tác bầu cử để nhân dân thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, tự giác tham gia bầu cử để lựa chọn, bầu những người tiêu biểu, có đủ các yêu cầu về phẩm chất, năng lực, uy tín tham gia Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp./.
Nguồn bài viết : Nhiều người chơi