Hội hữu nghị Việt Nam - Bungari: Nhiều hoạt động thiết thực kết nối tình dân 2 nước |
Ông Huỳnh Quyết Thắng được bầu làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Bungari nhiệm kỳ 2024 - 2029 |
Ông Nguyễn Huy Viễn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại ROZA:
Năm 1974, tôi sang Bungari học tập và lần đầu biết đến món sữa chua truyền thống của "đất nước hoa hồng". Các bạn người Bungari giới thiệu rằng, sữa chua rất tốt cho sức khỏe. Sau 5 năm, tôi đã nghiện hương vị sữa chua của người dân Bungari.
Xưởng sản xuất sữa chua ROZALUTA được tư vấn thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn mô hình sản xuất sữa chua Bungari. (Ảnh: NVCC) |
Năm 2008, trong một lần quay lại Bungari, tôi gặp Ivan Ivannov Stoianov. Ivan được ông nội truyền nghề làm sữa chua truyền thống, bản thân ông cũng đang làm việc cho nhà máy sản xuất sữa chua tại Bungari. Ivan đã chia sẻ phương pháp, kỹ thuật làm sữa chua Bulgari cho tôi. Khi ấy tôi cũng mong muốn gia đình, người thân xung quanh cảm nhận được giá trị của sữa chua Bungari.
Về Việt Nam, tôi bắt tay vào sản xuất sữa chua Bungari nhưng nhiều lần thất bại. Hàng tấn sữa đã bị đổ bỏ vì không đạt chất lượng do các yếu tố: thiết bị, dây chuyền sản xuất; khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam… Sau một thời gian, tôi đã tìm được cách khắc phục, cho ra được sản phẩm sữa chua đúng chất lượng, giữ hương vị truyền thống của người Bungari.
Bungari là đất nước phát minh ra sữa chua và có giá trị lịch sử hơn 4.000 năm. Sữa chua truyền thống Bungari được người dân các nước như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… sử dụng. Tôi mong muốn người dân Việt Nam cũng được sử dụng sản phẩm tốt như vậy. Vì vậy, tôi đã đem hết những kiến thức học được từ Bungari truyền lại cho con gái để con tiếp bước xây dựng.
Tôi rất mừng vì sản phẩm Rozaluta - sữa chua truyền thống Bungari do tôi và con gái làm ra bước đầu được người tiêu dùng đón nhận. Hiện sản phẩm đã có mặt tại các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị mini, trường học…. ở Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác. Thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh quảng bá để người dân Việt Nam biết đến sản phẩm nhiều hơn.
Bà Trần Bích Chi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Việt - Bun:
Trường Mầm non Việt - Bun thành lập năm 1981, là món quà của Hội liên hiệp phụ nữ Bungari gửi tặng trẻ em Việt Nam sau chiến tranh. Vì vậy đội ngũ giáo viên nhà trường luôn ý thức nhiệm vụ của nhà trường là gìn giữ, phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.
Bà Evdokia Todorova, Phu nhân Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Bungari tại Việt Nam dạy học sinh Trường Mầm non Việt - Bun làm Martenitsa. (Ảnh: Trường mầm non Việt - Bun) |
Nhiều năm qua, trong chương trình giáo dục của nhà trường luôn có những nội dung giới thiệu văn hóa của Bungari phù hợp với trẻ mầm non. Có thể kể đến các hoạt động như: tạo hình các đường nét, họa tiết, màu sắc tiêu biểu của đất nước Bungari; giới thiệu những nét văn hóa độc đáo, danh lam thắng cảnh Bungari qua màn ảnh nhỏ hoặc được lồng ghép vào bài học. Trang phục, những món ăn truyền thống của Bungari cũng là một nội dung được các thầy cô giới thiệu với học sinh.
Tại trường học, các bé được tìm hiểu về hoa hồng Bungari - loài hoa đặc trưng của đất nước này thông qua việc chưng cất, làm xà phòng hoa hồng. Các bé được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian, bài hát, điệu múa của Bungari. Thậm chí, lớp 5 tuổi các bé đã có thể giao tiếp những câu đơn giản như chào hỏi, cảm ơn bằng tiếng Bungari. Những hoạt động này đã ươm mầm cho các bé về tình cảm gắn kết với một đất nước tuy xa về khoảng cách địa lý nhưng gần gũi bởi những nét tương đồng với Việt Nam.
Mới đây nhất, trong tháng 3/2024 Trường mầm non Việt - Bun đã tổ chức lễ hội Kukeri cho các bé khám phá và làm mặt nạ biểu tượng của lễ hội này; tổ chức ngày lễ Baba Marta. Các bạn nhỏ đều được các cô giáo dạy làm Martenitsa để cầu mong năm mới bình an, hạnh phúc.
Thông qua những hoạt động nêu trên, các bé có thể cảm nhận, lan tỏa đến cha mẹ hay cộng đồng những người gần gũi với các bé. Đồng thời giúp các bé thấm nhuần tinh thần của Bungari một cách nhẹ nhàng không khiên cưỡng.
Thời gian tới, bên cạnh các hoạt động thường niên, nhà trường sẽ kết hợp với Hội hữu nghị Việt Nam - Bungari, Đại sứ quán Bungari tại Việt Nam để có thêm nhiều ý tưởng, tổ chức các hoạt động đem đến cho các bé nhiều trải nghiệm về văn hóa của đất nước Bungari.
PGS.TS Hoàng Thái Lan, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Bungari Thành phố Hồ Chí Minh:
Năm 2019, Hội hữu nghị Việt Nam - Bungari Thành phố Hồ Chí Minh ký thỏa thuận hợp tác trao đổi văn hóa và đào tạo với Trường Đại học Veliko Tarnovo (Bungari). Hai bên đã thử nghiệm loại hình trao đổi sinh viên sau đại học đi thực tế ngắn hạn (từ 6 tháng đến 1 năm) với mức chi phí ưu đãi. Tuy nhiên, ngay sau đó đại dịch Covid-19 kéo dài nên chương trình không thể triển khai nhiều mà chỉ dừng ở mức trao đổi online, kết nối các trường đại học hai nước làm quen với nhau (Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Văn Lang, Đại học Hồng Bàng, Đại học Tôn Đức Thắng...). Năm 2023, Hội đã thành công trong việc giới thiệu cuốn Từ điển Bun - Việt đến đông đảo sinh viên các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh.
PGS.TS Hoàng Thái Lan, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Bungari Thành phố Hồ Chí Minh (thứ hai, từ phải qua). (Ảnh: Đinh Hòa) |
Từ những hợp tác đầu tiên với trường đại học của Bungari, chúng tôi đánh giá được nhu cầu đào tạo và sự đáp ứng của cả hai bên đối với nhau trong xu hướng hợp tác hiện nay. Theo đó, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch của Việt Nam về mảng nhà hàng, khách sạn, phục vụ khách du lịch quốc tế rất lớn. Trong khi đó các trường đại học Bungari có khả năng đáp ứng được nhu cầu ấy. Chúng tôi đã làm phép so sánh mức học phí đào tạo nghề nhà hàng, khách sạn cho 1 năm học ở các nước khác nhau thì thấy mức học phí, sinh hoạt phí ở Bungari tương đương ở Việt Nam trong khi có môi trường học tập chuẩn châu Âu.
Bên cạnh đó, từ khi gia nhập Liên minh châu Âu (2007) Bungari được phân công phát triển du lịch. Từ một nước sản xuất nông nghiệp chuyển sang dịch vụ du lịch đẳng cấp châu Âu, Bungari có rất nhiều điều chúng ta có thể học hỏi. Đây là lý do để Việt Nam - Bungari có thể đẩy mạnh hợp tác đào tạo nghề nhà hàng - khách sạn - dịch vụ du lịch.
Ông Trần Hùng Mệnh, Hội hữu nghị Việt Nam - Bungari thành phố Hải Phòng:
Thành lập năm 2000, đến nay Hội hữu nghị Việt Nam - Bungari thành phố Hải Phòng có 12 chi hội và Trung tâm Việt Nam - Bungari với 529 hội viên. Hơn 20 năm qua, Hội thường xuyên duy trì các hoạt động truyền thống, tổ chức kỷ niệm các ngày lễ quan trọng của Bungari. Đồng thời tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè Bungari và các nước khác; thúc đẩy đưa học sinh Việt Nam sang Bungari học tập và đưa hội viên thăm lại Bungari.
Ông Trần Hùng Mệnh, Hội hữu nghị Việt Nam - Bungari thành phố Hải Phòng dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V nhiệm kỳ 2024-2029 Hội hữu nghị Việt Nam - Bungari. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Những người từng học tập, sinh sống và làm việc tại Bungari luôn ghi nhớ và biết ơn tình cảm chân thành, sự giúp đỡ to lớn của những người bạn Bungari. Họ sinh hoạt theo nhóm: nhóm sang Bungari cùng ngày; nhóm về Việt Nam cùng ngày; nhóm học cùng trường; nhóm làm việc cùng nhà máy; nhóm ở cùng thành phố... Tuy nhiên, họ bị thất lạc thông tin của nhau do bận mưu sinh và phương tiện liên lạc còn lạc hậu. Vì vậy, Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam - Bungari thành phố Hải Phòng đã thành lập Tiểu ban phát triển hội viên để kết nối, xây dựng mạng lưới.
Hội cũng phối hợp chặt chẽ với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hải Phòng để nắm bắt, tham gia các hoạt động ngoại giao nhân dân do thành phố tổ chức. Đồng thời giữ liên hệ thường xuyên với Đại sứ quán Bungari tại Hà Nội và các nhóm chuyên gia người Bungari đang làm việc tại Hải Phòng để giao lưu, tìm hiểu thêm về đất nước, con người Bungari.
Chúng tôi thành lập Trung tâm Việt - Bun, là nơi các hội viên dễ dàng gặp gỡ giao lưu, thưởng thức những sản phẩm đặc sắc của Bungari. Hội cũng tăng cường giao lưu, tuyên truyền, vận động các nhóm tham gia Hội, đồng thời phát triển thành viên mới cho các nhóm. Qua nhiều kênh, chúng tôi tìm được bạn bè của họ là người Việt đang định cư tại Bungari, là người Bungari đã mất liên lạc để họ kết nối với nhau. Các nhóm được kết nạp vào Hội, trở thành chi hội và họp mặt vào ngày truyền thống cố định trong năm, ít nhất mỗi năm một lần.
Thời gian tới, Hội sẽ thay đổi các tiêu chí hội viên nhằm kết nạp thêm hội viên mới. Cụ thể, thế hệ F2, F3, con cháu những người từng sống, học tập và làm việc tại Bungari, đặc biệt là những người quan tâm và có tình cảm với Bungari đều có thể trở thành thành viên của Hội. Hiện Hội Việt Nam - Bungari thành phố Hải Phòng có một chi hội như vậy, đó là chi hội Trường mầm non 1/6 quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Trong ba năm (2021 - 2023) Hội đã chủ động xúc tiến và kết nối Trường Mầm non 1/6 quận Lê Chân với Trường Mầm non số 200 “Thiên đường hoa” quận Lyulin, thành phố Sofia, Cộng hòa Bungari để hai trường ký kết hợp tác trong lĩnh vực giáo dục mầm non.
Ngày lễ của Bungari được tổ chức tại Việt Nam là một minh chứng cho tình hữu nghị hai nước |
Vĩnh Phúc thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Pernik, Bungari |
Nguồn bài viết : La Victoire E-Gaming Club