Về dự Đại hội có 1.052 đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, lực lượng vũ trang, người Việt Nam ở nước ngoài và cán bộ Mặt trận các cấp, thể hiện hình ảnh tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.
Các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, cùng nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ tham dự Đại hội.
Đến dự Đại hội còn có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Thiện Nhân, Huỳnh Đảm; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các vị lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; các đại sứ, lãnh đạo một số cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Khơi dậy và củng cố tinh thần đại đoàn kết toàn dân
Trong Diễn văn khai mạc Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X nhằm đánh giá khách quan, toàn diện tình hình các tầng lớp nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024, gắn với 5 Chương trình hành động; rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó thống nhất phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ, Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029; hiệp thương thống nhất cử Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực, Chủ tịch, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký, các Phó Chủ tịch của nhiệm kỳ Đại hội X (2024 – 2029); thống nhất nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong giờ phút trang trọng, xúc động của Đại hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa IX) Đỗ Văn Chiến bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ và biết ơn vô hạn công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng đại đoàn kết của Người là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối, dẫn dắt cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước trên con đường xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Đồng thời, nhớ ơn sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ; công lao của các thương binh, bệnh binh; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; các nhân sỹ, trí thức, những người tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài… đã cống hiến xương máu, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cho sự vững mạnh, trường tồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ông Đỗ Văn Chiến cho biết, thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, hơn một năm qua, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tổ chức Đại hội các cấp. Đến nay, đã tổ chức thành công đại hội ở 10.597 đơn vị cấp xã, 704 đơn vị cấp huyện và 63 tỉnh, thành phố.
Thông qua Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tầng lớp nhân dân bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có chủ trương, chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn, ách tắc để phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn nữa, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho người dân; tăng đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn cuộc sống của người dân; đầu tư tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, cải cách hành chính, phục vụ tốt hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đi đôi với khơi dậy tinh thần dấn thân, khát vọng cống hiến của mọi tổ chức, cá nhân đóng góp trí tuệ, công sức vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đoàn Chủ tịch Đại hội mong muốn các đại biểu dự Đại hội sẽ phát huy tinh thần dân chủ, đoàn kết, đồng thuận, tập trung trí tuệ, đề cao trách nhiệm trước hân dân, trước vận mệnh của dân tộc… đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; cùng nhau bàn bạc thống nhất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, hiến kế nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, khả thi, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội đề ra.
6 chương trình hành động trong nhiệm kỳ mới
Tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX Nguyễn Thị Thu Hà đã trình bày Báo cáo tóm tắt của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX trình Đại hội. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, nhiệm kỳ qua, công tác Mặt trận tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững, mối quan hệ máu thịt và niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên đã triển khai đồng bộ các giải pháp, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, nhất là 5 chương trình hành động đã đề ra và các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong thực tiễn.
Công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân tiếp tục có nhiều đổi mới. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hoặc phối hợp như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; "Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế"; "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19", "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" … tiếp tục có dấu ấn đậm nét trong xã hội, đã khơi dậy tinh thần thi đua, học tập lao động sản xuất và sự chung sức của cả cộng đồng. Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc - một trong những phương thức đoàn kết, tập hợp nhân dân được tổ chức ở hầu hết khu dân cư trong cả nước.
Hàng trăm ngàn tỷ đồng đã được huy động từ các nguồn lực trong các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài thông qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, ủng hộ người nghèo, cứu trợ thiên tai, bão lũ, thực hiện an sinh xã hội. Trước diễn biến phức tạp, chưa từng có tiền lệ của đại dịch COVID-19, Mặt trận đã phối hợp tổ chức 3 đợt kêu gọi, vận động các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước chung sức, đồng lòng ủng hộ nguồn lực phòng, chống dịch, góp phần cùng cả nước khống chế, vượt qua đại dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng và thực hiện Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ làm 5.000 căn nhà cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên và hỗ trợ 500 căn nhà cho hộ nghèo của 5 tỉnh Tây Bắc. Với trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, Mặt trận tiếp tục tổ chức phát động phong trào thi đua cả nước chung tay "Xóa nhà tạm, nhà dột nát", đến nay đã vận động được hơn 6.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, vừa qua, Quỹ Cứu trợ Trung ương đã vận động được trên 2.000 tỷ đồng để ủng hộ các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Lần đầu tiên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo việc sao kê, công khai, minh bạch các nguồn ủng hộ và phân bổ kịp thời tới các địa phương, nhận được sự đồng tình, khen ngợi từ các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.
Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên luôn là địa chỉ tin cậy, lắng nghe, chia sẻ; tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền. Trên 20.000 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân đã được phản ánh tại các kỳ họp của Quốc hội; gần 86.000 hội nghị phản biện xã hội, hơn 200.000 cuộc giám sát được tổ chức ở các cấp...
Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân, tham gia, phát huy vai trò, trách nhiệm trong các cơ chế, diễn đàn. Công tác củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ được tăng cường thông qua việc phát triển tổ chức thành viên, củng cố, phát huy vai trò hội đồng tư vấn, chuyên gia…; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư và tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Mặt trận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, chưa thực sự chủ động trong công tác tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền; công tác giám sát, phản biện xã hội có nơi, có lúc còn lúng túng; năng lực và kỹ năng hoạt động của một bộ phận cán bộ còn hạn chế…
Với mục tiêu tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhiệm kỳ 2024 - 2029, Đại hội đề ra 6 chương trình hành động, gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, thực hiện dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Động viên các tầng lớp nhân dân thi đua, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua. Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp.
TTXVN sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến của Đại hội.
Nguồn bài viết : TK loto đầu