Trung tướng Vương Thừa Vũ không chỉ là một danh tướng tài ba mà còn là người con của Hà Nội, gắn bó với những thời khắc lịch sử quan trọng của Thủ đô. Ông chính là chỉ huy mặt trận Hà Nội trong 60 ngày đêm lịch sử, cũng là người Đại đoàn trưởng dẫn đầu Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954.
Trung tướng Vương Thừa Vũ (1910-1980) tên thật là Nguyễn Văn Đồi, quê ở Vĩnh Ninh, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội. Từ nhỏ, ông đã theo gia đình sang Trung Quốc làm ăn sinh sống, song ông luôn nung nấu ý nghĩ sẽ có ngày trở về cứu nước. Vì vậy, ông đã tìm thầy học võ và rèn luyện võ nghệ.
Năm 1940, ông liên lạc với các tổ chức cách mạng và các nhà yêu nước Việt Nam để tìm đường về nước hoạt động. Ngay từ năm 1941, khi vừa về nước tham gia phong trào cứu nước, ông đã bị thực dân Pháp bắt giam và tù đày.
Ở trong tù, ông vẫn nêu cao chí khí chiến đấu, không chịu khuất phục trước đòn roi tra tấn của quân thù. Ông cùng các đồng chí vừa tiến hành công tác binh vận để xây dựng lực lượng, vừa bí mật tổ chức huấn luyện quân sự ngay trong nhà tù. Năm 1943, ông được kết nạp vào Đảng.
Tháng 3/1945, ông vượt ngục thành công. Sau đó, ông tham gia bạo động giành chính quyền ở Nghĩa Lộ nhưng không thành, ông về Hòa Bình gây dựng cơ sở cách mạng, huấn luyện quân sự.
Với tài năng của mình, ông được cấp trên giao giữ nhiều trọng trách: Khu trưởng Khu 11-Khu đặc biệt Hà Nội (1946-1947); Khu phó Khu 4 rồi Phân khu trưởng Phân khu Bình Trị Thiên (1947-1948); Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 (1949-1954). Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội (9/1954-11/1954); Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn, rồi làm Tư lệnh Quân khu 3 (1955-1963); Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1964-1980)...
Trung tướng Vương Thừa Vũ là một trong những danh tướng quân sự tài ba. Ông đã tham gia và chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).
Đặc biệt, ông là một trong những vị tướng có nhiều công lao và kỷ niệm với Thủ đô Hà Nội từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông đã năm lần từ Hà Nội ra đi tham gia các trận chiến, rồi năm lần lại trở về Hà Nội.
Không chỉ có nhiều công lao trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, Trung tướng Vương Thừa Vũ còn cống hiến hết mình cho nền khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại.
Trong quá trình tổ chức chỉ huy chiến đấu, ông đã rút kinh nghiệm và tổng kết thực tiễn thành lý luận với những khái quát lý luận ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Ví dụ như, khi viết về dân quân miền biển và dân quân miền núi, trên cơ sở thói quen sinh hoạt đánh bắt cá, săn thú rừng của người dân, ông đã khái quát thành cách đánh giặc của dân, quân du kích địa phương: “Ví như bắt cá quây vùng/Lưới giăng, đón lõng rồi dùng đó đơm; “Ví như các tổ săn rừng/Lùng săn thú dữ bắt cùng mới thôi”; “Giằng co, luồn lủi khắp nơi/Trong ngoài cùng đánh, người người tiến công”…
Ông đã tổng kết và viết thành nhiều tài liệu có giá trị về nghệ thuật huấn luyện, quản lý bộ đội và tác chiến trên chiến trường, như: Hà Nội 60 ngày khói lửa; Những ngày ở chiến khu 2; Mấy vấn đề về quản lý bộ đội; Mấy kinh nghiệm huấn luyện quân sự; Kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu; Cắt dạ dày Điện Biên Phủ; Trưởng thành trong chiến đấu; Những chặng đường chiến đấu…
Ông còn để lại hàng trăm trang bản thảo viết tay về quân, binh chủng cùng nhiều bài viết đăng trên các báo, tạp chí. Những tài liệu, công trình khoa học do ông viết đã giúp cho cán bộ các cấp trong toàn quân nghiên cứu vận dụng vào thực tiễn huấn luyện, chiến đấu.
Ông còn luôn nhắc cán bộ chỉ huy cấp dưới: “Ta phải biết dùng sức kết hợp với mưu mẹo." Ông nhấn mạnh: “Biết dùng mưu và nghi binh sẽ làm cho đối phương bị bất ngờ, mà một đội quân dù mạnh đến đâu, khi bị bất ngờ, nếu không tan rã thì cũng hoảng loạn lúng túng." Những tư tưởng, như “giữ bí mật, tạo bất ngờ, giành chủ động, đánh tiêu diệt” hay tư tưởng “một diệt, bốn cắt”… của ông đến nay vẫn được các thế hệ cán bộ quân đội tiếp tục nghiên cứu vận dụng và phát triển.
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Trung tướng Vương Thừa Vũ có rất nhiều dấu son đáng nhớ đối với lịch sử thành phố Hà Nội. Ông từng là Tư lệnh mặt trận Hà Nội, Đại đoàn trưởng đầu tiên tiếp quản Thủ đô và Chủ tịch Ủy ban Quân chính trong ngày giải phóng 10/10/1954.
Tên tuổi của Trung tướng Vương Thừa Vũ gắn liền với chiến công vẻ vang trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Hà Nội, khởi đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai ngày 19/12/1946.
Giữ trọng trách là Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội, với thế trận “trong đánh, ngoài vây” do ông đề xướng và nhiều cách đánh thiên biến vạn hóa của chiến tranh nhân dân, Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ đã cùng quân dân Thủ đô lập nên kỳ tích: bằng một lực lượng vũ trang non trẻ, quân dân ta đã chiến đấu thắng lợi, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giam chân đội quân chính quy đông khoảng 6.500 binh sỹ của Pháp trong thành phố suốt 60 ngày đêm (gấp đôi thời gian quy định), tạo điều kiện cho cả nước triển khai chiến lược trường kỳ kháng chiến cho đến ngày toàn thắng.
Hơn tám năm sau, trên cương vị Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính cùng với Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng đưa đoàn quân chiến thắng vào tiếp quản Thủ đô.
Trong bài viết "Trưởng thành trong chiến đấu" (tái bản 2006), Nhà xuất bản Hà Nội, Trung tướng Vương Thừa Vũ viết: “việc tiếp quản Hà Nội là một cuộc đấu tranh rất phức tạp trên nhiều mặt trận chính trị, tư tưởng, kinh tế và phải có sự phòng bị về quân sự. Cuộc đấu tranh ấy không chỉ diễn ra khi ta đến, địch đi, mà từ ngày địch cuốn gói từng bước; và một khi ta đến, phải tạo ngay được một không khí mới tin tưởng phấn khởi, vui tươi, xua tan những lo âu, mặc cảm. Trách nhiệm nặng nề đó, Trung ương Đảng và Chính phủ giao cho quân đội. Chính vì thế mà Hồ Chủ tịch đã viết “Mấy lời căn dặn các đơn vị bộ đội vào thành."
Người dạy: “Suốt tám năm kháng chiến, các chú đã làm kiểu mẫu anh dũng, do đó mà chúng ta đã thắng lợi. Nay chúng ta về thành thị, các chú cũng phải làm kiểu mẫu đúng đắn, để giành lấy thắng lợi trong hòa bình."
Riêng đối với Đại đoàn 308, Hồ Chủ tịch triệu tập các cán bộ từ đại đội trở lên, đến Đất Tổ, dành cho một giờ học tập mà sử sách còn ghi mãi mãi” - “Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước…."
Do đó, Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đã chỉ đạo các lực lượng tiến hành công việc tiếp quản một cách khẩn trương và hết sức thận trọng.
"Chúng tôi phân công nhau xuống các đơn vị kiểm tra mọi mặt công tác chuẩn bị lần cuối trước khi bước vào trận “chiến đấu đặc biệt." Và ngày về mong đợi đã đến - Về trong chiến thắng!" ("Trưởng thành trong chiến đấu").
5 giờ sáng ngày 10/10/1954, “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về.” Dưới sự chỉ huy của Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ, Đại đoàn 308 tiến vào Hà Nội thực hiện nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô.
Đồng chí Vương Thừa Vũ cùng Ban Quân quản đã nhanh chóng ổn định tình hình, làm tốt mọi nhiệm vụ tiếp quản, giải quyết những vấn đề phát sinh, đem lại sự yên bình cho Thủ đô và niềm tin cho Nhân dân vào chính quyền mới.
Ngày 10/11, thay mặt Ủy ban quân chính Hà Nội, ông ký thông cáo của Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội do bác sỹ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch.
Đối với cả nước, ngày 10/10/1954 là Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội. Nhưng đối với Đại đoàn 308 và cá nhân Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ, đó còn là ngày về mang nhiều ý nghĩa trọng đại khác.
Trong đội hình của Đại đoàn 308 có Trung đoàn Thủ đô, được “khai sinh” trong cuộc chiến đấu “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” tại Hà Nội suốt 60 ngày đêm khói lửa mùa đông năm 1946. Khi thực hiện cuộc rút quân thần kỳ bảo toàn lực lượng để kháng chiến lâu dài, các chiến sỹ Thủ đô và chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ ra đi với lời hẹn ngày trở về không xa. Trải 9 năm kháng chiến trường kỳ, vượt qua bao gian khổ, hy sinh, cuối cùng ngày đó đã tới.
Trong bài viết “Trưởng thành trong chiến đấu” xuất bản năm 1985, Trung tướng Vương Thừa Vũ kể lại: “Hôm nay Hà Nội là rừng cờ hoa. Càng tiến sâu vào trong lòng Hà Nội, càng khó nén nổi xúc động, mắt nhòa lệ vì niềm vui gặp mặt, niềm vui về lại Thủ đô. Nhất là các cán bộ; chiến sỹ năm xưa đã chiến đấu trên mảnh đất này khi được lệnh ra đi đã hứa với Hà Nội sẽ trở về: “Ra đi hẹn một ngày về, Ba Đình còn đó, người thề còn đây." Lời hứa đó hôm nay đã thành sự thật!"
Ngoài hai sự kiện lịch sử trên, Trung tướng Vương Thừa Vũ còn gắn với Hà Nội ở một mốc lịch sử lớn khác. Năm 1972, khi Mỹ thực hiện đổ bộ đường không đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố lớn, cùng với Trung tướng Phùng Thế Tài, dưới sự chỉ đạo của Tổng Tham mưu trưởng Đại tướng Văn Tiến Dũng, Trung tướng Vương Thừa Vũ đã chỉ đạo việc xây dựng phương án tác chiến của bộ đội tên lửa phòng không.
Đồng chí đã có nhiều quan điểm chỉ đạo về chiến thuật đối với lực lượng phòng không, góp phần giúp quân ta hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giành thắng lợi trong Chiến dịch “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không."
Có thể thấy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù ở cương vị công tác nào, Trung tướng Vương Thừa Vũ luôn giữ vững phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", đúng như nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “… Vương Thừa Vũ là con người trung thực, tính tình nghiêm nghị với tấm lòng nhân hậu, cương trực thẳng thắn nhưng coi trọng đoàn kết… Anh có lối sống cần kiệm giản dị, liêm khiết, mẫu mực, không chạy theo danh lợi, luôn luôn nghĩ đến việc làm có ích cho xã hội, cho quân đội… Và bao trùm lên hết, Vương Thừa Vũ là một người cộng sản có đạo đức cách mạng, một vị tướng Trí-Dũng-Nhân-Tín-Liêm-Trung như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy…."
Với những công lao to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Trung tướng Vương Thừa Vũ đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công cùng nhiều phần thưởng cao quý khác./.
Bác sỹ Trần Duy Hưng, vị Chủ tịch đầu tiên của Thủ đô Hà Nội là người đại diện của trí thức, của văn hóa, của một thế hệ lãnh đạo tài năng, đức độ, gần dân, vì dân.
Nguồn bài viết : GAME BÀI 3D