Các đại biểu quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, đi vào trọng tâm, đồng thời tích cực tranh luận để làm rõ hơn vấn đề chất vấn, thể hiện sự quan tâm của các đại biểu quốc hội cũng như cử tri và nhân dân đối với lĩnh vực này. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đưa ra các giải pháp rõ ràng các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao vào du lịch; trong đó, có các nhiệm vụ và giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo, cùng với giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Phát triển du lịch đêm là hướng đi mới, sáng tạo
Với vai trò Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre, ông Trần Bá Sanh cho rằng, thời gian qua, với sự nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự tích cực của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật. Trong đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành kịp thời. Các vấn đề tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế có chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là thủ tục xuất nhập cảnh, thị thực. Sản phẩm du lịch được làm mới, hấp dẫn hơn và có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Ngoài ra, công tác phát triển du lịch được phát triển đặt trong tổng thể công tác văn hóa đối ngoại, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, hoạt động thể thao, xúc tiến đầu tư thương mại. Các sự kiện du lịch được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, có sức hấp dẫn, lan tỏa tại các địa phương, nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí, đóng góp của ngành Du lịch có chuyển biến tích cực.
Đồng thuận cao về các ý kiến phát triển sản phẩm du lịch đêm, ông Trần Bá Sanh chia sẻ, du lịch đêm sẽ giúp tăng khả năng thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm.
Ông Sanh lý giải, du lịch đêm giúp tăng cường tiêu dùng, mua sắm và dịch vụ về đêm, góp phần tăng cường doanh thu và thuế cho Chính phủ, thúc đẩy sự phát triển và đầu tư trong ngành du lịch; có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho cả người dân địa phương và du khách. Các hoạt động, nhà hàng, khách sạn và điểm tham quan mở cửa vào ban đêm tạo ra nhiều công việc mới và đa dạng, mang lại thu nhập cho cộng đồng địa phương.
Bên cạnh đó, du lịch đêm cũng tạo nên một không gian văn hóa mới và độc đáo, cho phép khách du lịch tương tác với văn hóa địa phương. Hoạt động văn hóa, lễ hội đặc biệt và sự kiện giúp quảng bá và bảo tồn văn hóa truyền thống, nghệ thuật và ẩm thực của địa phương.
Ông Phan Văn Thông, Giám đốc Khu du lịch Cồn Phụng, huyện Châu Thành, Bến Tre cũng cho rằng, phát triển du lịch đêm là một hướng đi mới và sáng tạo, giúp gia tăng trải nghiệm cho du khách, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu. Các hoạt động như chợ đêm, phố đi bộ, các show diễn văn hóa nghệ thuật, hay tour tham quan đêm không chỉ làm phong phú thêm sản phẩm du lịch mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy kinh tế địa phương. Tuy nhiên, để du lịch đêm thực sự hiệu quả, cần có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Ngoài ra, cần có các chương trình quảng bá mạnh mẽ để thu hút du khách biết đến và tham gia vào các hoạt động này.
Giám đốc Khu du lịch Cồn Phụng bày tỏ thêm, các giải pháp được đưa ra trong phiên chất vấn như tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, hỗ trợ tài chính và chính sách ưu đãi thuế, cũng như đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đều rất thiết thực và phù hợp với tình hình hiện tại.
Ông Thông chia sẻ, sau đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành Du lịch đã chịu nhiều tổn thất nặng nề. Việc triển khai các biện pháp kích cầu là rất cần thiết để khôi phục lại niềm tin của du khách và kích thích nhu cầu du lịch. Vì thế, việc hỗ trợ tài chính và chính sách thuế ưu đãi sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp du lịch, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập trung vào cải thiện chất lượng dịch vụ và phát triển sản phẩm mới. Mặt khác, việc chú trọng đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là yếu tố then chốt để đảm bảo rằng ngành Du lịch có thể cung cấp dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của du khách.
Để ngành Du lịch phát triển trong thời gian tới, Giám đốc Khu du lịch Cồn Phụng kiến nghị cần phối hợp với các quốc gia láng giềng và các vùng du lịch khác để xây dựng các tour liên tuyến, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng và hấp dẫn hơn; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Du lịch, từ việc quảng bá trực tuyến đến cung cấp dịch vụ du lịch thông qua các ứng dụng và nền tảng trực tuyến, giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin và dịch vụ.
Đồng thời, chú trọng bảo vệ môi trường và văn hóa địa phương, đảm bảo rằng các hoạt động du lịch không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng và thiên nhiên; tăng cường các chiến dịch quảng bá trên các kênh truyền thông quốc tế, tham gia các hội chợ du lịch lớn để giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. “Hy vọng rằng với những giải pháp và kiến nghị này, ngành Du lịch Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn và an toàn cho du khách trong và ngoài nước”, ông Phan Văn Thông nói.
Cần có giải pháp giảm giá vé máy bay để kích thích du lịch
Tâm đắc với ý kiến của các đại biểu Quốc hội quan tâm đến giải pháp hạ giá vé máy bay, ông Trần Văn Tuấn, cử tri quận Bình Thạnh, chủ doanh nghiệp du lịch tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần sớm có giải pháp phối hợp để hạ giá thành vé máy bay xuống mức hợp lý và ổn định để giúp nâng cao tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Thực tế vừa qua, dù đã có nhiều chương trình xúc tiến du lịch với mức giảm giá tour ưu đãi, nhưng các công ty lữ hành, du lịch Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong xây dựng chương trình du lịch cho các điểm đến có khoảng cách xa vì giá thành vé máy bay trong nước quá cao so với giá thành tour.
Cử tri Trần Văn Tuấn cho biết, những nỗ lực của ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện số lượng du khách trong quốc tế và trong nước đến với Thành phố ngày càng tăng, doanh thu của các đơn vị hoạt động lữ hành, du lịch đã tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo cử tri Trần Văn Tuấn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các ngành liên quan và Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục có nhiều giải pháp hữu hiệu hơn nữa để thu hút du khách nước ngoài, quan tâm thúc thị trường du lịch nội địa, để du lịch xứng đáng là một trong những trụ cột kinh tế của Thành phố.
Cử tri Trần Văn Tuấn cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh có tiềm năng du lịch rất lớn, có thể coi là một trong những trung tâm du lịch của Việt Nam vì hội tụ tất cả tiềm năng có thể phát triển tốt các loại hình du lịch hiện có với nhiều điểm đến nổi tiếng về di tích lịch sử cách mạng, thiết chế văn hóa đặc sắc, có cơ sở hạ tầng phát triển du lịch đường sông, du lịch hội nghị… Thêm vào đó, với những chính sách ưu đãi đặc thù của Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố đang có cơ hội rất lớn để tiếp tục phát triển du lịch.
Theo cử tri Trần Văn Tuấn, để biến cơ hội thành hiện thực, rất cần Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh có những giải pháp thực tế, hiệu quả hơn như giảm giá vé máy bay, mở rộng chính sách visa thông thoáng; xây dựng các sự kiện du lịch kết hợp với lễ hội văn hóa-thể thao; phát triển du lịch đêm; tiếp tục triển khai nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng, gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện của Thành phố và quan tâm hơn nữa đến công tác đầu tư nguồn nhân lực cho ngành Du lịch…
Nguồn bài viết : Crowne International Club