Phát triển án lệ góp phần đảm bảo việc thực thi pháp luật được đồng bộ | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

2025-01-18 19:30:47
Tại  hội nghị sơ kết 3 năm nhiệm vụ phát triển án lệ và lấy ý kiến đối với các bản án do Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức, diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/9, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, phát triển án lệ là một nhiệm vụ quan trọng được Quốc hội giao cho ngành Tòa án từ năm 2014. Trong tình hình đất nước hội nhập quốc tế, xã hội ngày càng phát triển, án lệ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các vụ việc có tính chất pháp lý mới mà các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta chưa theo kịp, “bù đắp những khoảng trống về luật pháp”.
Hội nghị sơ kết 3 năm nhiệm vụ phát triển án lệ và lấy ý kiến đối với các bản án, các quyết định được đề xuất phát triển thành án lệ diễn ra vào ngày 17/9/2018. Ảnh: Thành Chung - TTXVN
 
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, thực tiễn vi phạm và tội phạm phát triển rất nhanh so với pháp luật, nhất là thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đã kéo theo sự phát triển của các loại tội phạm công nghệ cao, các vấn đề liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo, các tranh chấp thương mại điện tử, vận tải công nghệ...

Ngoài ra, trong quy định pháp luật còn tồn tại những khái niệm chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu thì án lệ có thể giải quyết những vấn đề này. Án lệ còn giúp tạo ra những chuẩn mực pháp lý mới mà pháp luật chưa quy định, giúp Thẩm phán vận dụng trong xét xử, đảm bảo việc thực thi pháp luật được đồng bộ.
 
Ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Theo đó, việc ban hành án lệ được tiến hành thông qua một quy trình hết sức chặt chẽ từ khâu rà soát, phát hiện, đề xuất án lệ đến khâu thẩm định, thông qua án lệ.

Ngày 6/4/2016, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã lựa chọn, ban hành được 6 án lệ đầu tiên và cho tới nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành được 16 án lệ, trong đó có 1 án lệ về hình sự, 11 án lệ về hành chính và 14 án lệ về dân sự.

"Tuy nhiên, dường như chúng ta đã quá thận trọng, quy trình để ban hành một bản án trở thành án lệ có phần khắt khe”, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhận định.
 
Theo ông Chu Thanh Quang, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân Tối cao, phát triển án lệ là nhiệm vụ mới của Tòa án nhân dân Tối cao theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và các bộ luật, luật tố tụng năm 2015.

Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này được tiến hành trong bối cảnh chưa có thực tiễn để tham khảo mà chủ yếu dựa vào việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn hướng đi phù hợp nhất với tình hình thực tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
 
Bên cạnh đó, các bản án, quyết định của Tòa án được ban hành trước đó không nhằm mục đích để phát triển thành án lệ nên còn thiếu những lập luận, phân tích mang tính khái quát có giá trị áp dụng để giải quyết các vụ việc tương tự; cách thức viết bản án, quyết định còn có những bất cập, chưa phân tích, làm rõ những căn cứ pháp lý để Tòa án ra phán quyết, từ đó ảnh hưởng đến việc đề xuất, lựa chọn bản án, quyết định để phát triển thành án lệ. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc số lượng các bản án, quyết định được lựa chọn, công bố là án lệ trong thời gian qua chưa nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xét xử.
 
Trên thực tế, quá trình xét xử đến nay mới gần 200 bản án có viện dẫn án lệ. Theo các chuyên gia, điều này thể hiện phần nào rằng, trong thực tiễn xét xử vẫn còn có ý kiến băn khăn về giá trị pháp lý của án lệ và trách nhiệm của các Tòa án trong việc áp dụng án lệ.

Theo Tiến sĩ Phạm Quý Tỵ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, sau khi các án lệ được công bố, nhiều Thẩm phán còn e ngại, lúng túng trong việc áp dụng, viện dẫn án lệ dẫn đến việc viện dẫn án lệ không thống nhất. Nguyên nhân của tình trạng này là do các Thẩm phán đã quen với việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ việc, chưa có kinh nghiệm viện dẫn án lệ, áp dụng án lệ.
 
Ngoài ra, Tiến sĩ Phạm Quý Tỵ cũng chỉ ra, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 không có nội dung nào quy định nào về án lệ. Nếu Thẩm phán chỉ quen với việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ việc, chưa có kinh nghiệm viện dẫn án lệ, áp dụng án lệ thì những quy định không thống nhất của pháp luật đã dẫn đến những khó khăn, lúng túng nhất định cho các Thẩm phán khi quyết định án lệ và áp dụng án lệ.
 
Theo các chuyên gia, để đẩy nhanh tiến độ phát triển án lệ, cần sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị quyết số 03/2015 của Hội đồng Thẩm phán. Ông Nguyễn An, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho rằng cần quy định cụ thể theo hướng việc áp dụng án lệ là nghĩa vụ bắt buộc của Thẩm phán.

Cụ thể, khi xét xử các vụ việc liên quan đến quyết định đã trở thành án lệ, các Thẩm phán phải có trách nhiệm viện dẫn án lệ, áp dụng án lệ đó nếu nhận thấy vụ việc đang xét xử có tính tương tự. Nếu không áp dụng án lệ thì phải chỉ ra lý do chính đáng trong việc không áp dụng án lệ đã có và tự chịu trách nhiệm trong trường hợp không viện dẫn án lệ liên quan đến vụ việc mình đang xét xử.
 
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng cần bổ sung Điều 6 Nghị quyết nội dung phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thảo luận, thông qua án lệ có thể có sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và một số cơ quan, bộ ngành có liên quan; Hướng dẫn một khoản riêng về các trường hợp không áp dụng án lệ để tạo thuận lợi cho các Tòa án khi nghiên cứu, vận dụng trong thực tiễn xét xử; Bổ sung một điều hướng dẫn cụ thể về cách viện dẫn án lệ trong bản án, quyết định của Tòa án.
 
Bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Hội đồng tuyển chọn án lệ cần mở rộng chọn án lệ không chỉ là bản án, quyết định giám đốc thẩm mà là những bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm có hiệu lực pháp luật đáp ứng các tiêu chí để chọn lựa thành án lệ theo Nghị quyết số 03/2015 của Hội đồng Thẩm phán thì nguồn án lệ mới đa dạng, phong phú và dễ hiểu, dễ áp dụng.
 
Hiện sau 16 bản án lệ, Tòa án nhân dân Tối cao đang lấy ý kiến về 20 bản án, quyết định đề xuất phát triển thành án lệ. Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án nhân dân Tối cao kỳ vọng đẩy nhanh tiến trình phát triển án lệ, để mỗi năm có ít nhất từ 2 – 3 sách công bố và bình luận án lệ được xuất bản.

Bên cạnh việc nghiên cứu đơn giản hóa các quy trình; nâng cao chất lượng các bản án, quyết định của Tòa án, tạo nguồn để phát triển án lệ, Tòa án nhân dân Tối cao cũng yêu cầu các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án nâng cao nhận thức, kiến thức về giá trị pháp lý và ý nghĩa của án lệ trong việc giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính./.
 Nguyễn Chung
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN
Top