Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 là 19 ngày, khai mạc vào ngày 20/5 và bế mạc vào ngày 13/6. Đáng chú ý, Quốc hội dự kiến dành 7 ngày để thực hiện việc giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề nghị của Chính phủ, cơ quan hữu quan, dự kiến nội dung kỳ họp có sự điều chỉnh. Cụ thể, đề nghị bổ sung vào chương trình 4 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.
Cùng với đó 3 dự án luật được đề nghị rút khỏi chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7, gồm: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện. “Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội nhưng vẫn còn tình trạng đề nghị điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sau thời gian ngắn được Quốc hội thông qua chương trình. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao đổi để Chính phủ lưu ý khắc phục tại các kỳ họp sau” - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Nói về tình hình chuẩn bị cho kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực phối hợp, chủ động nghiên cứu để chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn chưa nghiêm túc.
Đến thời điểm hiện nay, các dự án, dự thảo trình Quốc hội xem xét, thông qua đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trong đó có dự án luật được trình hai lần; có 2 dự án luật được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội. Đối với 8 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, đã có 2 dự án trình tại phiên họp tháng 3-2019; còn 6 dự án và các nội dung về giám sát chuyên đề, Chương trình giám sát của Quốc hội được trình tại phiên họp này.
Tại phiên họp tháng 5-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; báo cáo việc giải quyết kiến nghị của cử tri và một số vấn đề quan trọng khác chuẩn bị cho kỳ họp...
Thảo luận về việc chất vấn, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, vừa rồi giữa nhiệm kỳ, Quốc hội đã hỏi tất cả các lĩnh vực, tất cả các bộ trưởng đều phải đăng đàn. Điều đó rất cần thiết, rất hay, nhưng nếu bây giờ tiếp tục làm như thế, theo Phó Chủ tịch Quốc hội không thật cần thiết. Tôi nghĩ nên quay trở lại việc gợi ý một số chuyên đề để một số bộ trưởng trả lời; thời gian chất vấn nên rút ngắn ít nhất nửa ngày, gói gọn trong hai ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề xuất.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị chất vấn lần này quay trở lại cách làm như bình thường. Lần trước chúng ta làm rất hay, nhưng nhiều bộ trưởng cũng tâm tư nói nếu cứ tiếp tục làm thế này, lần trước chúng tôi bị chất vấn, lần này lại tiếp tục để kiểm tra việc thực hiện lần trước. Vậy có những bộ trưởng chưa chất vấn thì hầu như không phải trả lời- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu.
Kết luận phiên thảo luận, cơ bản thống nhất với dự kiến chương trình kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến tại phiên họp để bổ sung, hoàn thiện chương trình kỳ họp thứ 7. Về chương trình, nội dung xây dựng luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật Công đoàn; đề nghị Chính phủ rà soát lại tất cả các dự án luật cần phải sửa khi Việt Nam tham gia CPTPP.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan chuẩn bị tất cả các nội dung trình Quốc hội lần này; các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong chuẩn bị các báo cáo, dự án trình ra Quốc hội bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Văn phòng Quốc hội cho áp dụng một số chương trình phần mền có thể phục vụ cho đại biểu Quốc hội ngay tại kỳ họp này; đồng ý thăm dò ý kiến bằng bảng điện tử nhưng phần mềm phải có sự thay đổi hợp lý.
Nguồn bài viết : Thống Kê Xổ Số