Đoàn kiểm tra do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Trưởng đoàn kiểm tra số 1 chủ trì cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra, quá trình chuẩn bị tài liệu, báo cáo nghiêm túc, công phu của các Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao, giúp Đoàn hoàn thành nhiệm vụ.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, việc kiểm tra là công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo). Qua đánh giá tình hình cho thấy, công tác phát hiện hành vi tham nhũng của cả hệ thống chính trị những năm gần đây có chuyển biến tích cực, được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, công tác thu hồi tài sản tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu, từ đó ảnh hưởng xấu và giảm hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.
Việc kiểm tra sẽ giúp cho Ban Chỉ đạo đánh giá đúng thực trạng, tìm ra nguyên nhân dù đã quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo nhưng kết quả thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ còn thấp. Qua kiểm tra, chỉ ra những cơ chế, chính sách nào còn thiếu, bất cập, khó thực hiện để kiến nghị Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo tháo gỡ hoặc kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư có giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Đây là những vấn đề chủ yếu mà Đoàn kiểm tra và Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao tập trung rà soát, đánh giá qua công tác kiểm tra.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, sau khi báo cáo chính thức của Đoàn kiểm tra được ban hành, gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao cần ban hành kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả các kiến nghị của Đoàn kiểm tra, nhất là kiến nghị liên quan đến việc hướng dẫn công tác xét xử và thu hồi tài sản tham nhũng, sớm trả lời một số kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự để thi hành phần tài sản liên quan đến bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng…
Theo Đoàn kiểm tra, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao đã kịp thời tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, trong đó có công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; chỉ đạo kịp thời công tác xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm. Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực; yêu cầu của việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt ngày càng được quan tâm, chú trọng.
Nhiều vụ án lớn, qua xét xử đã thu hồi được phần lớn số tiền bị thiệt hại, chiếm đoạt về cho Nhà nước như vụ Giang Kim Đạt và đồng phạm, vụ Hứa Thị Phấn và đồng phạm… Quá trình xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, cấp giám đốc thẩm, tái thẩm đã thực hiện tốt vai trò khi quyết định hủy quyết định kê biên không có căn cứ của Tòa án cấp phúc thẩm, khắc phục kịp thời các sai sót của cấp phúc thẩm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo của Đoàn kiểm tra cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục. Đó là việc kiểm tra, giám sát chuyên đề về công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thực hiện còn ít, chưa thường xuyên. Trong một số vụ án, Hội đồng xét xử chưa quan tâm đúng mức đến việc truy thu tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong vụ án; có trường hợp tòa án chậm giải thích bản án khi cơ quan thi hành án đề nghị; có trường hợp tòa án tuyên không rõ ràng, khó thi hành.
Báo cáo của Đoàn kiểm tra chỉ ra những khó khăn, vướng mắc đối với công tác này của Tòa án nhân dân Tối cao. Đó là, các vụ án tham nhũng, kinh tế thường do nhiều người thực hiện. Việc chứng minh đồng phạm và xác định tội danh của các bị cáo trong một số vụ án gặp nhiều khó khăn do diễn biến hành vi tội phạm của các bị cáo rất phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều công đoạn, pháp luật hiện hành chưa có quy định hoặc quy định chưa chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể. Do vậy, các bên khi tranh tụng, nhận thức và đánh giá không thống nhất.
Công tác giám định tư pháp, nhất là giám định về tài chính, kế toán, xây dựng còn nhiều bất cập, vướng mắc. Hầu hết các vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử có tranh luận gay gắt tại phiên toà về xác định thiệt hại và kết luận giám định. Một số trường hợp, đại diện các ngân hàng là nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan khẳng định các giao dịch của ngân hàng là hợp pháp, ngân hàng không bị thiệt hại, không yêu cầu bồi thường, mâu thuẫn với kết quả điều tra và truy tố cũng như căn cứ để buộc tội các bị cáo có liên quan.
Đối với các vụ án tham nhũng trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng thường có hậu quả vật chất rất lớn nhưng có vụ, cơ quan điều tra chưa chú trọng thu thập chứng cứ để giải quyết phần tài sản trong các vụ án. Vì vậy, Toà án gặp khó khăn trong việc xác minh, làm rõ và xử lý vấn đề dân sự và xem xét việc thu hồi tài sản trong vụ án hình sự.
Sự thay đổi các quy định của pháp luật về hàng cấm, hàng kinh doanh có điều kiện đối với thuốc lá điếu, pháo nổ; sự không thống nhất giữa các văn bản pháp luật dẫn đến nhiều trường hợp phải đình chỉ vụ án và tuyên bị cáo không phạm tội hoặc miễn trách nhiệm hình sự, phải xử lý các tài sản thu giữ có liên quan. Việc xử lý vật chứng, tang vật là mẫu vật của động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm chưa rõ ràng.
Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng có yếu tố nước ngoài phải yêu cầu tương trợ tư pháp, song việc yêu cầu nước ngoài, nhất là những nước chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp gặp nhiều khó khăn.
Theo Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Tòa án các cấp quán triệt việc xét xử nghiêm túc các vụ án tham nhũng, có khi còn tuyên mức án nặng hơn đề nghị của Viện Kiểm sát, tài sản tham nhũng được thu hồi triệt để.
Tòa án nhân dân Tối cao đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác xét xử của tòa án cấp dưới một cách nghiêm túc, nhất là đối với vụ án tham nhũng, kinh tế. Qua công tác kiểm tra nhằm chấn chỉnh, phát hiện các sai sót, lập lại kỷ cương, kỷ luật đối với công tác xét xử, nhiều bản án được kháng nghị qua các đợt kiểm tra, đã có hơn 400 đợt kiểm tra các loại trong toàn ngành Tòa án với nhiều nội dung khác nhau.
Nguồn bài viết : Crown Poker Club