Cụm dân cư kết nghĩa - mô hình cần nhân rộng |
Khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân Lào |
Bà Sen kể lại, vào những năm 1965-1970, bà từng sang Campuchia cạo mủ cao su để kiếm sống. Khi trở về Việt Nam, bà buôn bán tại các chợ tự phát giáp biên giới. Hơn 70 năm sống ở biên giới, bà Sen đã quen với hình ảnh người dân hai nước qua lại, giao lưu, buôn bán.
Bà nói: "Tôi biết nói tiếng Campuchia từ nhỏ và thường sang các chợ bên ấy. Người dân hai bên biên giới sống như bạn bè, xóm giềng thân thiết. Thỉnh thoảng, chúng tôi gặp nhau, ôn lại chuyện xưa. Những tình cảm ấy chỉ người dân vùng biên mới hiểu hết. Chính quyền và bộ đội hai bên cũng thường xuyên giúp đỡ bà con".
Các y bác sĩ khám chữa bệnh cho người dân. (Ảnh: Thủy Triều) |
Hoạt động thiện nguyện không dừng lại ở xã Tân Bình. Đến đầu giờ chiều, đoàn y bác sĩ Tâm Việt tiếp tục vượt Cửa khẩu quốc tế Tân Nam sang xã Kọ (huyện Kret, tỉnh Tbuông Khmum, Vương quốc Campuchia) để khám bệnh và phát thuốc cho người dân Campuchia có hoàn cảnh khó khăn. Đoàn gồm 90 y bác sĩ khởi hành từ 4 giờ sáng, mang theo đầy đủ thiết bị y tế, thuốc men và những phần quà ý nghĩa.
Dù đã 79 tuổi, bác sĩ Lê Quang Lạc (đoàn phó đoàn y bác sĩ Tâm Việt, ngụ tại TP.HCM), vẫn tươi cười sau chặng đường hàng trăm km. Ông đã gắn bó với các hoạt động thiện nguyện hơn một thập kỷ, kể từ khi tham gia đoàn Tâm Việt vào năm 2010. Đối với bác sĩ Lạc, những chuyến đi thiện nguyện sang Lào, Campuchia luôn để lại cho ông những cảm xúc đặc biệt.
"Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức các đoàn y tế sang Campuchia. Nhiều người dân Campuchia đã rưng rưng nước mắt khi nhận những túi thuốc, phần quà. Đó là niềm vui lớn nhất của người bác sĩ. Nếu có sức khỏe, tôi sẽ vẫn tiếp tục đi", bác sĩ Lạc nói, hy vọng thế hệ bác sĩ trẻ sẽ tiếp nối con đường thiện nguyện này.
Bác sĩ Võ Tấn Cường (61 tuổi, ngụ tại TP.HCM) cũng chia sẻ những kỷ niệm khó quên. “Những chuyến đi giúp tôi hiểu hơn về cuộc sống của người dân Campuchia. Nhiều gia đình còn rất khó khăn, thiếu thốn chăm sóc y tế. Khi nhận được viên thuốc hay túi quà, họ luôn xúc động và trân quý”, ông nói.
Chương trình còn mở rộng với hoạt động xây dựng nhà tình nghĩa. Ban tổ chức còn trao tặng 320 triệu đồng để xây dựng 4 căn nhà “Tình nghĩa quân - dân” cho các gia đình khó khăn tại huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh). Đồng thời, 800 phần quà với tổng trị giá 160 triệu đồng cũng được gửi đến các hộ gia đình nghèo, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” giữa hai nước.
Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia TP.HCM cho biết: sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều chương trình ý nghĩa nhằm chăm lo đời sống cho người dân vùng biên, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia ngày càng bền chặt.
Không chỉ có các bác sĩ TP.HCM, các y bác sĩ tỉnh Long An cũng thể hiện tinh thần gắn bó với các chuyến công tác đầy nhiệt huyết. Năm 2023, Thượng úy Đặng Thị Tuyết Mai, y sĩ Bệnh xá Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long An, đã tình nguyện cùng đoàn công tác đến xã Chres, huyện Chantrea, tỉnh Svay Rieng, Campuchia. Lộ trình hơn 200km, đoàn khởi hành từ 3 giờ sáng để kịp khám chữa bệnh cho người dân vùng sâu. Thượng úy Mai xúc động chia sẻ rằng mỗi chuyến đi đều giúp chị nhận ra giá trị của sự sẻ chia. Niềm vui của người dân Campuchia khi nhận được sự chăm sóc tiếp thêm động lực cho các y bác sĩ.
Trời càng về trưa, nắng gắt như đổ lửa, những chiếc áo blouse thấm đẫm mồ hôi. Các y bác sĩ vẫn miệt mài khám bệnh với tinh thần tận tụy, chu đáo. Bà Kong Chit, một người dân xã Chres, nói: “Gia đình tôi nghèo, không có điều kiện đi khám bệnh. Hôm nay có các bác sĩ Việt Nam đến khám miễn phí nên tôi đến nhờ. Chúng tôi thật sự biết ơn những người bạn Việt Nam”.
Chị Sun Ny, ở xã Cham, huyện Kampong Trabaek, tỉnh Prey Veng, bị thoái hóa đốt sống lưng từ lâu, mọi sinh hoạt đều nhờ gia đình giúp đỡ. Nghe tin có đoàn bác sĩ bộ đội Việt Nam đến khám miễn phí, chị được anh ruột và con trai dìu đến khám. Ngoài việc chẩn đoán và kê thuốc, các bác sĩ còn bổ sung thuốc bổ để giúp chị tăng sức đề kháng. Chị bộc bạch: “Gia đình tôi khó khăn, tôi bệnh tật, chồng đi làm thuê. Được bộ đội Việt Nam khám bệnh, cấp thuốc và tặng quà, tôi xúc động lắm. Tôi sẽ luôn nhớ mãi tình cảm này”.
Đại tá Nguyễn Minh Tấn, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long An, cho biết nhiều năm qua, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long An và Tiểu khu Quân sự các tỉnh Prey Veng, Svay Rieng đã ký kết quy chế kết nghĩa, hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực. "Chúng tôi mong muốn không chỉ chia sẻ khó khăn mà còn xây dựng nền tảng vững chắc cho tình đoàn kết, hỗ trợ lâu dài", ông nói.
Các hoạt động thiện nguyện ở biên giới Việt Nam - Campuchia đã và đang góp phần khẳng định ý nghĩa của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Không dừng lại ở những sự kiện như khám chữa bệnh hay tặng quà, các chương trình này còn giúp kết nối văn hóa, giáo dục và phát triển bền vững. Việt Nam và Campuchia đang tiếp tục rộng hợp tác trong giao lưu văn hóa, hỗ trợ giáo dục và xây dựng cơ sở hạ tầng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân biên giới. Đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là sứ mệnh thiêng liêng để củng cố nền tảng hợp tác bền vững giữa hai quốc gia.
Tây Ninh: xuất quân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Campuchia |
Tấm lòng Việt Nam nuôi dưỡng ước mơ lưu học sinh Lào, Campuchia |
Nguồn bài viết : TP Trực Tuyến