Việt Nam- Thái Lan tiếp tục hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực văn hóa |
Thái Lan - Việt Nam phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2025 |
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành. |
Đại sứ cho biết:
Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 6/8/1976. Năm 1978, hai bên mở Đại sứ quán tại mỗi nước. Vào giai đoạn này, quan hệ hai nước có bước khởi đầu tốt đẹp sau chuyến thăm chính thức Thái Lan của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào tháng 10/1978. Đầu những năm 1990, vượt qua thử thách của một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn, quan hệ hai nước nồng ấm trở lại, hai bên đã nối lại các chuyến thăm cấp cao, trong đó phải kể đến chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Đỗ Mười tháng 10/1993, chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt vào tháng 10/1991. Về phía Thái Lan, chuyến thăm của Thái tử Maha Vajiralongkorn (nay là Nhà Vua Rama X) vào tháng 11/1992, chuyến thăm của Thủ tướng Thái Lan Anand Panayachun đến Việt Nam tháng 1/1992 và của các nhà lãnh đạo khác.
Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN. Mái nhà chung ASEAN tiếp thêm động lực cho quan hệ song phương Việt Nam - Thái Lan mở rộng và phát triển mạnh mẽ. Sau thời điểm này, quan hệ hai bên không ngừng được vun đắp, ngày càng tăng cường và củng cố về mọi mặt.
Năm nay, nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nhìn lại chặng đường 45 năm qua có thể nói, mặc dù trải qua những thăng trầm do biến động tại khu vực và mỗi nước, song quan hệ Việt Nam - Thái Lan vẫn luôn được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước gìn giữ, củng cố, ngày càng tin cậy và đến nay đã phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực. Về mặt nhà nước, hai bên đã nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 6/2013. Thái Lan là quốc gia duy nhất mà Chính phủ Việt Nam có cơ chế họp Nội các chung, hiệu quả, với sự chủ trì của hai Thủ tướng và tất cả các thành viên chính phủ hai nước tham dự. Ngoài ra, hai bên còn có cơ chế Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương do hai Bộ trưởng Ngoại giao đồng chủ trì, Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao hàng năm.
Hai nước đã ký hơn 50 hiệp định, thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có những thỏa thuận có tính chất nền tảng như: Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Thái Lan trong thập niên đầu của thế kỷ XXI (2002), Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Thái Lan (nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2013), Chương trình Hành động giai đoạn 2014 - 2018 về triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược (nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha năm 2014), Tuyên bố chung về Tầm nhìn an ninh Thái Lan - Việt Nam giai đoạn 2012 - 2016 (nhân cuộc họp Nội các chung lần thứ 2 năm 2012), Kế hoạch hành động về hợp tác thương mại và đầu tư giai đoạn 2015 - 2020 (nhân cuộc họp Nội các chung lần thứ 3 năm 2015).
Đối ngoại nhân dân là một trong những trụ cột của quan hệ giữa hai nước, đã có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Thái Lan trong thời gian qua. Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan đã đóng vai trò quan trọng trong giao lưu nhân dân kể từ khi thành lập, đã cùng với Hội hữu nghị Thái Lan - Việt Nam trở thành cầu nối hữu hiệu, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau cũng như quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước. Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan với Hội hữu nghị Thái Lan - Việt Nam ngày càng phát triển và hoạt động hiệu quả. Hai Hội cũng đã phát huy mạnh mẽ vai trò cầu nối cho hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục Thái Lan - Việt Nam với việc tích cực và chủ động hơn trong việc tăng cường gắn kết để thực sự trở thành cầu nối quan trọng trong ngoại giao nhân dân giữa hai nước. Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, Hội hữu nghị Thái Lan - Việt Nam đã đứng ra tổ chức hoặc tham gia phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hai nước kết nối, tìm kiếm cơ hội làm ăn, kinh doanh và hợp tác hiệu quả.
Xin Đại sứ đánh giá về hợp tác giao lưu nhân dân giữa hai nước và chúng ta cần làm gì để thúc đẩy các hoạt động giao lưu nhân dân trong thời gian tới?
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 04-CT/TƯ ngày 6/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”, đối ngoại nhân dân đã thu được những kết quả đáng phấn khởi. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định đối ngoại nhân dân là một trụ cột trong chiến lược ngoại giao toàn diện của nước ta, nhằm thu hút thêm bạn bè của Việt Nam trên thế giới, sự ủng hộ, hợp tác của nhân dân các nước, qua đó xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa nhà nước Việt Nam với các nước khác. Công tác đối ngoại nhân dân với Thái Lan đã có phương thức hoạt động đa dạng, hỗ trợ hiệu quả cho quan hệ ngoại giao hai nước, quảng bá hình ảnh, tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Hai Hội hữu nghị đã xây dựng được cơ chế hợp tác họp luân phiên hàng năm tại mỗi nước trong 10 năm qua, giúp giải quyết được nhiều vấn đề trong hợp tác giao lưu nhân dân giữa hai nước. Ngoài ra, Hội hữu nghị Thái Lan - Việt Nam luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, phối hợp và hỗ trợ cho bà con Việt kiều tại Thái Lan triển khai các hoạt động giao lưu nhân dân.
Hoạt động giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Thái Lan diễn ra sôi nổi với 17 cặp tỉnh, thành phố của Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác hoặc kết nghĩa với các địa phương Thái Lan nhằm khai thác thế mạnh, tiềm năng hợp tác của các địa phương. Đặc biệt, quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước tại khu vực Đông Bắc Thái Lan đã góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch và đầu tư, thông qua phát triển tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây. Thông qua hợp tác giữa các cặp tỉnh kết nghĩa, hợp tác giáo dục đã được thúc đẩy, đồng thời hai Hội Hữu nghị đã thúc đẩy kết nối hợp tác Trường Đại học Vinh với Trường Đại học Khỏn Kèn; Trường Đại học Nguyễn Tất Thành với Trường Đại học Chiang Rai; giữa Trường Cao đẳng Du lịch Huế với Khoa xã hội Nhân Văn Trường Đại học Khỏn Kèn. Hai bên tích cực tăng cường hoạt động trao đổi sinh viên theo học tại các trường ở Việt Nam và Thái Lan với việc các trường duy trì việc cấp học bổng cho sinh viên mỗi nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hợp tác và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Thái Lan vẫn còn tồn tại một số hạn chế như các hoạt động chưa thực sự đi sâu vào các tầng lớp nhân dân; công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá còn khá khiêm tốn; mới tập trung vào giao lưu hữu nghị, chưa đi sâu vào các lĩnh vực hợp tác cụ thể. Hạn chế về kinh phí dẫn đến chưa tổ chức được nhiều hoạt động có quy mô. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, hai bên không thể qua lại dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các hoạt động giao lưu.
Để thúc đẩy giao lưu nhân dân với Thái Lan cần làm tốt những việc sau đây: Một là, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, việc làm giữa hai nước trong đó lấy con người là trung tâm, qua đó tăng cường sự giao lưu kết nối các tầng lớp nhân dân với nhau. Phát huy vai trò học sinh, sinh viên, người lao động là cầu nối quan trọng của giao lưu nhân dân. Đa dạng hóa hình thức giao lưu văn hóa, giáo dục trong đó có việc khuyến khích học tiếng Thái, tiếng Việt. Hai là, tăng cường trao đổi du lịch nhất là du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch y tế vừa để phát triển hợp tác kinh tế vừa tạo điều kiện nâng cao hiểu biết lẫn nhau giữa người dân. Ba là, làm tốt công tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong con mắt bạn bè Thái Lan và ngược lại. Bốn là, phát huy vai trò cầu nối văn hoá của cộng đồng người Thái gốc Việt và người Việt sinh sống ở Thái Lan và cộng đồng người Thái Lan tại Việt Nam. Năm là, tăng cường sự phối hợp giữa các hội đoàn, nhất là Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan và Hội hữu nghị Thái Lan - Việt Nam với các tổ chức khác trong việc triển khai các dự án, các chương trình nhằm tăng cường sự hiểu biết và giao lưu nhân dân. Sáu là, tiếp tục phát huy vai trò của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội trong việc phối hợp, hỗ trợ giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương.
Đại sứ Phan Chí Thành thăm bà con kiều bào tại tỉnh Chaiyaphum, Thái Lan (12/2020). |
Tình hình đời sống bà con Việt kiều tại Thái Lan hiện nay như thế nào, thưa Đại sứ?
Cộng đồng người Việt ở Thái Lan khá đa dạng, ước tính hơn 100.000 người. Đây là cộng đồng rất nhân văn, đáng trân trọng, hội nhập tốt vào sở tại, được Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Thái Lan thừa nhận và ủng hộ. Quan hệ Việt Nam và Thái Lan ngày càng tốt đẹp đã tạo điều kiện cho kiều bào trên toàn Thái Lan an tâm, hòa nhập, ổn định cuộc sống, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội sở tại, đồng thời là cầu nối quan trọng gắn kết tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc. Bà con luôn hướng về cội nguồn, đặc biệt luôn đi đầu trong số các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có hoạt động hướng về quê hương, đất nước, tiêu biểu như trong đợt quyên góp ủng hộ lũ lụt miền Trung năm 2020 và ủng hộ Quỹ vacxin COVID-19 năm 2021.
Về đời sống vật chất, bà con khi mới sang Thái Lan đều rất khó khăn, nhưng nhờ sự bền bỉ, yêu lao động, cuộc sống của họ ngày càng ổn định. Ngày nay đa số kiều bào đều có cuộc sống khá giả hoặc trung bình. Các thế hệ con cháu sau này đã hòa nhập hoàn toàn vào xã hội sở tại, trở thành những doanh nhân và trí thức thành đạt, nhiều người là bác sĩ, giáo sư, đặc biệt là gần đây khá nhiều người Thái gốc Việt được nhân dân địa phương tín nhiệm bầu vào bộ máy chính quyền địa phương, tham gia tích cực vào đời sống chính trị sở tại.
Về đời sống tinh thần, bà con luôn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, dạy và học ngôn ngữ tiếng Việt, xây dựng, bảo tồn các ngôi chùa của người Việt. Đến nay ở Thái Lan có 23 ngôi chùa Việt đang hoạt động, riêng tại Thủ đô Bangkok có 7 chùa. Đặc biệt, có 3 khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 3 tỉnh Phi Chit, Udon Thani và Nakhon Phanom rất khang trang và tôn kính, trở thành những điểm đến du lịch lịch sử rất hấp dẫn không chỉ người Việt mà còn với người dân Thái Lan. Phong trào học tiếng Việt khá sôi động, Hội Người Việt Nam tại nhiều địa phương thường xuyên tổ chức các lớp dạy tiếng Việt, nên nhiều con cháu kiều bào biết đọc, biết viết, đọc thơ, hát các bài hát tiếng Việt. Trong hệ thống giáo dục Thái Lan, tiếng Việt được sử dụng trong trường phổ thông theo nhu cầu thực tế của mỗi địa phương, tại một số trường đại học lớn của Thái Lan thường có khoa tiếng Việt và được dạy như một ngoại ngữ.
Xin Đại sứ đánh giá triển vọng hợp tác trong lĩnh vực thương mại và du lịch giữa hai nước?
Trên cơ sở kết quả tích cực thời gian vừa qua và quyết tâm của hai nước, tôi tin tưởng hoạt động hợp tác trong lĩnh vực thương mại và du lịch Việt Nam - Thái Lan thời gian tới sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Hợp tác thương mại Việt Nam và Thái Lan những năm gần đây rất sôi động, tăng đều qua các năm. Kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt khoảng 17,5 tỷ USD và gần 16 tỷ USD trong năm 2020 bất chấp dịch COVID-19, chiếm khoảng 30% tổng giá trị trao đổi của Việt Nam với ASEAN. Trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch hai chiều ước đạt 10 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020. Gần đây, lãnh đạo hai nước đã thống nhất đặt mục tiêu kim ngạch hai chiều đạt 25 tỷ USD vào năm 2025. Tôi cho rằng, nếu hai bên có thể giải quyết được các rào cản, vướng mắc hiện nay thì hoạt động xuất nhập khẩu hai chiều sẽ còn sôi động hơn nữa. Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đang hết sức nỗ lực thúc đẩy các cơ quan hữu quan hai nước bàn bạc thống nhất về các biện pháp xúc tiến thương mại; tạo các diễn đàn làm cầu nối để kết nối các địa phương, doanh nghiệp hai nước nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động hợp tác thương mại hai nước được sôi động hơn trong thời gian tới.
Hoạt động hợp tác trong lĩnh vực du lịch cũng hết sức tích cực nhờ các yếu tố như vị trí địa lý gần gũi, đường bay thuận tiện. Thái Lan và Việt Nam nằm trong nhóm 12 thị trường gửi khách hàng đầu của nhau. Lượng khách du lịch Thái Lan đến Việt Nam đứng thứ 10 trong số khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và đứng thứ 4 trong nhóm các nước ASEAN... Trước đại dịch COVID-19, khách du lịch Thái Lan vào Việt Nam trong năm 2019 là 510.000 lượt, tăng 50% so với năm 2018; trong khi khách du lịch Việt Nam sang Thái Lan đạt 1,07 triệu lượt. Người dân Việt Nam cũng rất ưa chuộng hình thức du lịch y tế tại Thái Lan với hệ thống bệnh viện chất lượng tốt trong khi chi phí khá hợp lý. Trước dịch COVID-19, hàng năm có vài trăm người Việt Nam sang khám, chữa bệnh tại Thái Lan; thậm chí trong thời kỳ COVID-19, nhiều người Việt Nam vẫn sang Thái Lan chữa bệnh. Thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan mong muốn phối hợp với các hãng hàng không, du lịch của Việt Nam tổ chức các sự kiện quảng bá hai chiều thị trường du lịch Việt Nam và Thái Lan khi hai nước mở cửa trở lại du lịch quốc tế.
Xin Đại sứ cho biết, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm, chú trọng vào sản phẩm, dịch vụ gì cung cấp cho thị trường Thái Lan nhằm tăng hàm lượng xuất khẩu sang Thái Lan?
Xuất khẩu Việt Nam sang Thái Lan khá khiêm tốn, chỉ bằng 1/2 so với xuất khẩu Thái Lan sang Việt Nam, chưa tương xứng với tiềm năng của một thị trường 70 triệu dân và thu nhập bình quân trên đầu người đạt 7.190 USD. Người tiêu dùng Thái Lan rất ưa chuộng hàng Việt Nam, đặc biệt là trái cây tươi, thủy sản, sữa, đồ dùng học tập, điện thoại và linh kiện, máy vi tính... với ưu thế về chất lượng, bảo đảm nguồn hàng phong phú và giá cả cạnh tranh. Các địa phương khu vực Đông Bắc Thái Lan nơi có đông kiều bào sinh sống muốn nhập các mặt hàng nông sản Việt Nam như quả vải, hạt cà phê...
Mặc dù vậy, có một thực tế rằng hàng Việt Nam rất khó thâm nhập được vào thị trường Thái Lan do nhiều nguyên nhân. Về chủ quan, công tác nghiên cứu thị trường và quảng bá thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam còn chưa tương xứng; doanh nghiệp kiều bào ta tại Thái Lan mặc dù rất muốn hợp tác làm ăn với Việt Nam nhưng còn thiếu thông tin và kết nối chưa hiệu quả với các địa phương, doanh nghiệp trong nước. Nguyên nhân khách quan gồm đặc thù thị trường Thái Lan, một số rào cản kỹ thuật, biện pháp phi thuế quan cần được hai bên tháo gỡ.
Thái Lan đang đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài với nhu cầu về tất cả các lĩnh vực. Đây là thị trường đầu tư ổn định, an toàn, đầy tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam nhất là trong các lĩnh vực y tế và công nghệ sinh học, cơ sở hạ tầng, kinh tế số, ô tô điện, điện tử, chế biến thực phẩm, dịch vụ du lịch... Để thúc đẩy hoạt động đầu tư và xuất khẩu Việt Nam sang Thái Lan sôi động hơn, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược thị trường cụ thể và bài bản tại thị trường Thái Lan, chú trọng hơn đến khâu thị hiếu đặc thù của người tiêu dùng, bao bì, nhãn mác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần mạnh dạn trong việc quảng bá thương hiệu tại thị trường Thái Lan thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại và các chương trình giới thiệu hàng Việt tại các kênh phân phối lớn; trong bối cảnh COVID-19, có thể tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các nền tảng trực tuyến với đối tác...
Tóm lại, sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam – Thái Lan ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực hiệu quả, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước. Lãnh đạo và nhân dân hai nước có sự tin cậy cao. Hợp tác song phương đang được phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đối ngoại nhân dân. Tôi cho rằng quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Thái Lan có triển vọng rất tươi sáng trong những thập kỷ tới, điều cần thiết nhất là các cơ quan làm về đối ngoại nhân dân cần nắm bắt và có các hoạt động thiết thực, kịp thời để biến cơ hội thành hiện thực.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Đại sứ quán Thái Lan và VUFO trao đổi thông tin về các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước |
Hội Hữu nghị Việt Nam – Thái Lan tỉnh Đồng Nai trao tặng 15.000 khẩu trang hỗ trợ người dân Thái Lan |
Nguồn bài viết : Athena Bridge & Poker