Hành trình tìm mộ liệt sĩ

2025-01-17 20:15:25
Từ Quảng Trị, người Mỹ ước nguyện hòa bình
Cựu binh Mỹ nâng bước trẻ em Quảng Trị tới trường

Trong hai tuần cuối tháng 6 vừa qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Viện Hòa bình Mỹ đã tổ chức chuyến thăm Việt Nam cho một phái đoàn gồm các cựu chiến binh Mỹ đang tích cực hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và đại diện tổ chức kết nối gia đình các quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh-Mission POW MIA.

Khác với lần đầu tự lên kế hoạch trở lại Việt Nam vào năm 2017, chuyến trở lại lần này của cựu binh Mỹ Richard W.Magner có mục tiêu rõ ràng hơn là hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm thông tin, xác định vị trí các mộ liệt sĩ Việt Nam được quân đội Mỹ chôn sau các trận đánh.

Cựu chiến binh Mỹ Bob Connor (thứ 3 từ trái sang) trao hồ sơ thông tin mộ liệt sĩ cho Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.

“Chúng tôi có chuyến đi khảo sát thực địa tại nhiều tỉnh và đã trao 21 bộ hồ sơ về vị trí các khu mộ tập thể cho Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và cơ quan chức năng tại địa phương. Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Tây Ninh với 11 bộ hồ sơ. Vùng đất này cũng có ý nghĩa nhất đối với tôi vì trong chiến tranh, tôi từng nhiều lần lái máy bay chiến đấu qua đây”, ông Magner cho biết.

Để có 21 bộ hồ sơ xác định vị trí các khu mộ tập thể, trong đó gồm các thông tin, tư liệu, hình ảnh tọa độ, vị trí, sơ đồ chỉ dẫn, được khai thác từ các nguồn: thư viện lưu trữ tư liệu chiến tranh Việt Nam; kho trữ ảnh vệ tinh viễn thám Mỹ; ảnh vệ tinh Google Earth; ảnh và tư liệu trên các website, blog cá nhân, các trang ảnh cá nhân của cựu chiến binh Mỹ chia sẻ trên facebook, Picasa, Flick… hai ông Magner và Bob Connor đã dành phần lớn thời gian trong suốt hơn 10 năm để tìm kiếm, phân tích thông tin, xử lý hình ảnh, trao đổi với các nhân chứng thông qua hàng nghìn email, cuộc điện thoại...

Ông Magner, 78 tuổi, hiện sống tại thị trấn Glastonbury, tiểu bang Connecticut, Mỹ, từng tham chiến tại Việt Nam trong hai năm 1968-1969, thuộc biên chế Biệt đội Hổ mang, Phi đoàn 229, Tiểu đoàn Trực thăng, Sư đoàn 1, với nhiệm vụ lái máy bay trực thăng AH-1 Cobra.

Ngày 23/2/1969, tại căn cứ Dầu Tiếng (mật danh là Camp Rainier), trong khi máy bay cất cánh từ sân bay trực thăng nằm phía bắc căn cứ, phi công Magner quan sát thấy dưới rãnh đào của máy ủi có nhiều thi thể bộ đội Việt Nam được lính Mỹ thu gom và đang chờ chôn lấp. Từ trên máy bay, ông đã chụp được bức ảnh bao quát khung cảnh này.

Tháng 3/1969, trong khi tham gia trận chiến ở phía đông dãy núi Bà Đen, máy bay của Magner bị trúng đạn, phải hạ cánh khẩn cấp. Ông bị thương nặng, được đưa về Mỹ điều trị trong suốt 5 năm. Bước ra khỏi chiến tranh, nhưng hình ảnh tại căn cứ Dầu Tiếng năm xưa vẫn luôn ở trong tâm trí. Một ý nghĩ thôi thúc ông là cần chuyển những thông tin về hố chôn tập thể ở Dầu Tiếng cho phía Việt Nam để hài cốt những người lính được tìm thấy và trở về với gia đình.

Đầu năm 2017, ngay sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, Magner trở lại Việt Nam để thực hiện ý nguyện này. Ông chuyển toàn bộ thông tin, hình ảnh về khu mộ liệt sĩ ở Dầu Tiếng cho cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương và đến căn cứ Dầu Tiếng tìm kiếm các dấu vết còn lại nhằm xác định vị trí khu mộ. Thế nhưng, mọi dấu vết năm xưa đã bị xóa nhòa. Trở về Mỹ, Magner đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và trao đổi với các đồng đội năm xưa để thu thập thêm thông tin.

Nỗ lực tìm kiếm thông tin mộ liệt sĩ Việt Nam đã mang đến tình bạn thân thiết giữa hai cựu chiến binh Mỹ Magner và Connor với hai nhà nghiên cứu độc lập: kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng và kỹ sư Lâm Hồng Tiên. “Sự hợp tác của chúng tôi đã mang lại kết quả tìm kiếm cho đến nay là hơn 100 vị trí chôn cất thi thể bộ đội Việt Nam”, ông Magner nói.

Với cựu chiến binh Connor, 81 tuổi, sống tại Maple Shade, New Jersey, Mỹ, đây là lần thứ ba ông trở lại Việt Nam trong vai trò vừa là nhân chứng, vừa là nhà nghiên cứu, thu thập, phân tích thông tin về các khu mộ tập thể để hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Tháng 4/1967, Connor đến Việt Nam và được giao nhiệm vụ sĩ quan trinh sát tại sân bay Biên Hòa (còn gọi là Căn cứ Không quân Biên Hòa). Là sĩ quan trinh sát và cảnh báo tại sân bay Biên Hòa, ông đã chứng kiến các hoạt động tấn công của quân đội Việt Nam tại khu vực sân bay, nhất là trận đánh Tết Mậu Thân năm 1968.

Năm 2016, trước đề nghị của cháu gái về một dự án trường học tại Việt Nam, ông đã sử dụng công nghệ Google Earth để tìm kiếm và xác định vị trí tại Việt Nam. Điều này đã gợi cho ông ý tưởng và kế hoạch thực hiện việc tìm kiếm các vị trí chôn lấp bộ đội Việt Nam và quân nhân Mỹ còn sót lại sau chiến tranh.

Từ lương tâm và trách nhiệm cá nhân, ông đã tập hợp một số bạn bè thân thiết liên hệ với phía Việt Nam, vận dụng trí nhớ, kết hợp với các nguồn hồ sơ, tư liệu do Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA) cung cấp, và các thiết bị khoa học (rà phá lòng đất/GPR), công nghệ Google Earth để triển khai kế hoạch tìm kiếm.

Năm 2017, Connor và Đại tá Martin E.Strones trở lại Việt Nam giúp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai tìm thấy mộ tập thể 150 liệt sĩ tại sân bay Biên Hòa mà ông đã tận mắt chứng kiến trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968. Sau chuyến trở lại này, ông đã liên hệ với nhiều cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam tiếp tục hợp tác với Cơ quan Quốc phòng Tìm kiếm tù binh và người mất tích (DPAA) và Trường đại học Công nghệ Texas để khai thác các thông tin liên quan về các trận đánh, danh sách, giúp công tác tìm kiếm liệt sĩ của Việt Nam được thuận lợi. Năm 2021, hai ông Connor và Magner đã giúp tỉnh Tây Ninh tìm được mộ tập thể hơn 200 liệt sĩ tại Bến Cầu.

Ông Magner nói: “Tôi rất xúc động khi biết người Việt Nam coi việc tìm kiếm các hài cốt liệt sĩ là một nghĩa vụ thiêng liêng. Và tôi cảm thấy rất vui khi mình có thể góp chút công sức trong nỗ lực cao cả đó”.

Đến nay, nhóm nghiên cứu của ông Connor đã cung cấp cho Việt Nam các thông tin khá chính xác về địa điểm có khoảng gần 11.000 hài cốt liệt sĩ, trong đó 1/3 được đánh dấu bằng tọa độ.

Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cho biết, trong số 21 bộ hồ sơ xác định vị trí các khu mộ liệt sĩ mà các cựu chiến binh Mỹ trao cho Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, có mộ chôn 300 liệt sĩ, có mộ 130 liệt sĩ, mộ ít nhất cũng 10 liệt sĩ.

“Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã làm báo cáo gửi cơ quan chức năng các cấp và rất hy vọng sớm được khảo sát, khai quật. Nếu chúng ta khai quật được hết các mộ tập thể thì có khoảng 3.000 liệt sĩ được trả lại tên hoặc chí ít cũng đưa được các anh về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ”, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng nói.

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng, hiện vẫn còn khoảng 180.000 liệt sĩ đang nằm rải rác trên các trận địa ác liệt năm xưa, cả ở trong nước và các nước bạn: Lào, Campuchia. Với hơn 20 bộ hồ sơ được trao bởi các cựu chiến binh Mỹ là những thông tin quan trọng để các cơ quan chức năng có thể đưa được hàng nghìn liệt sĩ trở về. Những nỗ lực cá nhân đó đã góp phần xoa dịu nỗi đau của các thân nhân liệt sĩ và làm sâu sắc hơn mối quan hệ của hai nước Việt Nam và Mỹ.

Những cựu binh Pháp nặng lòng với Điện Biên Phủ
Thông điệp hòa bình từ những kỷ vật của một cựu binh Mỹ

Nguồn bài viết : R88 Điện Tử

Top