2025-01-17 20:17:23

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của cả nước.

Phân quyền cho Hà Nội

Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, chiều 28/5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có nội dung về chính quyền thành phố thuộc thành phố.

Theo đó, có ý kiến cho rằng quy định về mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố trong dự thảo luật chưa rõ ràng, chưa luật hóa được nội dung xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô đã xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW.

Đại biểu Quốc hội: Cần thiết thành lập tòa án chuyên biệt ở các thành phố lớn

Bàn về nội dung thành lập tòa án sơ thẩm chuyên biệt, đại biểu Quốc hội cho rằng trước mắt chỉ nên triển khai thí điểm tòa sơ thẩm chuyên biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Với các ý kiến tán thành việc quy định về thành phố thuộc thành phố trong dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện mà pháp luật đã quy định thì Chính phủ vẫn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: Phân quyền cho Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc ủy ban nhân dân thành phố bảo đảm tiêu chí, điều kiện theo quy định.

Dự thảo luật cũng giao Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quy định việc điều chỉnh cơ cấu công chức, viên chức và vị trí việc làm phù hợp với cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội quy định cụ thể tiêu chí thành lập mới, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố.

“Trường hợp thành lập thêm cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc ủy ban nhân dân thì phải bảo đảm tổng số cơ quan không vượt quá 15% (đối với cấp Thành phố) và 10% (đối với cấp quận, huyện) so với khung số lượng do Chính phủ quy định (khoản 4 Điều 9),” Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng lưu ý.

Cùng với đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng phân quyền trực tiếp cho Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định một số vấn đề cấp bách và báo cáo hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp gần nhất để bảo đảm tính kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; bổ sung, làm rõ các quy định về phân cấp, ủy quyền của ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc ủy ban nhân dân thành phố và thuộc cấp huyện.

Ngoài ra, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội được xác định số lượng biên chế căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội; bảo đảm tỷ lệ giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt mức tỷ lệ trung bình của cả nước để trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Phát huy vai trò tự chủ của chính quyền Thủ đô

Nêu ý kiến về nội dung trên, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) cơ bản thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo luật đồng thời góp ý nhiều nội dung cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật như về biên chế, phân cấp, ủy quyền.

Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Về biên chế tại khoản 4 Điều 9 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Hà Sỹ Đồng cho hay theo tinh thần chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò tự chủ, tự quản của chính quyền Thủ đô.

Do đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị Quốc hội nên đẩy mạnh phân cấp, quản lý về biên chế, giao cho Hà Nội được quyền quyết định về biên chế cán bộ công chức, viên chức, đi liền với đó là phải có cơ chế báo cáo, kiểm tra, kiểm soát của Trung ương trong quá trình thực hiện.

Về phân cấp, ủy quyền tại Điều 14 của dự thảo, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị dự thảo luật cần chú ý, tập trung vào những quy định liên quan đến vấn đề phân cấp, ủy quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho chính quyền thủ đô, qua đó giúp chính quyền thủ đô có đủ thẩm quyền để chủ động, linh hoạt, năng động trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.

Còn việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền thủ đô, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng vấn đề này thuộc nội bộ điều hành của chính quyền thủ đô, thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương nên Quốc hội không nên phân cấp gộp cho Thủ đô việc này.

Đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (Đoàn thành phố Đà Nẵng) cũng nêu quan điểm cần thiết giao quyền chủ động cho Hà Nội trong quyết định chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn.

Theo đại biểu Trần Chí Cường, thành phố Hà Nội có vị trí, vai trò là thủ đô của cả nước, khối lượng công việc về quản lý đầu tư phát triển rất lớn, phức tạp, yêu cầu ngày càng cao. Ngoài việc đảo đảm nhiệm vụ của một địa phương cấp tỉnh thì Hà Nội còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ chính trị, đặc biệt yêu cầu cao hơn về đô thị, môi trường, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, đối ngoại với vai trò là thủ đô của đất nước.

Bên cạnh đó, với vị trí Thủ đô là đô thị đặc biệt, thành phố Hà Nội có tốc độ phát triển nhanh, quy mô kinh tế lớn, hoạt động thương mại, dịch vụ, giao dịch quốc tế, văn hóa, thể thao diễn ra sôi động, đa dạng, có tầm ảnh hưởng lớn.

“Do vậy việc giao quyền chủ động cho thành phố trong quyết định chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc chính quyền thành phố và cấp huyện để có được tổ chức bộ máy linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn là rất cần thiết,” đại biểu Trần Chí Cường kiến nghị.

Cũng theo đại biểu Trần Chí Cường, dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp này đã có sự tiếp thu, chỉnh lý tương đối phù hợp, đưa ra các nguyên tắc, điều kiện để thành lập, tổ chức lại các cơ quan theo yêu cầu quản lý của từng giai đoạn theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội./.

(Vietnam+)

Nguồn bài viết : Thống kê loto kép

Top